Cần ban hành Chiến lược riêng về nông nghiệp tuần hoàn, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và đầu tư xanh, lồng ghép vào các chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực và gắn với mục tiêu Net-zero.
Phát biểu tại “Diễn đàn nông nghiệp 2025: Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 16/7/2025, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã nhấn mạnh vai trò then chốt của nông nghiệp trong đảm bảo an ninh lương thực và phát triển bền vững khu vực nông thôn Việt Nam.
Theo ông Thịnh, ngành nông nghiệp Việt Nam không chỉ là trụ đỡ quan trọng bảo đảm an ninh lương thực và thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, mà còn nổi tiếng với các mô hình sản xuất tuần hoàn đặc trưng như vườn - ao - chuồng, vườn - ao - rừng,...
Ông Thịnh cho biết, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là mô hình tổ chức sản xuất theo hướng khép kín, tái sử dụng tối đa tài nguyên, giảm phát thải và tổn thất, đồng thời gia tăng giá trị từ phụ phẩm, chất thải và năng lượng tái tạo trong toàn bộ chuỗi giá trị nông sản với các đặc trưng, bao gồm: Tối ưu hóa tài nguyên; Tái chế – tái sử dụng phụ phẩm, chất thải; Liên ngành và khép kín các quy trình sản xuất (Trồng trọt chăn nuôi chế biến du lịch…); Giảm phát thải – tăng giá trị sinh; Đổi mới sáng tạo và công nghệ làm nền tảng; Chuỗi giá trị nông sản bền vững – xanh hóa và gắn với phát triển vùng, cộng đồng và thích ứng với biến đổi khí hậu...
Hiện nay Việt Nam đang là quốc gia có lợi thế về nguồn phụ phẩm nông nghiệp lớn. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp, có hơn 156 triệu tấn phụ phẩm/năm (rơm rạ, vỏ trấu, bã mía, vỏ cà phê, chất thải chăn nuôi…); bên cạnh đó có nhiều mô hình tuần hoàn truyền thống như VAC, OCOP, HTX…
Nhu cầu quốc tế và trong nước ngày càng tăng với nông sản xanh – tuần hoàn – carbon thấp; cùng với đó là sự vào cuộc của doanh nghiệp, hợp tác xã tiên phong bước đầu tích cực, ông Thịnh cho rằng, tiềm năng thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam đang trờ nên vô cùng to lớn.
Mặc dù vậy, ông Thịnh cũng chỉ ra, tỷ lệ tái chế, tái sử dụng thấp, mới đạt dưới 35% và ở chủ yếu quy mô nhỏ, phân tán gây ra phát thải, ô nhiễm. Thiếu hệ thống quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia như nhãn mác, nhãn chứng nhận cho sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn và chứng nhận còn hạn chế, làm tăng rủi ro, giảm hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp, HTX.
Ngoài ra còn thiếu chính sách tín dụng xanh, bảo hiểm rủi ro, khuyến khích đầu tư công nghệ xử lý phụ phẩm; Thiếu dữ liệu, bản đồ phụ phẩm – chuỗi – phát thải, cũng như chưa có nền tảng số hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Ông Thịnh cho biết, mục tiêu chính trong định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, tổng thể đến 2030 – tầm nhìn 2050 phải tối ưu hóa sử dụng tài nguyên đầu vào, tuần hoàn phụ phẩm, chất thải,giảm phát thải khí nhà kín, tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp (lên >70% - gấp đôi) trong các lĩnh vực có thế mạnh sản xuất như lúa gạo, cà phê, chăn nuôi...; Xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn cấp vùng, ngành và địa phương. Hiện nay kinh tế tuần hoàn vẫn ở các mô hình nhỏ lẻ, manh mún, không hình thành thị trường lớn, chuỗi ngành hàng.
Về định hướng, theo ông Thịnh, phát triển mô hình nông nghiệp tích hợp mô hình nông nghiệp đa giá trị như trồng trọt - chăn nuôi - thủy sản - chế biến - năng lượng tái tạo - du lịch sinh thái.
Ngoài ra, mô hình nông nghiệp tuần hoàn phải định dạng trên KH&CN thông qua chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; xử lý phụ phẩm, sản xuất phân hữu cơ, năng lượng sinh học, công nghệ sinh học - số hóa (chuyển đối xanh và chuyển đổi số); Hình thành chuỗi giá trị khép kín theo ngành hàng và theo vùng sinh thái.
Ông Thịnh cũng dẫn chứng hệ thống chính sách, đề án đã và đang tạo nền tảng pháp lý cho nông nghiệp tuần hoàn, như: Chính sách cấp quốc gia: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh 2021–2030 (Quyết định 1658/QĐ-TTg); Nghị quyết 57-NQ/TW (2024), trong đó xác định kinh tế tuần hoàn là một trong các hướng đổi mới sáng tạo trọng tâm và Quyết định số 150/QĐ-TTg của Thủ tướng năm 2022 tại Việt Nam về Chiến lược phát triển bền vững ngành nông nghiệp (Nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và tuần hoàn).
Trong ngành nông nghiệp cũng đã có một số dự án, đề án lớn đáng chú ý như: Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL (QĐ 1490/QĐ-TTg) trong đó có hợp phần về thúc đẩy tuần hoàn phụ phẩm rơm rạ, phân hữu cơ, tiết kiệm nước – năng lượng; Đề án giảm phát thải trong chăn nuôi (2023) chủ yếu là tập trung vào vấn đề xử lý chất thải làm biogas, phân sinh học hoặc Chương trình OCOP – Làng nghề nông thôn bền vững: thúc đẩy mô hình làng nghề tuần hoàn – sinh thái, cùng nhiều chương trình khuyến nông hỗ trợ mô hình VAC, sản xuất phân hữu cơ, xử lý phụ phẩm quy mô HTX (thí điểm tại Đắk Lắk, Bắc Giang, Long An...) hoặc các chuơng trình khuyến nông của Bộ Nông nghiệp và Môi trường đều hướng theo tư duy nông nghiệp sinh thái và nông nghiệp tuần hoàn.
Để phát triển hơn nữa các mô hình kinh tế tuần hoàn, ông Thịnh khuyến nghị cần ban hành Chiến lược riêng về nông nghiệp tuần hoàn, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và đầu tư xanh, lồng ghép vào các chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực và gắn với mục tiêu Net-zero.
Cùng với đó, ông Thịnh cho rằng cần quan tâm đến xây dựng các quy trình, tiêu chuẩn, sự công nhận, xác nhận nông nghiệp tuần hoàn sản phẩm trong nông nghiệp tuần hoàn.
"Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn chịu rủi ro rất cao, nhất là về thị trường. Do đó cần có nhãn mác riêng để tạo cơ sở cho người tiêu dùng phân biệt được các sản phẩm có đóng góp bảo vệ tài nguyên môi trường, từ đó làm tăng giá trị, tạo động lực cho doanh nghiệp, hợp tác xã.. đầu tư vào kinh tế tuần hoàn", ông Thịnh gợi ý.
Cuối cùng, ông đề xuất cần hỗ trợ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy phát triển thị trường nông sản tuần hoàn, hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và có khả năng cạnh tranh trong xu thế kinh tế xanh toàn cầu.