Mặc dù Quảng Ninh vẫn là điểm đến an toàn, song tâm lý e ngại dịch COVID-19 khiến hầu hết du khách đã hủy tour.
Cú “đấm bồi” của COVID-19
Sự choáng váng của đợt dịch COVID -19 trước đó, tưởng khó có thể đứng dậy. Nhưng với những chính sách hiệu quả về kích cầu du lịch, Quảng Ninh đã đón một số lượng khách du lịch kỷ lục.
Có ngày tỉnh này đón hơn 100.000 lượt khách, cao nhất từ trước đến nay. Riêng Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long đón lượng khách đông chưa từng có với gần 30.000 lượt. Bảo tàng Quảng Ninh cũng đã đón lượng khách tham quan khoảng 9.000 lượt. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 7, du khách đến tham quan Bảo tàng Quảng Ninh vào các ngày trong tuần đã tăng từ 40% đến 60% so với tháng 5, 6. Lượng khách dao động khoảng 3.000- 4.000 lượt khách/ngày.
Khi du lịch đang khởi sắc, thì COVID-19 quay trở lại như một “cú đấm” bồi khiến cho ngành du lịch Quảng Ninh “vỡ trận” lần 2, mặc dù tỉnh này chưa có ca mắc bệnh nào và vẫn là một điểm đến an toàn, nhưng với tâm lý e ngại các đoàn khách du lịch đã lần lượt hủy tuor.
“1 đoàn hủy rồi 2 đoàn hủy..và bây giờ gần 100% khách đặt tuor từ trước đã hủy hết. Các doanh nghiệp khách sạn tại Hạ Long gần như “vỡ trận”, ông Ngô Đăng Toại, Giám đốc khách sạn Grand Hạ Long và khách sạn Công Đoàn tại Quảng Ninh chia sẻ.
Cũng theo ông Toại, cả khách sạn Grand Hạ Long và khách sạn Công Đoàn Quảng Ninh gần như không có một khách nào đến thuê phòng những ngày qua, nhân viên chỉ ngồi chơi xơi nước. Những ngày gần đây, khách sạn không có một khách nào, trong khi cách đây hơn 2 tuần, trên 200 phòng của khách sạn lúc nào cũng có khách đặt kín.
Là một khách sạn 4 sao chuyên đón khách nước ngoài với tỷ lệ lớn, những ngày vừa qua khách sạn Sài Gòn-Hạ Long gần như đóng băng. “Từ cuối tháng 7 khi COVID-19 trở lại tại Đà Nẵng, khách hủy hết hợp đồng phòng, sự kiện, tiệc cưới… Hiện mỗi ngày khách sạn chỉ còn khoảng 5-10 phòng hoạt động/tổng số 222 phòng với khoảng 20-40 khách. Với tổng số 180 lao động, thì đến nay chỉ 20 lao động đi làm luân phiên. Trong khi doanh thu không có thì đơn vị vẫn phải duy trì toàn bộ hoạt động như chi phí khấu hao, chi phí cố định, điện nước, môi trường, lương công nhân...”, ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng Bộ phận Phòng, Khách sạn Sài Gòn-Hạ Long chia sẻ.
Theo ghi nhận của PV, thì tình trạng vắng khách xảy ra ở hầu hết các khách sạn tại Hạ Long. Đường phố khu dịch lịch những ngày này cũng rất vắng vẻ.
Nguy cơ bỏ “cuộc chơi”
Ông Lê Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty CP thương mại du lịch và vận chuyển khách Tình Nghĩa (phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều) cho biết: "Vừa rục rịch hoạt động được 2 tháng thì đến nay 40 đầu xe của Công ty lại tiếp tục nằm phơi trên bãi. Công ty không có khách hàng mới tìm hiểu và mua tour. Công việc của chúng tôi là xử lý những khách đã mua tour liên hệ hủy và hoàn tiền cho khách hàng".
"Chỉ tính riêng tiền vé máy bay, chúng tôi đã mất hơn 400 triệu đồng; tiền cọc khách sạn trên 100 triệu đồng. Đơn vị đang tính đến hết tháng 8 này nếu chưa có gì thay đổi sẽ xin tạm dừng hoạt động để giảm tải các gánh nặng thuế, phí", ông Nghĩa nói.
Khó khăn không kém là đội tàu du lịch trên vịnh Hạ Long. Trao đổi với DĐDN, đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa Quảng Ninh cho biết: “Khi dịch COVID-19 chưa bùng phát trở lại ở Đà Nẵng, ngày thường, mỗi ngày vịnh Hạ Long đón trên 1 vạn khách; ngày cuối tuần thường từ 2-3 vạn, cao hơn cả thời điểm chưa có dịch COVID-19. Trong vòng 2 tuần nay, mỗi ngày vịnh Hạ Long, với trên 500 tàu du lịch, chỉ đón khoảng 200 khách.”
Trước những khó khăn trên, các chủ tàu du lịch đang hoạt động trên vịnh Hạ Long đã có công văn gửi Chi cục Thuế Hạ Long xin được tạm dừng hoạt động.
Hiện, hơn 500 tàu du lịch trên vịnh Hạ Long có hàng nghìn nhân viên trực tiếp làm việc, trong đó chỉ tính riêng 173 tàu lưu trú đã có gần 2.000 nhân viên. Khó khăn kéo dài suốt từ đợt dịch đầu tiên đến nay, nhưng các chủ tàu cũng như nhân viên hầu như không được hỗ trợ gì từ khoản 62.000 tỉ đồng của Chính phủ?
Làm sao để giải cứu du lịch có lẽ là bài toán khó khăn đối với các ngành chức năng, bởi dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.
Trong khi đó, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, sau đại dịch sẽ có nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch phải rời bỏ “cuộc chơi” vì không còn lực.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp du lịch tiếp tục gặp khó do COVID-19 bùng phát
18:02, 19/08/2020
Hải Phòng: Doanh nghiệp du lịch khốn khổ vì khách đòi hoàn tiền
09:34, 19/08/2020
Doanh nghiệp du lịch “đơn độc” trong bĩ cực
21:25, 18/08/2020
Lối thoát nào cho du lịch Quảng Ninh?
04:10, 29/02/2020
Du lịch Quảng Ninh: Cơ hội tái cơ cấu
06:00, 29/04/2020