Sau khi thực hiện phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), thị giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh.
Mới đây HĐQT Công ty CP Tập đoàn PAN đã thông báo việc phát hành cổ phiếu ESOP nhằm bổ sung vốn lưu động, thu hút nhân sự có trình độ cao và tăng tính gắn bó của cán bộ nhân viên chủ chốt của công ty.
Tổng lượng cổ phiếu dự kiến phát hành là 3 triệu đơn vị và tỷ lệ phát hành đạt 1,76% trên tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành. Thời gian thực hiện trong quý 4/2019 và sau khi được UBCK Nhà nước chấp thuận. Được biết, Ban Lãnh đạo PAN như ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT và các thành viên HĐQT đã đăng ký mua tỷ lệ chiếm gần 4,2%.
Theo quy định, toàn bộ lượng ESOP này của PAN sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 100% trong 2 năm đầu và 50% còn lại trong năm thứ 3 kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên, PAN dự kiến giá bán cổ phiếu ESOP là 10.000 đồng/cp. Tại thời điểm ĐHCĐ, thị giá cổ phiếu PAN đạt gần 35.000 đồng/cổ phiếu. Tính đến phiên giao dich ngày 22/11 giá của PAN đã giảm khá sâu, về mức 28.750 đồng/cổ phiếu.
Không chỉ riêng gì PAN, trước đây nhiều doanh nghiệp cũng nhăm nhe phát hành ESOP, lập tức khiến giá cổ phiếu giảm mạnh. Mới đây, Công ty Nhựa An Phát Xanh (AAA) thông báo dừng triển khai thực hiện phương án phát hành cổ phiếu ESOP năm 2019 đã được thông qua tại Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2019.
Cuối tháng 9, HĐQT Công ty AAA vừa thông qua việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu ESOP 2019 vào quý IV và giá phát hành là 10.000 đồng/cp.
Cụ thể, Công ty có kế hoạch phát hành tối đa 8,5 triệu cổ phiếu, ứng tỷ lệ phát hành 4,96%. Toàn bộ số tiền dự kiến thu được sẽ dùng để bổ sung vốn hưu động. Lượng cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày chào bán. Cổ phiếu AAA đang được giao dịch tại mức giá 14.750 đồng/cổ phiếu, nhưng khi có thông tin ESOP, cổ phiếu này đã giảm 25%.
Công ty Địa ốc Novaland (NVL) vừa thông qua nghị quyết về việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) năm 2019.
Theo đó, Novaland dự kiến phát hành thêm 18,6 triệu cổ phiếu (tương đương 2% tổng số cổ phiếu đang lưu hành) với giá ưu đãi 10.000 đồng/cp, thấp hơn 83,4% so với giá đóng cửa 60.100 đồng/cp phiên 18/10. Trong đó, Novaland phát hành 808.933 cổ phần cho các nhân viên chủ chốt cấp 6 trở lên và có thâm niên tối thiểu hai năm, số cổ phần này không bị hạn chế chuyển nhượng; còn lại 18,8 triệu cổ phần phát hành cho các nhân viên có đóng góp hiệu quả năm 2019 sẽ hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm.
So với năm trước, tỷ lệ cổ phiếu ESOP được phát hành trong năm 2019 ở mức thấp nhất. Cụ thể, năm 2018, Novaland phát hành 22,67 triệu cổ phiếu ESOP cho nhân viên, tương đương tỷ lệ 2,5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Cho đến phiên giao dịch ngày 22/11 giá của cổ phiếu NVL chỉ còn 57.000 đồng/cp, thấp hơn rất nhiều so mức đỉnh. Do vậy, Ban Lãnh đạo NVL đang xem xét cân nhắc có tiếp tục bán ESOP hay không?
Ông Đỗ Chí Hiếu - Chuyên viên phân tích MBS cho rằng, ESOP là một công cụ tốt giúp giữ chân người lao động và giúp công ty không phát sinh các khoản chi phí bằng tiền lớn nếu sử dụng cùng một lượng tiền tương đương để thưởng cho nhân viên.
Tuy nhiên, như "con dao có hai lưỡi", ESOP ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cổ đông khi chênh lệch giữa giá mua và giá thị trường quá lớn, có thể khiến cho nhiều nhà quản lý chỉ tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn để đạt các tiêu chí của việc chia ESOP, mà lờ đi các rủi ro có thể ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến cổ đông, nhất là giá cổ phiếu trên thị trường.
"Không nên lạm dụng ESOP và chọn thời điểm cân nhắc để phát hành loại cổ phiếu này", ông Hiếu chia sẻ...