Đã tròn 15 năm kể từ khi công bố, dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng vẫn là một dự án “treo” gây nhiều bức xúc.
Theo tính toán, dự án di dời ga Đà Nẵng và tái phát triển đô thị có tổng mức đầu tư vào khoảng 9.932 tỉ đồng, sẽ được thực hiện phần lớn bằng ngân sách nhà nước.
Vị trí ga mới được xác định thuộc địa phận phường Hòa Minh và Hòa Khánh Nam (thuộc quận Liên Chiểu), với tổng diện tích 95,4 ha.
Đây là công trình nhận được nhiều kỳ vọng của người dân và thành phố Đà Nẵng bên cạnh dự án Cảng Liên Chiểu. Bởi, như Báo cáo của UBND TP Đà Nẵng hồi đầu năm 2018 đã xác định: “Dự án hình thành sẽ giúp phát triển đô thị một cách bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường đồng thời rút ngắn thời gian chạy tàu Bắc – Nam; tăng tính kết nối với hệ thống đường sắt, đường bộ, cảng biển (cảng Liên Chiểu) và các khu công nghiệp”.
Tuy nhiên, từ khi công bố đến nay đã tròn 15 năm, đây vẫn là một dự án “treo” gây nhiều bức xúc.
Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, lãnh đạo Đà Nẵng cũng đau đầu với các câu hỏi về việc di dời Ga bao giờ thực hiện. Việc treo dự án suốt thời gian dài làm cho những người dân tại khu vực gặp nhiều khó khăn trong ổn định cuộc sống và nhiều bức xúc khác.
Đầu năm 2018, Văn phòng Chính phủ đã có công văn với ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về việc giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp Bộ Kế hoạch Đầu tư và các Bộ liên quan thống nhất về nguồn vốn để thực hiện dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, hiện nay, bố trí nguồn vốn cho dự án càng trở nên khó khăn khi chi phí đền bù giải tỏa vượt quá xa so với vốn ban đầu dự kiến.
Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng từng nói việc di dời nhà ga đã có từ lâu nhưng quan trọng bây giờ là phải xác định nguồn lực lấy từ đâu.
Trong các cuộc bàn thảo liên quan lộ trình thực hiện dự án di dời Ga, Đà Nẵng đã có phương án hình thành tại khu vực nhà ga mới một khu đô thị, mở rộng thu hút các nguồn lực, xây dựng các kho tàng, logictics, trung tâm thương mại... Ngân sách sẽ thu lợi từ việc giao đất tại khu vực mới này. Trong khi đó, khu vực nhà ga cũ với diện tích trên 12 ha trên đường Hải Phòng - là một vị trí đắc địa của TP.
Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ từng cho rằng, sẽ tổ chức thành khu đô thị thương mại - dịch vụ. TP sẽ mở rộng đầu tư hạ tầng giao thông khi kết nối tuyến đường sắt nội thị giữa ga cũ và ga mới (dài khoảng 18km). Đây cũng là cơ hội để xóa bỏ những khu nhà ổ chuột dọc theo tuyến đường sắt cũ. Tuy nhiên, tất cả chỉ đang dừng lại ở ý tưởng, vì thực tế, dự án vẫn còn “nằm trên giấy”.
Mới đây, một lãnh đạo UBND Quận Liên Chiểu đã đưa ra con số hàng ngàn ngôi nhà trái phép mọc lên tại khu vực dự kiến xây mới ga đường sắt. Với con số này, vị lãnh đạo quận đặt câu hỏi: Lấy đâu ra hàng ngàn lô đất tái định cư để cấp lại cho dân?.
Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đã thốt lên rằng: “Bản thân nhận thấy dự án này (di dời Ga đường sắt – PV) đã phá sản. Có bán hết ga cũ ở Tân Chính cũng không giải quyết được”.