Phát triển Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, là yếu tố có ý nghĩa sống còn đối với thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, và bền vững.
Từ hoàn thiện hạ tầng ...
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (CĐS) là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới phương thức quản trị, phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, xác định rõ chủ trương “Phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế xã hội. Đây cũng là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp.
Theo Sở KHCN tỉnh Quảng Ninh: Những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách không ngừng đầu tư, hoàn thiện hạ tầng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực, qua đó mang lại những kết quả tích cực. Hiện, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 33 tổ chức KH và CN.
Trong đó có 8 tổ chức công lập được đầu tư bài bản về cơ sở vật chất, con người, đáp ứng tốt nhiệm vụ hoạt động nghiên cứu cơ bản thường xuyên cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ, triển khai thực nghiệm, thử nghiệm phát triển công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng các loại giống, giám định, kiểm soát môi trường, bệnh tật.
Ngoài CDC, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã chú trọng đầu tư cho hạ tầng khoa học, phục vụ các hoạt động nghiên cứu, thí nghiệm, ứng dụng, chuyển giao công nghệ…
Tiêu biểu phải kể đến Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ khoa học Thái Dương (TX Quảng Yên). Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất các loại cây giống lâm - nông nghiệp, công ty đã đầu tư xây dựng một nhà nuôi cấy mô hoàn chỉnh với hệ thống trang thiết bị hiện đại, đảm bảo cho hoạt động nghiên cứu và sản xuất cây giống chất lượng cao bằng công nghệ nuôi cấy mô, công suất 3-5 triệu cây/năm.
Nhờ đó, Công ty đã nghiên cứu, nhân giống thành công nhiều giống mới có giá trị kinh tế cao, được thị trường tiếp nhận, như: Hoa lan các loại (hồ điệp, địa lan, lan tai trâu), cây giống dược liệu (giảo cổ lam, hà thủ ô, trà hoa vàng...).
Để phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo, Quảng Ninh tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư, xây dựng hạ tầng KHCN đồng bộ, hiện đại. Trong đó, tỉnh sẽ hình thành Khu CNTT tập trung (Hạ Long ICT Park). Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh (IOC). Trung tâm kiểm soát an toàn thông tin mạng tỉnh (SOC).
Các Khu nông nghiệp, lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Đông Triều, Đầm Hà, Tiên Yên; Khu trình diễn, giới thiệu, mô hình, thực nghiệm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, lưu trữ nguồn gen.
Đồng thời, đảm bảo hoạt động và phát triển của Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh phù hợp với xu thế công nghệ, yêu cầu thực tiễn và lộ trình của IDC các địa phương, IDC quốc gia. Tăng cường liên kết, phối hợp giữa khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với khu công nghệ thông tin tập trung và với các vườn ươm, phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm chuyên ngành trong và ngoài tỉnh, cũng như gắn kết với phát triển hạ tầng, hệ sinh thái sống. Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động các phòng thí nghiệm, kiểm định của tỉnh đáp ứng nhu cầu kiểm định, kiểm nghiệm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, môi trường của người dân, doanh nghiệp và phục vụ công tác quản lý Nhà nước.
Để tạo đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, Quảng Ninh sẽ tập trung hoàn thiện hạ tầng phục vụ, trong đó hình thành khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh IOC, trung tâm kiểm soát an toàn thông tin mạng tỉnh SOC, các trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu trình diễn, giới thiệu mô hình ứng dụng thực nghiệm tiến bộ khoa học công nghệ, lưu trữ nguồn gen… Qua đó, dần đáp ứng với nhịp độ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
...đến thúc đẩy động lực
Luôn coi trọng sức mạnh của khoa học công nghệ (KHCN), nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã dành sự quan tâm đầu tư về nguồn lực, xây dựng thể chế để mở đường cho KHCN phát huy vai trò của mình. Nhiều nghị quyết chuyên đề về KHCN đã được ban hành, gần đây nhất, tháng 4/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU “Về phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030".
Đến nay sau gần 2 năm triển khai, một số mục tiêu cụ thể của Nghị quyết đã hoàn thành. Tiêu biểu như tỷ lệ đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt trên mức 50%. Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp tỉnh năm 2023 xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố. Có 2 nhãn hiệu của doanh nghiệp trong tỉnh là “Bột mì Cái Lân” và “Gốm, Gạch ngói Đất Việt” đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế; 91,9% sáng chế, giải pháp hữu ích đang được duy trì khai thác thương mại...
Ông Lâm Văn Phòng – Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh: Năm 2024, chúng tôi đã nhận được 151 nhiệm vụ, trong đó có trên 30% nhiệm vụ khoa học công nghệ được đặt hàng từ các sở ngành, địa phương trong đó tập trung giải quyết những vấn đề khoa học công nghệ mà địa phương không giải quyết được.
Hiện, Sở đang tổng hợp, tham mưu, báo cáo UBND tỉnh để cho phép triển khai các nhiệm vụ theo đặt hàng của địa phương. Đặc biệt, tập trung vào các lĩnh vực mà tỉnh đang quan tâm, có thế mạnh như phát triển kinh tế biển, phát triển nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo và giải quyết các bài toán liên quan đến bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu.
Xác định phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là con đường ngắn nhất để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, cùng với việc tiếp tục hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết 13, tỉnh Quảng Ninh đang xây dựng dự thảo chương trình hành động sát với tình hình thực tiễn của tỉnh.
Triển khai Nghị quyết số 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức, tổ chức thực hiện góp phần đưa đất nước nói chung, Quảng Ninh nói riêng phát triển giàu mạnh. Trong đó, sẽ nhận diện các điểm yếu, điểm nghẽn để tập trung tháo gỡ. Qua đó, đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ cũng như kinh tế xã hội.
Ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh: Toàn tỉnh đã có 28 doanh nghiệp khoa học công nghệ trong đó thu hút được các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Dự kiến, đến hết năm 2025, sẽ có 40 doanh nghiệp KHCN, chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương đứng thứ 6 toàn quốc, trên 90% nhiệm vụ khoa học và công nghệ được duy trì, ứng dụng vào thực tiễn.
Theo ông Thể: Với những chiến lược đúng đắn, đầu tư hiệu quả vào khoa học công nghệ không chỉ giúp Quảng Ninh nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững tạo ra những giá trị lâu dài cho tỉnh Quảng Ninh.
Trong tương lai dưới sự lãnh đạo quyết liệt của Đảng bộ tỉnh và sự tham gia của các cấp các ngành. Cộng đồng Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh quyết tâm đưa khoa học công nghệ hiện diễn rõ nét trong tất cả các lĩnh vực, trở thành kim chỉ nam dẫn đường cho sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.