“Đòn bẩy” thu hút nguồn vốn xanh

NGUYỄN VIỆT thực hiện 06/04/2024 03:00

Việc công bố báo cáo ESG (môi trường, xã hội, quản trị) đã trở thành yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp Việt Nam, nếu muốn thu hút vốn đầu tư từ nguồn tài chính xanh của các tổ chức châu Âu.

>>Thực hiện ESG đưa doanh nghiệp lên tầm cao mới

Bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng Giám đốc điều hành Công ty CP Sản xuất và Xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex) chia sẻ với DĐDN về việc áp dụng thực hành ESG vào sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

- Áp dụng thực hành ESG đối với các doanh nghiệp hiện nay là “con đường phải đi”, chứ không còn là sự lựa chọn. Bà nghĩ sao về vấn đề này?

Hiện nay, doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm những yêu cầu khắt khe từ các nhà đầu tư, sự thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng và kỳ vọng của khách hàng...

Các nhà đầu tư, đối tác, hay các bên liên quan không chỉ quan tâm đến việc doanh nghiệp mang lại doanh thu, mà cả những giá trị của mô hình kinh doanh, sự phát triển bền vững, cũng như lợi ích cho môi trường và xã hội.

Bởi vậy, để cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu, việc áp dụng và thực hành ESG đã trở thành một yêu cầu tất yếu cho các doanh nghiệp nếu muốn nâng tầm vị thế và gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường, và thu hút đầu tư.

Thực hành ESG mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Việc tập trung vào các yếu tố môi trường, xã hội, và quản trị sẽ giúp doanh nghiệp nhận diện và giảm thiểu các rủi ro liên quan. Ngoài ra, việc áp dụng ESG vào hoạt động thực tế cũng thúc đẩy sự phát triển bền vững và tiết kiệm chi phí. Quá trình chuyển đổi này đòi hỏi doanh nghiệp phải có cái nhìn đúng đắn về ESG và trở nên chủ động hơn trong hành trình này.

- Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm áp dụng thực hành ESG vào sản xuất kinh doanh của Vinasamex?

Với sứ mệnh đưa thương hiệu quế hồi, gia vị hữu cơ cao cấp của Việt Nam vươn mình ra thế giới, Vinasamex tập trung vào 4 thị trường chính như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong đó, việc công bố báo cáo ESG đã trở thành yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Vinasamex nói riêng, nếu muốn thu hút vốn đầu tư từ nguồn tài chính xanh của các tổ chức châu Âu.

 Việc thực hành ESG đã giúp Vinasamex mang lại ưu thế lớn so với các đối thủ cạnh tranh khi xuất khẩu vào các thị trường châu Âu.

Việc thực hành ESG đã giúp Vinasamex mang lại ưu thế lớn so với các đối thủ cạnh tranh khi xuất khẩu vào các thị trường châu Âu.

Hiện nay, các quỹ đầu tư và doanh nghiệp châu Âu đang yêu cầu các doanh nghiệp phải có báo cáo ESG để đảm bảo tính bền vững và trách nhiệm xã hội. Đặc biệt, các chế tài nghiêm ngặt cũng đã được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào khu vực châu Âu, yêu cầu các sản phẩm phải tuân thủ quy trình sản xuất thân thiện với môi trường và không sử dụng lao động cưỡng bức.

Người tiêu dùng tại châu Âu cũng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm được sản xuất theo quy trình thân thiện với môi trường. Năm 2023, EU đã đưa ra rất nhiều quy định như cấm hàng hóa xuất xứ từ phá rừng. Đồng thời, EU sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.

Như vậy, việc thực hành ESG từ sớm đã giúp Vinasamex mang lại ưu thế lớn so với các đối thủ cạnh tranh khi xuất khẩu vào các thị trường châu Âu.

Vinasamex đã đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường này và xây dựng được một hình ảnh đáng tin cậy về tính bền vững và trách nhiệm của công ty.

>>ESG giúp doanh nghiệp “biến gánh nặng” môi trường thành tài sản

- Tuy nhiên, để thực hiện được ESG, doanh nghiệp cũng đối mặt với không ít thách thức liên quan đến vấn đề tài chính, nhân lực..., thưa bà?

Việc áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững và thực hành ESG giai đoạn đầu có tạo gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi vì, ngoài chi phí đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường, doanh nghiệp còn phải đầu tư thêm nguồn lực cho mô hình kinh doanh bền vững, như nhân sự phụ trách chuyên trách, chi phí xây dựng và quản lý quy trình chuẩn, đầu tư máy móc thiết bị phù hợp và chi phí đánh giá của các tổ chức công nhận độc lập.

Do đó, để đưa cam kết ESG thành hành động thì rất cần được sự quan tâm và sự hỗ trợ từ các cấp ngành, địa phương, tư vấn của các chuyên gia nghiên cứu cũng như chia sẻ kinh nghiệm từ những doanh nghiệp lớn đã tiên phong trong lĩnh vực phát triển bền vững trong nhiều năm qua.

- Bà có đề xuất, kiến nghị gì để các doanh nghiệp áp dụng thực hành ESG được thuận lợi hơn?

Thứ nhất, cung cấp các khoản tài trợ toàn phần hoặc bán toàn phần, ưu đãi thuế thấp hơn mức 8% đang có là rất cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các mục tiêu bền vững và chuyển đổi sang mô hình phát triển bền vững.

Thứ hai, xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn ESG quốc tế cũng cần được khuyến khích và hỗ trợ để các doanh nghiệp có thể nhanh chóng đạt được mục tiêu.

Thứ ba, cần tạo luồng thông tin cơ sở dữ liệu đáng tin cậy từ phía Chính phủ, phi chính phủ và các cơ quan chức năng.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Có thể bạn quan tâm

  • ESG - “bệ đỡ” để doanh nghiệp tồn tại và phát triển

    20:46, 18/03/2024

  • Thực hiện ESG nâng cao vị thế doanh nghiệp

    03:20, 16/03/2024

  • Thực hành ESG: “Cánh cửa” hướng tới phát triển bền vững

    14:04, 14/03/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Đòn bẩy” thu hút nguồn vốn xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO