Doanh nghiệp

DIỄN ĐÀN NÔNG NGHIỆP 2025: Cần xây dựng khung pháp lý thống nhất cho nông nghiệp sinh thái

Cẩm Anh - Ảnh: Tuấn Ngọc 16/07/2025 16:03

Hiện nay Việt Nam vẫn còn thiếu một khung pháp lý và định nghĩa tổng thể, thống nhất cho nông nghiệp sinh thái.

onghainam.jpg
Ông Bùi Hải Nam, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp phát biểu tại Diễn đàn.

Phát biểu tại “Diễn đàn nông nghiệp 2025: Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 16/7/2025, ông Bùi Hải Nam, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp cho biết, hiện nay Việt Nam đứng trước các thách thức lớn về phát triển nông nghiệp như suy thoái tài nguyên: 11.8 triệu ha đất thoái hóa, ô nhiễm nguồn nước ngầm; Tác động nặng nề của biến đổi khí hậu: hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn; Áp lực an ninh lương thực đa chiều như Việt Nam xếp hạng 54/113 toàn cầu (EIU Food Security Index 2022).

Trong khi đó, Việt Nam đã đưa ra nhiều cam kết chiến lược như hướng tới mục tiêu Net-Zero vào năm 2050 (COP26); Kế hoạch hành động Chuyển đổi Hệ thống Lương thực (FSTP, QĐ 300/QĐ-TTg); Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Bền vững 2021–2030 (QĐ 150/QĐ-TTg); Kế hoạch Thích ứng Quốc gia (NAP 2021–2030)...

Điều này dẫn đến nhu cầu cấp thiết cần phải tái cấu trúc hệ thống lương thực theo hướng phát thải thấp, thông minh với khí hậu (CSA). Đồng thời tích hợp các giải pháp dựa vào thiên nhiên (NbS) và ông nghiệp Sinh thái vào chính sách phát triển.

Ông Nam cho biết, khi tiến hành kiểm kê 186 dự án nông nghiệp sinh thái và giải pháp dự vào thiên nhiên tại Việt Nam, có 79% là dự án có hoạt động can thiệp, trọng tâm triển khai và hỗ trợ thực hiện các mô hình nhằm thay đổi cách canh tác, quản lý tài nguyên thiên nhiên, cải thiện sinh kế cho nông dân theo hướng bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời tăng cường vai trò của cộng đồng nhằm cải thiện hệ thống nông nghiệp.

21% là dự án nghiên cứu nhằm đánh giá tác động hoặc xây dựng chính sách liên quan đến nông nghiệp sinh thái và các giải pháp dựa vào thiên nhiên.

Ông Nam cho biết thêm, hiện nay bức tranh chuyển đổi nông nghiệp sinh thái của Việt Nam đang nghiêng mạnh về hai giải pháp: Nông nghiệp thông minh với khí hậu và thuận thiên/Dựa vào tự nhiên/Bảo tồn sử dụng đa dạng sinh học, trong khi các loại hình can thiệp khác vẫn còn bị bỏ ngỏ.

Với giải pháp nông nghiệp thông minh với khí hậu (CSA)/Phát thải thấp chiếm 41 dự án (27,7 %) phản ánh tác động trực tiếp của cam kết Net‑Zero 2050 và các yêu cầu cắt giảm CH₄, N₂O trong Quyết định 150 và 300.

Trong khi đó, giải pháp thuận thiên/NbS chiếm 19 dự án (12,8 %) với động lực chính đến từ nhu cầu thích ứng biến đổi khí hậu ở ĐBSCL (mô hình lúa–tôm sinh thái, rừng ngập mặn) và các gói tài chính khí hậu ưu tiên “nature‑positive”. Xu thế này dự kiến còn tăng khi thị trường carbon nội địa đi vào vận hành, vì NbS vừa giảm phát thải vừa tạo tín chỉ hấp thụ.

Tuy nhiên, ông Nam chỉ ra, các giải pháp quan trọng khác như ESG, nông nghiệp bảo tồn/luân canh, nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng, nông nghiệp sinh thái đô thị … hoàn toàn vắng bóng, dù đây là chủ đề được FAO/UNEP đánh giá quan trọng cho “chế độ ăn lành mạnh” và “tăng trưởng xanh bao trùm” ở giai đoạn hậu 2030.

Mặt khác, phân bố nông nghiệp sinh thái/NbS theo tám vùng sinh thái cho thấy một bức tranh “lệch tâm” rõ: hơn một phần ba dự án can thiệp (85/234, tương đương 36,3 %) tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Không chỉ là “vựa lúa – thủy sản” quốc gia, ĐBSCL cũng là vùng chịu rủi ro khí hậu cao nhất; bởi vậy các nhà tài trợ quốc tế và Chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu đã dồn nguồn lực lớn cho các mô hình lúa‑tôm sinh thái, lúa giảm phát thải và phục hồi rừng ngập mặn.

Tây Nguyên đứng thứ hai với 36 dự án can thiệp (15,4 %), chủ yếu xoay quanh các dự án về cà phê carbon thấp, nông lâm kết hợp và quản lý nước tưới tiết kiệm. Trong khi đó, các vùng Đông Bắc, Đông Nam Bộ, và Duyên hải Nam Trung Bộ hiện nổi bật như những “vùng trũng” của chuyển đổi sinh thái khi chỉ chiếm từ 4-7%.

Với định hướng và khung chính sách ngày càng hoàn thiện, hướng tới bền vững, ông Nam cho biết, nông nghiệp sinh thái được xác định là xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn trong các văn bản cấp cao như Nghị quyết 19-NQ/TW, Chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững (QĐ 150), Kế hoạch hành động chuyển đổi hệ thống lương thực (QĐ 300).

Các nghị quyết của Đảng và Chính phủ cũng đã nhấn mạnh vai trò của nông nghiệp, thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ. Nhiều chính sách cụ thể đã được ban hành. Mặc dù chưa có luật riêng cho nông nghiệp sinh thái, nhiều chính sách hỗ trợ các hợp phần đã tồn tại và được củng cố, bao gồm: Quản lý cây trồng/dịch hại tổng hợp (ICM/IPM), VietGAP, Nông nghiệp hữu cơ (TCVN 11014, NĐ 109/2018), Nông lâm kết hợp, Hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI).

Đồng thời sự tham gia của nhiều bên liên quan như các Bộ ngành, các viện nghiên cứu, khu vực tư nhân (đặc biệt trong ngành hữu cơ) và các tổ chức phi chính phủ, cùng chính sách hướng tới hỗ trợ nông hộ nhỏ và các nhóm yếu thế, trao quyền cho phụ nữ nông thôn, thể hiện sự quan tâm đến công bằng xã hội đã tạo điều kiện tích cực cho việc phát triển nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam.

toancanh4.jpg
Toàn cảnh “Diễn đàn nông nghiệp 2025: Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp”.

Tuy nhiên, ông Nam chỉ ra, hiện nay thiếu một khung pháp lý và định nghĩa tổng thể, thống nhất cho nông nghiệp sinh thái. Trên thực tế, khái niệm về "nông nghiệp sinh thái" còn mới, chưa được định nghĩa và đề cập trực tiếp trong các văn bản pháp quy, dẫn đến sự nhầm lẫn với "nông nghiệp hữu cơ", "nông nghiệp an toàn".

Bên cạnh đó, nhiều quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn trong thực thi. Các chính sách hiện hành chỉ gián tiếp tác động đến nông nghiệp sinh thái thay vì tạo ra một khung khổ toàn diện. Nhiều chính sách vẫn tập trung chủ yếu vào mục tiêu tăng sản lượng, đôi khi mâu thuẫn với mục tiêu bảo vệ môi trường và bền vững.

Ngoài ra, hạn chế trong năng lực thực thi và giám sát vẫn còn tồn tại. Hiệu quả thực thi chính sách chưa cao, việc phân cấp giữa trung ương và địa phương còn mang tính hình thức, chưa tạo được sự chủ động thực chất; Các tiêu chí, mục tiêu và khả năng giám sát, đo đếm kết quả của nông nghiệp sinh thái còn thiếu, đặc biệt ở cấp địa phương.

Đáng chú ý, ông Nam cho rằng, người nông dân thiếu kiến thức, kỹ năng và công cụ để áp dụng các kỹ thuật nông nghiệp sinh thái phức tạp. Năng lực của cán bộ khuyến nông còn hạn chế. Chi phí đầu tư ban đầu và rủi ro thất bại mùa vụ cao khiến nông dân, đặc biệt là hộ nhỏ, ngần ngại chuyển đổi.

Liên kết chuỗi giá trị và thị trường chưa bền vững. Thị trường chưa phát triển: Thị trường cho sản phẩm nông nghiệp sinh thái và chuỗi giá trị liên quan chưa được phát triển đầy đủ, thiếu các kênh phân phối hiệu quả. Mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu dùng, giữa doanh nghiệp và nông dân còn yếu, chưa chặt chẽ.

Cơ hội đang ủng hộ chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái như xu thế toàn cầu và cam kết quốc tế đang dịch chuyển dịch sang kinh tế xanh. Các quốc gia đang ưu tiên các mô hình sản xuất thân thiện môi trường, giảm phát thải, tạo cơ hội cho nông sản sinh thái Việt Nam cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Với các cơ hội như nhu cầu thị trường và tiềm năng trong nước; Nhu cầu tiêu dùng xanh tăng mạnh; Lợi thế hệ sinh thái; Tiềm năng du lịch nông nghiệp; Đổi mới sáng tạo và công nghệ; Ứng dụng công nghệ mới cũng như có cơ hội lớn để kết hợp tri thức khoa học hiện đại với tri thức bản địa và kinh nghiệm của nông dân để tạo ra các giải pháp phù hợp, việc chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn như rào cản về thể chế và chính sách; Mâu thuẫn trong định hướng; Thiếu khung pháp lý riêng cho nông nghiệp sinh thái...

Ngoài ra, những hạn chế về năng lực và liên kết cũng là những rào cản lớn. Phân cấp chưa đi kèm với nâng cao năng lực thực thi, nhiều địa phương chưa có chiến lược nông nghiệp sinh thái riêng, dẫn đến triển khai thiếu nhất quán.

Ông Nam cũng nhấn mạnh, hệ thống dữ liệu về đa dạng sinh học, chất lượng đất, nước, khí hậu chưa đầy đủ để hỗ trợ ra quyết định. Mối quan hệ giữa nông dân - doanh nghiệp - nhà nước - viện nghiên cứu chưa chặt chẽ, thiếu các mô hình hợp tác công tư hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
DIỄN ĐÀN NÔNG NGHIỆP 2025: Cần xây dựng khung pháp lý thống nhất cho nông nghiệp sinh thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO