Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần làm rõ vấn đề thu hồi và giải quyết khiếu nại

Bài & Ảnh: GIA NGUYỄN 17/02/2023 04:00

Tiếp tục góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các chuyên gia cho rằng, cần phải làm rõ vấn đề thu hồi đất, thẩm quyền giải quyết khiếu nại về đất đai…

>> LUẬT ĐẤT ĐAI SỬA ĐỔI: Chuẩn hóa khái niệm “người sử dụng đất”

Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 170/NQ-CP về Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, việc lấy ý kiến tập trung vào 9 nội dung trọng tâm gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực trong quản lý đất đai; quy định về hộ gia đình quản lý sử dụng đất.

việc lấy ý kiến tập trung vào 9 nội dung trọng tâm - Ảnh minh họa

Việc lấy ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tập trung vào 9 nội dung trọng tâm - Ảnh minh họa

Xoay quanh nội dung đã nêu, tiếp tục góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các chuyên gia cho rằng, cần phải làm rõ vấn đề thu hồi đất, thẩm quyền giải quyết khiếu nại về đất đai.

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường kiêm Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, ở một số quốc gia trên thế giới, việc thu hồi đất là để phục vụ cho mục đích quốc phòng an ninh và cho mục đích công cộng. Còn tại nước ta, thu hồi đất xảy ra 4 trường hợp, đó là: phục vụ cho mục đích quốc phòng an ninh; phục vụ cho lợi ích phát triển xã hội; vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và thu hồi theo quy định của pháp luật vì đe dọa tính mạng của con người.

Trong các trường hợp trên, mục đích thu hồi đất phục vụ cho lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng đang gây bức xúc nhất. Đây cũng là nguyên nhân phát sinh ra tham nhũng trong quản lý đất đai khiến nhiều cán bộ vướng vòng lao lý.

>>Chuẩn hóa từ ngữ trong Luật Đất đai sửa đổi

các chuyên gia cho rằng, cần phải làm rõ vấn đề thu hồi đất, thẩm quyền giải quyết khiếu nại về đất đai - Ảnh minh họa

Các chuyên gia cho rằng, cần phải làm rõ vấn đề thu hồi đất, thẩm quyền giải quyết khiếu nại về đất đai - Ảnh minh họa

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, mặc dù Ban soạn thảo đã cố gắng giải thích định nghĩa việc thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, nhưng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) rất dễ bị lợi dụng nếu không làm rõ đối tượng thụ hưởng phải là nhân dân, ngân sách đầu tư là của Nhà nước và lợi nhuận phải do Nhà nước thu.

Đồng thời, cần định nghĩa cụ thể việc thu hồi đất phục vụ cho tổ chức tôn giáo hay cơ sở tôn giáo. Bởi, đang có hiện tượng doanh nghiệp lợi dụng tôn giáo để tổ chức hoạt động kinh doanh.

“Ví dụ như chùa Bái Đính, chỗ nào là tôn giáo, chỗ nào là kinh doanh, phải sòng phẳng chuyện này. Còn nếu không Bái Đính có 5.000 ha nếu như bóc tách phần nào là tôn giáo thì giao đất không thu tiền, còn phần nào kinh doanh thì phải nộp tiền ngân sách cho Nhà nước”, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến bày tỏ.

Còn theo Luật sư Tô Văn Chung - thành viên Hội đồng tư vấn dân chủ, pháp luật của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định “Bồi thường quyền sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước bồi hoàn cho người sử dụng đất bằng tiền, bằng đất hoặc bằng lợi ích vật chất. Vậy “Lợi ích vật chất ở đây là gì?”. Nếu không cụ thể rất dễ dẫn tới hiện tượng các cơ quan thu hồi lạm dụng để bồi thường không thỏa đáng cho người dân.

Bên cạnh đó, Luật sư Tô Văn Chung cũng cho rằng, thống kê cho thấy, chiếm phần lớn việc khiếu nại, tố cáo tại các tỉnh, thành trong cả nước đều liên quan đến vấn đề đất đai. Với quy định hiện hành, việc giải quyết tranh chấp có giấy tờ là trách nhiệm của Tòa án, còn lại là trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân.

Vì thế, việc giải quyết tranh chấp đất đai như quy định tại Điều 225 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là phù hợp và Ủy ban Nhân dân các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan để làm căn cứ cho Tòa án giải quyết theo thẩm quyền. Tuy nhiên, trong thực tiễn, có nhiều vụ án tranh chấp đất đai kéo dài, Tòa phải ra quyết định tạm đình chỉ vụ án vì Ủy ban Nhân dân không cung cấp, chậm cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ hoặc không có văn bản trả lời cho Tòa án.

Từ đó, Luật sư Chung kiến nghị, trong trường hợp không cung cấp được tài liệu chứng cứ thì phải thông báo bằng văn bản cho Tòa án biết, trong đó, ghi rõ lý do của việc không cung cấp được tài liệu chứng cứ. Nếu quá thời hạn mà không được cung cấp tài liệu, chứng cứ hoặc văn bản trả lời thì Tòa án đề nghị cơ quan quản lý cấp trên của Ủy ban Nhân dân được yêu cầu chỉ đạo ủy ban nhân dân cấp dưới thực hiện cung cấp tài liệu, chứng cứ hoặc trả lời bằng văn bản của Tòa án.

Được biết, trước đó, trong khuôn khổ phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mặc dù ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trong công tác xây dựng pháp luật, song lo ngại về mặt tiến độ, chất lượng, Chủ tịch Quốc hội – Vương Đình Huệ cho rằng, quá trình hoàn thiện, thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh rất vất vả, nếu không rút kinh nghiệm thì tới đây Luật Đất đai (sửa đổi) cũng rất dễ bị chậm. Sửa Luật Đất đai mà cũng vận hành như Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì vất vả lắm, vì luật này khó hơn nhiều. Vậy nút thắt thể chế là gì, chính sách hiện nay bất hợp lý thế nào. Nay đã là giai đoạn sát sườn rồi, vì thế nên đi thẳng góp ý vào các điều luật, chứ không nên nói nhiều về nguyên tắc, mục tiêu xây dựng luật nữa.

Có thể bạn quan tâm

  • Xem xét Dự án Luật Đất đai (sửa đổi): Có thể làm việc cả ngày nghỉ, giờ nghỉ

    Xem xét Dự án Luật Đất đai (sửa đổi): Có thể làm việc cả ngày nghỉ, giờ nghỉ

    16:11, 07/02/2023

  • Lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai sửa đổi

    Lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai sửa đổi

    01:00, 04/01/2023

  • LUẬT ĐẤT ĐAI SỬA ĐỔI: Chuẩn hóa khái niệm “người sử dụng đất”

    LUẬT ĐẤT ĐAI SỬA ĐỔI: Chuẩn hóa khái niệm “người sử dụng đất”

    03:00, 21/11/2022

  • Luật Đất đai (sửa đổi) có hạn chế được tiêu cực?

    Luật Đất đai (sửa đổi) có hạn chế được tiêu cực?

    03:38, 15/11/2022

  • LUẬT ĐẤT ĐAI SỬA ĐỔI: Không hạn chế cơ chế tự thỏa thuận làm dự án thương mại

    LUẬT ĐẤT ĐAI SỬA ĐỔI: Không hạn chế cơ chế tự thỏa thuận làm dự án thương mại

    23:29, 14/11/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần làm rõ vấn đề thu hồi và giải quyết khiếu nại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO