Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc sẽ mở ra cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, khi có đầy đủ những yếu tố thuận lợi hỗ trợ cho sự phát triển.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, Đại hội XIV của Đảng sẽ đánh dấu sự mở đầu cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam, với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 sẽ thành nước phát triển có thu nhập cao, mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; hiện thực hóa khát vọng hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu theo di nguyện thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Giới chuyên gia nhận định, kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam sẽ mở ra cơ hội rất lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là với các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup), khi có đầy đủ những yếu tố thuận lợi hỗ trợ cho sự phát triển.
Ông Huỳnh Thanh Vạn – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam đánh giá, cộng đồng doanh nghiệp startup đang sẵn sàng tâm thế để đón nhận những cơ hội lớn trong kỷ nguyên vươn mình sắp tới của dân tộc.
Theo ông Huỳnh Thanh Vạn, Việt Nam đang được rất nhiều nước trên thế giới quan tâm đầu tư. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp nắm bắt công nghệ và lượng data khách hàng. Cùng với đó là cơ hội đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa việc làm.
Bên cạnh đó, hiện nay, Việt Nam đang thực hiện “cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy” từ trung ương đến địa phương. Việc sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy sẽ góp phần rất lớn giúp các doanh nghiệp bớt được nhiều thủ tục rườm rà, quá trình thành lập doanh nghiệp mới sẽ được rút ngắn hơn, nhiều thủ tục khác liên quan đến doanh nghiệp cũng sẽ được thực hiện nhanh chóng hơn, qua đó, giúp các doanh nghiệp tiết giảm được nhiều chi phí. Đây sẽ là cơ hội rất lớn để các startup mạnh dạn đầu tư phát triển.
Ông cũng cho rằng, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội nắm bắt thông tin một cách nhanh chóng hơn và rõ ràng hơn. Thông qua các nền tảng mạng xã hội, các startup sẽ được tiếp cận và trang bị nhiều kiến thức và tư duy để giúp quá trình khởi nghiệp được thuận lợi hơn.
Một cơ hội nữa cũng rất quan trọng đối với các doanh nghiệp startup trong kỷ nguyên vươn mình là hiện nay, các bạn trẻ được tiếp cận với ngoại ngữ từ rất sớm. Khi nhiều nước đầu tư vào Việt Nam, các startup lại có cơ hội trau dồi thêm nhiều ngoại ngữ. Với mục tiêu “công dân toàn cầu”, việc giỏi nhiều ngoại ngữ sẽ là “chìa khóa” giúp các startup thành công nhanh hơn. Đồng thời, giỏi ngoại ngữ cũng giúp các bạn trẻ khởi nghiệp dễ dàng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào trong quá trình khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh.
TS Nguyễn Văn Tân – Chuyên gia kinh tế, Trưởng khoa Quản trị - Kinh tế Quốc tế trường Đại học Lạc Hồng cho rằng, cơ hội lớn nhất đối với các startup trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là môi trường kinh doanh hiện nay đã được Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều. Đặc biệt là Việt Nam đang thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, điều này đồng nghĩa với việc nhiều quy định chống chéo sẽ được loại bỏ.
Thứ hai, liên quan đến sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp. Trong thời gian vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều quyết định hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp như 844, 1665, 939 và 897, giúp cho hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn thiện và phát triển mạnh mẽ hơn.
Thứ ba, tiềm năng của thị trường nội địa và thị trường quốc tế đã được khơi thông. Theo TS Nguyễn Văn Tân, nếu như trước đây, người tiêu dùng thường ưa chuộng các sản phẩm nước ngoài, thì thời gian gần đây do có sự truyền thông mạnh mẽ thị trường nội địa đã phần nào chấp nhận những sản phẩm nội địa, đặc biệt là sản phẩm của các doanh nghiệp startup.
Thứ tư, môi trường công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây cũng là cơ hội rất tốt để các dự án công nghệ của Việt Nam phát triển, đặc biệt là các nội dung liên quan đến chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi kép.
Thứ năm, cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài. Hiện nay, các nguồn vốn công nghệ cao đang dịch chuyển vào Việt Nam và chúng ta đang đi trên một “con thuyền” về công nghệ của các dòng vốn, đặc biệt là các dòng vốn liên quan đến công nghệ cao như công nghệ chíp bán dẫn. Do đó, đây sẽ là cơ hội thu hút đầu tư rất lớn.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Văn Tân cho rằng để có thể tận dụng được các cơ hội trên, các startup cần phải chuẩn bị tốt những nội dung sau: Một là, cần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo. Năng lực đổi mới sáng tạo phải luôn luôn hướng theo thị trường. Một khi năng lực đổi mới sáng tạo được nâng cao lên, chúng ta sẽ dễ dàng đón nhận những cơ hội mới.
Hai là, các startup cần phải góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh hơn; tham gia vào các viện, trường nghiên cứu; tham gia vào các chương trình thúc đẩy khởi nghiệp. Sự đóng góp của các startup khi tham gia sâu vào hệ sinh thái cũng là một cách để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp vững mạnh hơn.
Ba là, để đón đầu cơ hội mới, các startup cần phải chuyển hóa cơ hội của mình vào trong chuyển đổi số, vào trong việc ứng dụng các công nghệ mới. Phải chuyển đổi số theo cùng nhịp với cộng đồng và xã hội. Đồng thời, ứng dụng công nghệ mới vào trong startup của mình.
Bốn là, các startup cần phải quan tâm đến trách nhiệm phục vụ cộng đồng, phát triển bền vững, cần chuẩn bị tinh thần để cùng cộng đồng phát triển bền vững và có trách nhiệm với cộng đồng ngay từ lúc khởi nghiệp ban đầu. Thực hiện trách nhiệm xã hội của mình bằng những sản phẩm xanh, tiêu thụ ít năng lượng hơn, quy trình sản xuất phải xanh hơn…
Năm là, cần phải nâng cao năng lực quản trị, cũng như việc tinh gọn bộ máy của các nhà startup. Cuối cùng là phải xây dựng mô hình kinh doanh bền vững. Đặc biệt là phải xây dựng bài toán tài chính hiệu quả, bời vì, dù muốn hay không chúng ta vẫn cần phải tồn tại và dòng tiền phải ổn định.
Trong khi đó, ông Huỳnh Thanh Vạn cho rằng, để có thể tận dụng hiệu quả các cơ hội, các doanh nghiệp startup cần phải nắm bắt được xu thế của thế giới, cũng như xu hướng tiêu dùng của người tiêu. Bởi theo ông, hiện nay, xu hướng tiêu dùng đã khác xưa rất nhiều, đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải nắm bắt và khai thác hiệu quả.
“Nếu như trước đây, người tiêu dùng chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm là chính thì hiện nay, ngoài chất lượng sản phẩm ra thì các yếu tố khác như quy trình sản xuất, nguồn gốc nguyên vật liệu, cũng như việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm…cũng được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm, đặc biệt là ở các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Do đó, các startup cần phải trang bị cho mình những kiến thức về khoa học công nghệ, nắm bắt được xu hướng tiêu dùng của từng thị trường để sản xuất những sản phẩm phù hợp”, ông Huỳnh Thanh Vạn chia sẻ.
Về phía Nhà nước, theo ông Huỳnh Thanh Vạn, để các doanh nghiệp startup mạnh dạn đầu tư phát triển, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ để dẫn dắt và giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp tự tin hơn, như chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp startup trong 2-3 năm đầu, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có dòng tiền tái đầu tư cho sản xuất kinh doanh.
Đối với nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng, ông Vạn đề xuất, cần có chính sách ưu đãi lãi suất vay cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, với mức lãi suất ưu đãi từ 3-5%, từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội.
“Những cơ chế, chính sách hỗ trợ từ Nhà nước cần phải rõ ràng, thiết thực. Có như vậy mới khuyến khích được doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, ông Huỳnh Thanh Vạn nhấn mạnh.