Doanh nghiệp cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu đồng loạt kiến nghị với Bộ Tài Nguyên Môi trường

Diendandoanhnghiep.vn Các doanh nghiệp cảng Bà Rịa Vũng Tàu gặp nhiều khó khăn vướng mắc liên quan đến công tác nạo vét duy tu khu nước trước bến cảng cũng như các nghĩa vụ phát sinh liên quan đến vật chất nạo vét.

>>> Doanh nghiệp cảng biển thích ứng để vượt bão

Các doanh nghiệp cảng biển tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) bao gồm: Gemalink, CMIT, SSIT, SITV, SP-PSA, Cảng Interflour Cái Mép, TCTT, TCIT, TCCT, PTSC Phú Mỹ, Công ty CP Cảng Tổng hợp Thị Vải, Cảng Bà Rịa Serece đã đồng loạt lên tiếng kiến nghị Bộ Tài Nguyên Môi trường sớm vào cuộc xử lý các vướng mắc liên quan đến nghĩa vụ tài chính đối với vật chất nạo vét từ các dự án nạo vét duy tu khu nước trước bến cảng tại tỉnh BR-VT.

Các doanh nghiệp cảng biển tại Bà Rịa Vũng Tàu đồng loạt ký đơn kiến nghị Bộ Trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường

Các doanh nghiệp cảng biển tại Bà Rịa Vũng Tàu đồng loạt ký đơn kiến nghị Bộ Trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường 

Nhiều vướng mắc cản trở

Trong đơn kiến nghị, các doanh nghiệp cho biết, kể từ năm 2021 đến nay, họ nhận được rất nhiều văn bản từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh BR-VT yêu cầu thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với việc sử dụng vật chất nạo vét từ hoạt động nạo vét duy tu vùng nước trước bến cảng (trước đây được gọi là bùn nạo vét) được đổ trên bờ tại các vị trí mà doanh nghiệp tự thu xếp được, như là khoáng sản.

Liên quan đến khu vực đổ vật chất nạo vét, từ nhiều năm qua, các doanh nghiệp cảng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập và xin duyệt hồ sơ duy tu nạo vét thủy diện cảng, đặc biệt liên quan đến vật chất nạo vét.

Trước đây, tỉnh BR-VT đã có quy hoạch khu vực nhận chìm vật chất nạo vét tại khu A ngoài khơi biển BR-VT và các dự án, các doanh nghiệp được tạo điều kiện triển khai duy tu nạo vét kịp thời. Kể từ khi có sự cố môi trường nghiêm trọng do Formosa, Hà Tĩnh năm 2016, pháp luật về bảo vệ môi trường thay đổi kéo theo hàng loạt các quy định mới điều tiết cả việc nhận chìm vật chất nạo vét thủy diện cảng với nhiều cơ quan từ trung ương đến địa phương phê duyệt, thủ tục hết sức phức tạp, chi phí rất lớn và thời gian phê duyệt kéo dài. Các doanh nghiệp cảng gần như không thể thực hiện nhận nhìm vật chất nạo vét ngoài biển.

Giải pháp cho việc xử lý vật chất nạo vét chỉ còn là tìm chỗ đổ trên bờ. Theo khoản 2, Điều 47 Nghị định 159/2018/NĐ-CP quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc công bố địa điểm đổ chất nạo vét trên bờ và ngoài biển thuộc phạm vi quản lý: “Trước ngày 30 tháng 01 hàng năm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải công bố địa điểm đổ chất nạo vét trên bờ và ngoài biển thuộc phạm vi quản lý”. Dù vậy, trước tháng 5/2023, UBND tỉnh không công bố khu vực đổ chất nạo vét trên bờ theo quy định trên, doanh nghiệp cảng chỉ còn giải pháp tự tìm khu đất phù hợp để đổ vật chất nạo vét với hình thức san lấp, thậm chí ở các tỉnh/thành khác rất xa. Dù vậy, để đảm bảo độ sâu khai thác trước bến cho tàu thuyền ra vào an toàn theo quy định, các cảng đành phải chấp nhận thời gian thi công dài hơn và phải trả chi phí không nhỏ cho đơn vị đồng ý tiếp nhận vật chất nạo vét này, việc tìm được bãi đổ/đơn vị đồng ý tiếp nhận cũng rất khó khăn, điều này làm tăng thêm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp trong việc duy tu nạo vét.

Tháng 5/2023, sau thời gian dài các doanh nghiệp, các cơ quan ngành hàng hải và các đơn vị báo đài truyền thông có ý kiến rất nhiều, UBND tỉnh mới ban hành quyết định công bố khu vực đổ trên bờ, theo đó có ghi mục đích đổ san lấp hoặc đổ thải của các khu vực tiếp nhận vật chất nạo vét. Điều cần làm rõ ở đây là doanh nghiệp cảng biển chỉ có nhu cầu đổ vật chất nạo vét đi và không có nhu cầu cũng như không phải là bên sử dụng vật chất nạo vét để san lấp.

Các cảng không được hỗ trợ giải pháp phù hợp cho yêu cầu xử lý vật chất nạo vét. Khi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đổ bùn nạo vét lên bờ với tên gọi “đổ san lấp” thì vật chất nạo vét này lại được xem là khoáng sản và bị yêu cầu thực hiện các nghĩa vụ tài chính về khai thác khoáng sản (bao gồm truy thu đối với cả các dự án duy tu nạo vét trước đây), phải thực hiện thêm nhiều thủ tục khác liên quan.

Về hoạt động nạo vét, duy tu các khu nước, vùng nước trước bến cảng, công tác duy tu nạo vét khu nước trước bến cảng hàng năm là yêu cầu thiết yếu và gắn liền với hoạt động kinh doanh khai thác cảng biển, nhằm đảm bảo độ sâu bến cần thiết và an toàn để tiếp nhận các tàu ra vào cảng và xếp dỡ hàng hóa. Công tác này không nhằm vào mục đích thu hồi khoáng sản, các doanh nghiệp cảng không sử dụng vật chất nạo vét duy tu để kinh doanh, hưởng lợi ngoài hoạt động sản xuất chính của mình. Do vậy, hoạt động nạo vét duy tu không phải là hoạt động khai thác khoáng sản như quy định tại khoản 7, điều 2, Luật khoáng sản.

Kể từ khi được đưa vào khai thác đến nay, các doanh nghiệp cảng hoạt động theo công năng của một cảng biển như đã đăng ký với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh BR-VT trong Giấy chứng nhận đầu tư. Cụ thể, các doanh nghiệp cảng không đăng ký kinh doanh khai thác khoáng sản hay vật chất nạo vét duy tu và do vậy cũng không phải là đơn vị khai thác khoáng sản theo quy định tại điều 51 - Luật Khoáng sản. Các khu vực cảng BR-VT cũng không thuộc Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn. Như vậy, khi các doanh nghiệp cảng không phải là đơn vị khai thác khoáng sản, khi các khu vực vùng nước cảng biển BR-VT không thuộc quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản của tỉnh mà vật chất nạo vét từ hoạt động nạo vét duy tu khu nước trước bến cảng lại được xem là khoáng sản và áp dụng các quy định, thủ tục và nghĩa vụ tài chính đối với khoáng sản là không phù hợp.

Trước khi triển khai công tác nạo vét duy tu, các doanh nghiệp cảng đều thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định và được sự chấp thuận của Bộ TNMT, UBND các tỉnh, thành có khu vực tiếp nhận vật chất nạo vét. Trong hồ sơ đã trình nộp trước đây và được phê duyệt, các DN cảng không phải thực hiện xin cấp Giấy phép khai thác khoáng sản hay Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản theo quy định của Luật khoáng sản đối với hoạt động khai thác khoáng sản.

Về nghĩa vụ tài chính, trong tiến trình vận hành khai thác cảng và công tác nạo vét duy tu khu nước trước bến, các doanh nghiệp cảng đều tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường cũng như đóng đầy đủ các loại thuế, phí liên quan đến môi trường, báo cáo đầy đủ về kế hoạch nạo vét duy tu, được cơ quan chức năng tỉnh phê duyệt đồng thời được sự chấp thuận vị trí đổ chất nạo vét. Khi tiến hành nạo vét duy tu, các doanh nghiệp cảng hoàn toàn không biết đến các khoản thuế, phí liên quan đến khai thác khoáng sản có thể phát sinh với vật chất nạo vét duy tu (hay bùn thải nạo vét) này cũng như không nhận được bất kỳ hướng dẫn nào từ cơ quan chức năng cho các doanh nghiệp về việc phải đóng các khoản thuế phí theo pháp luật về khoáng sản. Việc phát sinh chi phí đã gây ảnh hưởng đến kế hoạch ngân sách hoạt động hàng năm đã được thông qua của các doanh nghiệp cảng.   

Các DN cảng tiến hành duy tu nạo vét khu nước trước bến định kỳ theo quy định của pháp luật để đảm bảo độ sâu theo thiết kế cho tàu ra vào an toàn. Trong ảnh là Cảng Gemalink ở Cái Mép- Cảng lớn nhất Việt Nam

Các DN cảng tiến hành duy tu nạo vét khu nước trước bến định kỳ theo quy định của pháp luật để đảm bảo độ sâu theo thiết kế cho tàu ra vào an toàn. Trong ảnh là Cảng Gemalink ở Cái Mép- Cảng lớn nhất Việt Nam

>>> Doanh nghiệp cảng biển “đau đầu” vì hàng hoá giảm tốc

Áp dụng Luật Khoáng sản có hợp lý?

Trước những khó khăn của doanh nghiệp cảng, Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản số 1202/CHHVN-KHCNMT ngày 22/4/2022 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, theo đó cũng có ý kiến cụ thể về việc các doanh nghiệp cảng thực hiện nạo vét duy tu đổ chất nạo vét lên bờ và không thu hồi sản phẩm nạo vét không thuộc đối tượng áp dụng của Luật khoáng sản và các quy định liên quan.

Các doanh nghiệp cảng cũng đã đồng loạt ký gửi văn bản đến Văn phòng Chính phủ, Bộ TNMT, các cơ quan trong tỉnh BR-VT kiến nghị về vấn đề này. Tuy nhiên, các khó khăn vướng mắc vẫn chưa được giải quyết.

Liên quan đến vật chất nạo vét duy tu, bản chất vật chất nạo vét duy tu chỉ là sa bồi hàng năm, không chứa các chất thải nguy hại và không phải là khoáng sản. Vì không phải là khoáng sản nên khi thực hiện công tác nạo vét duy tu trong suốt những năm trước đây, các doanh nghiệp cảng đã không thu hồi và đổ tại khu A (vịnh Gành Rái) theo quy hoạch. Nhưng hiện nay, các doanh nghiệp cảng buộc phải tìm khu vực trên bờ để đổ vật chất nạo vét duy tu này không phải vì mục đích kinh doanh khai thác khoáng sản hay thu hồi khoáng sản để san lấp mà do các khó khăn trong thủ tục đề nghị được nhận chìm tại khu A.

Tại văn bản số 1588/KSVN-KHTCKT ngày 12/07/2023 của Cục Khoáng sản Việt Nam có văn bản số 1588/KSVN-KHTCKT gửi Sở TNMT tỉnh BR-VT về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với các trường hợp đã sử dụng khối lượng nạo vét, duy tu cảng để san lấp, theo đó có các nội dung như sau: “Đối với các dự án nạo vét, duy tu khu nước trước bến, cảng (pháp luật về khoáng sản gọi là dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch vùng cửa sông ven biển) có thu hồi, sử dụng khối lượng vật chất nạo vét để san lấp, tổ chức, cá nhân được phép thu hồi, sử dụng khoáng sản từ các dự án nêu trên phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan, trong đó có nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.”

Các doanh nghiệp cảng biển cho rằng đây là cách hiểu không phù hợp với thực tế hoạt động ngành hàng hải, cụ thể trong công tác nạo vét duy tu gồm có nạo vét duy tu luồng hàng hải và nạo vét duy tu khu nước trước bến cảng. Nạo vét duy tu luồng hàng hải do cơ quan ngành hàng hải là Bộ GTVT và Cục Hàng Hải Việt Nam thực hiện. Nạo vét duy tu khu nước trước bến cảng do các doanh nghiệp cảng thực hiện. Do vậy, không thể xem việc nạo vét duy tu khu nước trước bến cảng là dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch vùng cửa sông ven biển theo pháp luật về khoáng sản như văn bản trên của Cục Khoáng sản.

Trong văn bản 1588 nêu tiếp: “Ngoài ra, theo nội dung Công văn số 2785/STNMT-BNKS ngày 11/5/2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã nêu, các doanh nghiệp đã thực hiện nạo vét, duy tu khu nước trước bến, cảng biển từ năm 2017 đến năm 2021 mà chưa có sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”

Các doanh nghiệp cảng tiến hành duy tu nạo vét khu nước trước bến định kỳ theo quy định của pháp luật để đảm bảo độ sâu theo thiết kế cho tàu ra vào an toàn. Trước khi triển khai duy tu nạo vét, doanh nghiệp thực hiện đầy đủ thủ tục để được cấp phép từ các cơ quan địa phương như UBND các tỉnh/thành liên quan, Sở TNMT, Cảng vụ Hàng Hải,…cũng như Bộ TNMT. Vì vậy, nội dung nêu trên là hoàn toàn không đúng với thực tế.

Văn bản 1588 của Cục Khoáng sản có ý kiến với Sở TNMT tỉnh về việc thực hiện truy thu nghĩa vụ tài chính đối với vật chất nạo vét của các doanh nghiệp trong giai đoạn từ 2017-2021.

Khi thực hiện hồ sơ xin cấp phép triển khai nạo vét duy tu, các DN cảng hoàn toàn không biết đến các khoản thuế, phí liên quan đến khai thác khoáng sản có thể phát sinh với vật chất nạo vét duy tu (hay bùn thải nạo vét) này cũng như không nhận được bất kỳ hướng dẫn nào từ cơ quan chức năng cho các doanh nghiệp về việc phải đóng các khoản thuế phí theo pháp luật về khoáng sản. Việc truy thu cho giai đoạn trên ảnh hưởng đến kế hoạch ngân sách hoạt động hàng năm đã được thông qua của các DN cảng, đặc biệt gây bức xúc cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư cảng trên địa bàn tỉnh BR-VT.

Doanh nghiệp kiến nghị không áp dụng các loại thuế phí đối với nạo vét duy tu vùng nước cảng biển

Với các quy định hiện hành thì vật chất nạo vét từ hoạt động nạo vét, duy tu khu nước, vùng nước không phải là khoáng sản, không thuộc đối tượng áp dụng của Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn của Luật Khoáng sản. Các dự án, công trình nạo vét, duy tu khu nước trước bến cũng không phải là các dự án, công trình nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm thuộc đối tượng thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại các điều khoản của chương IV, Nghị định 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa. Các doanh nghiệp cảng thực hiện nạo vét, duy tu khu nước, vùng nước cũng không phải là đơn vị khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản.

Vướng mắc này đang dần trở thành điểm nghẽn phát triển có thể dự báo cho ngành giao thông vận tải nói riêng và phát triển kinh tế nói chung trong thời gian tới nếu không sớm được khắc phục.

Do vậy, các doanh nghiệp cảng đã đồng loạt kiến nghị Bộ Tài Nguyên Môi trường xem xét trực tiếp giải quyết khó khăn, vướng mắc trên của Doanh nghiệp, đặc biệt các Bộ ngành nhất quán luật áp dụng là Luật hàng hải trong hoạt động duy tu nạo vét khu nước trước bến cảng, không áp dụng các quy định của Luật Khoáng sản trong trường hợp này, không áp dụng các loại thuế, phí và nghĩa vụ tài chính của Luật khoáng sản đối với vật chất nạo vét duy tu vùng nước cảng biển.

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị Bộ Tài Nguyên Môi trường xem xét không áp dụng truy thu các khoản nghĩa vụ tài chính đối với các dự án nạo vét đã thực hiện trước đây nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp cảng hoạt động hiệu quả, đúng chức năng, nhiệm vụ và tháo gỡ những khó khăn, lo lắng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu đồng loạt kiến nghị với Bộ Tài Nguyên Môi trường tại chuyên mục Doanh nghiệp của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714302211 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714302211 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10