Chính trị

Nghị quyết về khoa học công nghệ: Động lực thương mại hóa kết quả nghiên cứu

Gia Nguyễn 17/02/2025 20:23

Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, về Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo...

Tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Mạnh Hùng trân trọng cảm ơn các ý kiến rất toàn diện, phong phú, sâu sắc, dưới nhiều góc nhìn và rất xây dựng, tâm huyết của các đại biểu Quốc hội. Những ý kiến này sẽ góp phần rất quan trọng để hoàn thiện nghị quyết…

thi-diem-co-che-chinh-sach-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-17.2.2.1.jpg
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Mạnh Hùng giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - Ảnh: Media Quốc hội

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, về tên gọi của nghị quyết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo xin đề xuất tên gọi mới là: Nghị quyết về thí điểm một số chính sách, cơ chế đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Nghị quyết thí điểm không có tham vọng tháo gỡ mọi điểm nghẽn, nhất là khi nghị quyết được chuẩn bị trong một thời gian ngắn mà tập trung vào thí điểm một số ít chính sách, cơ chế đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội về cơ bản đã rõ và có thể thực thi ngay, đánh trúng vào các điểm nghẽn kéo dài, đánh trúng vào các vấn đề cấp bách để tạo ra sự phát triển đột phá, thực hiện được ngay Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.

“Trong tháng 5, Quốc hội sẽ thông qua Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật Công nghiệp công nghệ số và tiếp theo sẽ là các luật liên quan khác. Đây sẽ là cơ hội để chúng ta tiếp tục giải quyết căn cơ hơn các vấn đề thể chế, chính sách và cơ chế cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.

thi-diem-co-che-chinh-sach-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-17.2.2.2.jpg
Sáng nay 17/2, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - Ảnh: Media Quốc hội

Về cải cách cơ chế quản lý tài chính trong việc thực hiện nghiên cứu khoa học công nghệ, giao quyền tự chủ trong sử dụng kinh phí nghiên cứu, về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đây là những nội dung có nhiều vướng mắc kéo dài, gốc của nó là Nhà nước muốn tránh rủi ro nên đề ra nhiều thủ tục phức tạp, dồn rất nhiều trách nhiệm lên các tổ chức nghiên cứu và kết quả là các cơ sở nghiên cứu không dám nhận những nghiên cứu lớn, có rủi ro cao như các nghiên cứu cơ bản.

Nhưng nghiên cứu có bản chất rủi ro, là một loại đầu tư có rủi ro cao. Nghị quyết lần này thí điểm cơ chế khoán chi đối với hầu hết các nghiên cứu mà không phải cam kết kết quả cuối cùng. Nhà nước sẽ quản lý thông qua đánh giá các giai đoạn nghiên cứu để tiếp tục cấp kinh phí, đánh giá các cơ sở nghiên cứu có kết quả để giao thực hiện tiếp các đề tài.

“Nghị quyết cho phép Nhà nước cấp tiền cho nghiên cứu thông qua cơ chế quỹ. Nghị quyết cũng quy định về việc miễn trách nhiệm dân sự và không phải hoàn trả lại kinh phí nếu nghiên cứu không đi đến kết quả như dự kiến”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Đồng thời hy vọng, với những chính sách, cơ chế đặc biệt này, với việc phân biệt nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng để có chính sách, cơ chế quản lý khác nhau, tạo thông thoáng cho cả 2 thì chi ngân sách Nhà nước cho khoa học công nghệ đang là 1% sẽ tăng lên tối thiểu 2% như quy định của Luật Khoa học và Công nghệ, có hiệu quả.

Đặc biệt, về thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đây cũng đang là điểm nghẽn lớn và kéo dài. Kết quả nghiên cứu phải được thương mại hóa mới góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết thí điểm việc cho phép cơ sở nghiên cứu được sở hữu và có quyền tự quyết đối với kết quả nghiên cứu, với tài sản hình thành từ nghiên cứu để chủ động việc thương mại hóa ngay sau khi kết thúc nghiên cứu.

Người làm nghiên cứu cũng được hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hóa, được phép tham gia lập và điều hành doanh nghiệp. Đây là những chính sách rất mạnh mẽ để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, kể cả các kết quả nghiên cứu của những năm trước, tạo ra ích nước lợi nhà.

Bởi vì kết quả nghiên cứu được thương mại hóa thì nhà nước sẽ thu được thuế, tạo ra công ăn việc làm, đất nước có trình độ khoa học công nghệ cao hơn. Đây là cách thu hồi gián tiếp của Nhà nước đối với các khoản chi khoa học công nghệ.

“Các đại biểu Quốc hội phát biểu hôm nay đều đồng tình ủng hộ thí điểm chính sách này. Một số nội dung chi tiết, chúng tôi sẽ nghiên cứu, tiếp thu để đảm bảo rõ nét hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nghị quyết về khoa học công nghệ: Động lực thương mại hóa kết quả nghiên cứu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO