Chủ động sử dụng kênh mạng xã hội để tiếp nhận, tương tác thông tin cùng dân nhanh nhất, đây là cách mà UBND Quận 12 đang thực hiện và tỏ rõ hiệu quả.
Trên trang Facebook của UBND quận 12, một người dân phản ánh: Khu vực ngã ba đường Bùi Công Trừng luôn ách tắc giao thông vì bị lấn chiếm lòng đường để buôn bán, nhất là khi không có lực lượng chức năng.
Ít phút sau tài khoản này đã nhận phản hồi: “Chào anh/chị, chúng tôi sẽ chuyển ý kiến phản ánh của anh/chị đến đơn vị chức năng giải quyết. Trân trọng!”.
Đó chỉ là một trong hàng nghìn phản ánh bức xúc của người dân trên trang Facebook được lãnh đạo quận 12 tiếp thu để xử lý nhanh chóng.
Xuất phát từ mong muốn hỗ trợ tối đa cho người dân từ những thắc mắc đơn giản nhất về thủ tục hành chính trong những thời điểm ngoài giờ hành chính, lãnh đạo quận đã xây dựng trang Facebook UBND quận 12.
Với ứng dụng trả lời tự động (chatbot), các thắc mắc, phản ánh của người dân sẽ được trả lời ngay lập tức trên Facebook hoặc trang điện tử của UBND quận.
Bằng thao tác đơn giản tương tự đang nhắn tin trực tuyến, ngay khi bắt đầu cuộc hội thoại, hộp tin nhắn sẽ hiện ngay ra câu chào “Xin chào! UBND quận 12 vui lòng trả lời bạn về: Tư pháp, hộ tịch, đất đai, xây dựng…”.
Tất cả thông tin về việc hồ sơ cần nộp gồm những thủ tục gì, thời gian giải quyết bao lâu, lệ phí bao nhiêu, đơn vị nào giải quyết,… ở tất cả lĩnh vực được trả lời nhanh chóng cho người dân.
Những thông tin nào hệ thống chatbot chưa trả lời được thì sẽ hướng dẫn người dân liên hệ trực tiếp với UBND quận 12.
Có thể bạn quan tâm
16:58, 18/03/2020
11:00, 14/03/2020
07:35, 11/03/2020
04:50, 07/02/2020
Ngoài ra, với việc thiết lập đường dây nóng, các trang mạng xã hội, lãnh đạo quận đã kịp thời tiếp nhận và xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân ở tất cả các lĩnh vực, nhất là các phản ánh liên quan thủ tục hành chính.
Thậm chí, những cuộc họp hoặc những buổi đối thoại về vấn đề nóng, được nhiều người quan tâm, còn được phát trực tiếp qua mạng xã hội để người dân theo dõi và phản hồi.
Người dân thay vì phải đến tận nơi, hỏi tận chỗ, nay đã có thể ở nhà trao đổi, tin nhắn qua mạng xã hội hoặc theo dõi vi-đê-ô phát trực tiếp (livestream) về các vấn đề trên địa bàn để giải quyết nhanh hơn ý kiến, công việc của mình.
Trong vòng 48 tiếng đồng hồ, tất cả phản ánh của người dân đều được trả lời.
Kết quả, trong năm 2019, quận 12 đã tiếp nhận 965 phản ánh qua trang Facebook, trong đó đã xử lý 881 phản ánh, đang xử lý 84 phản ánh (tỷ lệ xử lý 91,3%); tiếp nhận 191 phản ánh qua trang thông tin điện tử, đã xử lý 179 phản ánh, đang xử lý 12 phản ánh (tỷ lệ xử lý 93,7%); tiếp nhận 41 phản ánh qua Zalo, trong đó đã xử lý 30 phản ánh, 11 phản ánh đang xử lý (tỷ lệ xử lý 73,2%); tiếp nhận 1.236 phản ánh qua trang dịch vụ công trực tuyến, trong đó đã thực hiện xử lý 982 phản ánh, đang xử lý 254 phản ánh (tỷ lệ xử lý 79,5%).
Theo Chủ tịch UBND quận 12 Lê Trương Hải Hiếu, định hướng của quận 12 là đẩy mạnh tương tác với người dân qua môi trường điện tử.
Để hoạt động hiệu quả, trung tâm hành chính quận được phủ sóng mạng in-tơ-nét không dây cung cấp miễn phí cho người dân tới làm việc.
Phần mềm quản lý hồ sơ hành chính (eHSHC) giúp người dân có thể theo dõi quy trình xử lý hồ sơ ở từng công đoạn và nắm bắt kết quả giải quyết một cách kịp thời.
Đến nay, phần mềm đã hỗ trợ giải quyết gần 57 nghìn hồ sơ của người dân. Quận cũng đã đưa vào sử dụng Dịch vụ công trực tuyến với 18 thủ tục thuộc các lĩnh vực.
Quận đã làm việc với đơn vị thanh toán trực tuyến để triển khai tích hợp chức năng thanh toán trực tuyến vào cổng dịch vụ công trực tuyến của quận.
Như vậy, người dân hoàn toàn có thể giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, qua mạng in-tơ-nét và theo dõi tiến độ xử lý, kết quả xử lý.
Tại cuộc họp mới đây, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao những nỗ lực của quận 12 trong việc áp dụng công nghệ thông tin để giải quyết các bức xúc của người dân.
Ông Phong đề nghị, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh lập hội đồng đánh giá hiệu quả thí điểm xây dựng đô thị thông minh tại quận 1 và quận 12, rút kinh nghiệm nhân rộng trên toàn thành phố.
Theo ông Phong, truyền thông công việc của địa phương tới người dân là rất quan trọng, để người dân hiểu, đồng thuận, tham gia tích cực cùng với quận, huyện và thành phố.
Các quận, huyện cần đẩy mạnh tương tác giữa người dân và chính quyền.
Từng địa phương phải tập trung quyết liệt xây dựng đô thị thông minh, giúp công tác quản lý hiệu quả hơn và mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng sống của người dân thành phố.