Điều gì đang chờ đợi kinh tế thế giới trong năm 2019?

Việt Nga 28/12/2018 06:00

Năm 2018 đã đi đến hồi kết với một loạt vấn đề còn đang dang dở - sẽ ít nhiều tác động đến kinh tế thế giới trong năm 2019, có thể theo chiều hướng tích cực hoặc gây nảy sinh mâu thuẫn mới.

Căng thẳng Mỹ - Trung khó giải quyết, Jack Ma sẽ chính thức rời Alibaba hay mạng 5G sẽ thống trị công nghệ toàn cầu,... là một số vấn đề nổi trội trong năm mới.

Những "cơn sóng" mới trong mối quan hệ Mỹ - Trung

Có lẽ, nguy cơ lớn nhất đe dọa sự ổn định của thị trường toàn cầu đó vẫn là thương chiến Mỹ - Trung.

Cho dù giữ vững được thỏa thuận "tạm đình chiến" thương mại mà hai nước đạt được bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina vừa qua, thì mâu thuẫn hiện nay vẫn có thể chỉ là giai đoạn đầu của một cuộc "chiến tranh lạnh kinh" tế kéo dài.

Trump - Tập gặp nhau bên lề G20

Trump - Tập gặp nhau bên lề G20

Theo ước tính của Bloomberg Economics, nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump thực thi lời cảnh báo áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ thì tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2019 của Trung Quốc sẽ giảm 1,5 điểm phần trăm.

Trong trường hợp đó, tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ còn khoảng 5%, dù các biện pháp ứng phó của Bắc Kinh được cho là sẽ có tác dụng làm dịu bớt cú "sốc" sụt giảm tăng trưởng.

Một yếu tố khác tác động đến nền kinh tế thế giới trong năm tới là việc Đảng Dân chủ giành kiểm soát Hạ viện Mỹ trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua.

Có thể bạn quan tâm

  • Cùng xung đột với Mỹ, kinh tế Trung Quốc và Nhật Bản sẽ ra sao trong năm 2019?

    Cùng xung đột với Mỹ, kinh tế Trung Quốc và Nhật Bản sẽ ra sao trong năm 2019?

    10:00, 27/12/2018

  • Thế giới đã chuẩn bị gì cho năm 2019?

    Thế giới đã chuẩn bị gì cho năm 2019?

    07:05, 26/12/2018

Các nhà phân tích của Bloomberg nhận định động thái này có thể cản trở chương trình nghị sự của Tổng thống Trump. Mở đường cho những cuộc điều tra nhằm vào người đứng đầu Nhà trắng.

Đồng thời, chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ mới và cả "đế chế" kinh doanh của gia đình ông dự báo nhiều trắc trở. Điều này đồng nghĩa với hai năm bế tắc chính sách, sẽ khó có thêm những kế hoạch cắt giảm thuế hay tăng đầu tư cơ sở hạ tầng.

Châu Âu tiếp tục chao đảo

Một trong những rủi ro của thế giới trong năm 2019 là mâu thuẫn giữa Chính phủ Italy với Liên minh châu Âu (EU) về kế hoạch ngân sách với những khoản chi tiêu mạnh tay.

Trong báo cáo rà soát hàng năm về kế hoạch ngân sách của các nước trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Ủy ban châu Âu (EC) nêu rõ ngân sách của Italy "đặc biệt không tuân thủ" các giới hạn của EU. Mâu thuẫn này khiến giới đầu tư và các quan chức EU cảm thấy bất an.

Các nhà phân tích cho rằng, năm 2019 có thể sẽ là năm quyết định không chỉ đối với Italy mà còn đối với khả năng EU áp kỷ luật ngân sách đối với các quốc gia thành viên.

EU tiếp tục bất ổn

EU tiếp tục bất ổn

Kinh tế thế giới năm 2019 còn đối diện với rào cản lớn đến từ vấn đề Anh rời EU, hay còn gọi là Brexit. Bức tranh chính trị nhiều vết rạn nứt hiện nay của Anh đã và đang cản trở tiến trình nước này rút khỏi "mái nhà chung" EU.

Sau nhiều tranh cãi, nước Anh vẫn chưa thể thống nhất được kế hoạch Brexit và đứng trước nguy cơ biến động ở thượng tầng nội các của Thủ tướng Theresa May.

Bloomberg ước tính một Brexit "cứng," nghĩa là không có thỏa thuận nào cho mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU, có thể khiến GDP của nước này giảm 7% vào năm 2030 - so với thời điểm vẫn là thành viên của EU. Dù Anh rời EU nhưng vẫn là một phần trong liên minh hải quan với khối này thì GDP của nước này vẫn sụt giảm khoảng 3%.

Thương mại điện tử Trung Quốc ra sao sau đế chế Jack Ma?

Từng là 1 giáo viên dạy tiếng Anh trước khi khởi nghiệp, Ma lập ra Alibaba vào năm 1999 và đã xây dựng công ty này trở thành một trong những tập đoàn thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến hùng mạnh nhất thế giới, thay đổi hoàn toàn cách người Trung Quốc mua sắm và chi trả mọi thứ.

Hành trình này cũng giúp tài sản ròng của Jack Ma vượt qua con số 40 tỷ USD, giúp ông trở thành tỷ phú giàu nhất Trung Quốc. Ông được nhiều người Trung Quốc kính trọng, thậm chí một số người thờ ảnh ông giống như cách thờ thần tài.

Jack Ma quyết định nghỉ hưu trong bối cảnh môi trường kinh doanh ở Trung Quốc đang trở nên khó khăn hơn. Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, ngành Internet đã lớn mạnh và ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn nhưng do đó cũng bị kiểm soát chặt chẽ hơn.

Xu hướng thương mại điện tử có thay đổi sau những biến động ở gã khổng lồ Alibaba

Xu hướng thương mại điện tử có thay đổi sau những biến động ở gã khổng lồ Alibaba?

Bên cạnh đó nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những cơn gió ngược như tăng trưởng giảm tốc và nợ gia tăng, cùng với đó là cuộc chiến thương mại với Mỹ ngày càng leo thang.

Theo tác giả của cuốn sách "Alibaba: The House Jack Ma Built” (Tạm dịch: Alibaba: Ngôi nhà được Jack Ma xây dựng) Ông Duncan Clark nhận định: "Ma là biểu tượng cho sức khỏe của khu vực tư nhân tại Trung Quốc, dù ông ấy thích điều đó hay không".

Giáo sư Joseph P.H.Fan từ Đại học Hongkong đã đưa ra một vấn đề hết sức thú vị: “Người ta sẽ chèo chống con thuyền Alibaba ra sao khi thiếu vị thuyền trưởng Jack Ma?”. Câu hỏi này sẽ cần nhiều thời gian trong năm 2019 để có thể trả lời!

Nhật Bản âm thầm thay đổi

Nhật hoàng Akihito sẽ thoái vị vào ngày 30/4/2019. Thái tử Naruhito sẽ lên ngôi vào ngày hôm sau, đánh dấu kết thúc thời đại Heisei (Bình Thành) và mở ra một kỷ nguyên mới bằng tên riêng mới.

Nhật hoàng Akihito thoái vị không phải sự kiện duy nhất được giới quan sát lưu tâm. Không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia, trong cuộc bầu cử của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền diễn ra vào tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã giành chiến thắng quan trọng.

Ông Shinzo Abe một lần nữa nắm giữ chiếc ghế lãnh đạo đảng cầm quyền Nhật Bản và trở thành thủ tướng tại nhiệm lâu nhất lịch sử đất nước Mặt trời mọc.

Nhật hoàng Akihito sẽ thoái vị - Nhật Bản âm thầm cải cách

Nhật hoàng Akihito sẽ thoái vị - Nhật Bản âm thầm cải cách

Điểm nổi bật trong giai đoạn cầm quyền của Thủ tướng S.Abe là gói chính sách tái khởi động nền kinh tế mang tên Abenomics, cho phép nới lỏng chính sách tiền tệ của ngân hàng, đem thêm lợi nhuận cho các doanh nghiệp và giảm tỷ lệ thất nghiệp, đưa quốc gia này thoát khỏi giai đoạn lạm phát kéo dài suốt nhiều thập kỷ. 

Nếu khôi phục và phát triển kinh tế là mục tiêu hàng đầu của chính quyền Thủ tướng Abe trong 2 nhiệm kỳ trước thì tới nhiệm kỳ thứ 3, các nội dung về cải cách Hiến pháp lại đang trở thành chủ đề trung tâm của các cuộc thảo luận.

Một trong những thành tựu đáng chú ý của ông Abe trong nhiệm kỳ thứ 2 là sửa đổi luật để Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có thể tham chiến ở nước ngoài. Chiến thắng vừa qua đã mở ra cơ hội để nhà lãnh đạo này tiến một bước còn xa hơn nữa là thay đổi Hiến pháp hòa bình từ sau Thế chiến II, chính thức công nhận quân đội Nhật Bản.

Hiện chính quyền của Thủ tướng S.Abe đang phải đối mặt với nhiều thách thức như nợ công tăng cao, tình trạng dân số già hóa nhanh và đang giảm đi, các vấn đề an ninh tại khu vực Đông Bắc Á, bên cạnh đó là những bất đồng với đồng minh Mỹ liên quan đến vấn đề thương mại. 

Phép thử lớn đầu tiên là cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản vào mùa hè năm 2019. Theo đó, LDP cần bảo đảm được thế áp đảo đa số 2/3 tại cơ quan lập pháp này, giúp Thủ tướng S.Abe có đủ sự ủng hộ và nguồn lực cần thiết để tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách và mục tiêu đã đề ra.

Những thành công trên cương vị lãnh đạo đã giúp Thủ tướng S.Abe tạo dựng uy tín sâu rộng và chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua là minh chứng rõ ràng cho vị thế của ông. Sự ủng hộ vững chắc là nền tảng thuận lợi để nhà lãnh đạo xứ Phù tang đưa nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào kỷ nguyên phát triển mới, đáp lại lòng tin và sự kỳ vọng của người dân đất nước Mặt trời mọc.

Cuộc cách mạng mang tên 5G

Theo đánh giá của các chuyên gia, công nghệ 5G sẽ là một bước tiến quan trọng tạo ra những thay đổi lớn trong đời sống con người. Với nhiều ưu điểm vượt trội so với 4G, mạng 5G được kỳ vọng sẽ là cuộc cách mạng mới của thế giới di động.

Nhận thức được vai trò của 5G đối với phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã công bố nghiên cứu, thử nghiệm và thương mại hóa công nghệ này.

Công nghệ này được kỳ vọng sẽ cung cấp các tiện ích như ôtô tự lái, thực tế ảo và các tiện ích xây dựng nên thành phố thông minh. Quốc gia triển khai 5G đầu tiên sẽ có lợi thế thu hút đầu tư rất lớn, cũng như tạo ra lợi thế tuyển dụng trên toàn thế giới.

Mạng 5g bắt đầu thành dòng chảy lớn

Mạng 5g bắt đầu thành dòng chảy lớn

Thực tế, cần rất nhiều điều kiện để triển khai 5G theo hướng thương mại một cách phổ biến. Các công ty cần đầu tư cho việc nghiên cứu và phát triển mạng, chính phủ cần xem xét quy hoạch tần số vô tuyến bổ sung cho các công ty viễn thông không dây, do 5G cần lượng băng thông lớn hơn rất nhiều so với các thế hệ mạng đi trước.

Những phân tích của CTIA nhấn mạnh rằng Trung Quốc có kế hoạch triển khai 5G theo hướng thương mại vào năm 2020. Các nhà mạng hàng đầu nước này cũng cam kết sẽ đáp ứng điều kiện đề kịp tiến độ này. Chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ phân phối một lượng lớn tần số vô tuyến cần thiết cho các công ty trên.

Trong khi đó, Hàn Quốc có nhiều thay đổi tích cực sau Thế vận hội mùa đông vừa diễn ra. Lợi thế lớn nhất là quốc gia “tâm điểm cho đầu tư, nghiên cứu và thử nghiệm” mạng 5G.

Dù ở vị trí thứ ba, Mỹ vẫn nằm trong top các quốc gia có thể triển khai công nghệ ưu việt này sớm nhất. Các công ty viễn thông lớn như Verizon và AT&T đang chuẩn bị gấp rút cho việc thử nghiệm 5G trong năm 2018. Bất chấp tình hình hiện tại, nhiều chuyên gia tin rằng Mỹ có thể vươn lên dẫn đầu trong vài năm tới.

Năm 2018 đã đi đến hồi kết với một loạt vấn đề còn đang dang dở. Giới chuyên gia cho rằng những những vấn đề này vẫn sẽ ít nhiều tác động đến thế giới trong năm 2019, có thể theo chiều hướng tích cực hoặc gây nảy sinh mâu thuẫn mới.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Điều gì đang chờ đợi kinh tế thế giới trong năm 2019?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO