Do hoạt động tài chính lỗ gấp nhiều lần cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ Gelex Electric ghi nhận còn hơn 90 tỷ đồng, giảm hơn 59% so với cùng kỳ.
>>>Vì sao Gelex vội vã mua lại trái phiếu chưa đến hạn?
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022, Công ty CP Thiết bị Điện Gelex (UpCOM: GEE) ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.642 tỷ đồng, giảm 15,5% so với cùng kỳ. Giá vốn giảm nhiều hơn với 18,7% lên 4.015 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp tăng 12% lên 627 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu tài chính chỉ còn 42 tỷ đồng, giảm 71% nguyên nhân là do, doanh nghiệp không còn khoản cổ tức lợi nhuận được chia trị giá 95,8 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng 56% lên 298,5 tỷ đồng do các hoạt động mở rộng sản xuất và đầu tư; riêng khoản phí lãi vay là 174 tỷ đồng, tăng 55,6% so với cùng kỳ. Ngoài ra, đơn vị còn phát sinh 25 tỷ đồng lỗ nghiệp vụ LME - Hedging. Lỗ chênh lệch tỷ giá 28,5 tỷ đồng, lỗ ròng từ tỷ giá là 14,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi ròng 9,8 tỷ đồng.
Do hoạt động tài chính lỗ gấp nhiều lần cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ ghi nhận còn hơn 90 tỷ đồng, giảm hơn 59% so với cùng kỳ. EPS giảm còn 301 đồng, cùng kỳ 1.002 đồng, sau khi số cổ phiếu phổ thông lưu hành bình quân trong kỳ tăng từ 221,9 triệu đơn vị lên 300 triệu đơn vị.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu của GEE đạt 9.262 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ. Doanh thu bán thành phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu tổng doanh thu với 89%, tương đương 4.191 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ.
Giá vốn hàng bán giảm ít hơn giúp lợi nhuận gộp tăng 24,5% lên 1.171,5 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng 21% lên 577,3 tỷ đồng. GEE ghi nhận lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 419,5 tỷ đồng, tăng 23,8%.
Năm 2022, GEE đặt kế hoạch doanh thu thuần đạt 19.110 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tăng đạt 2.000 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, GEE hoàn thành 48,5% kế hoạch doanh thu và 29% chỉ tiêu lợi nhuận của cả năm.
Tính đến cuối quý II/2022, tổng tài sản GEE là hơn 20.111 tỷ đồng, giảm 13% so với đầu năm. Hàng tồn kho giảm 15,3% xuống 5.741 tỷ đồng. Phải thu ngắn hạn giảm 15,9% xuống 2.969 tỷ đồng.
Tiền và các khoản tương đương tiền giảm 47% xuống 747,1 tỷ đồng, chủ yếu bởi doanh nghiệp giảm lượng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn còn 565,3 tỷ đồng, bằng 44% con số đầu năm. Đầu tư tài chính ngắn hạn giảm từ 330 tỷ đồng xuống 84,2 tỷ đồng, do doanh nghiệp không còn 223 tỷ đồng trái phiếu, và hạ lượng tiền gửi có kỳ hạn từ 107 tỷ đồng xuống 84,2 tỷ đồng.
>>>Gelex: Nợ tăng đột biến có lý do hợp lý
Doanh nghiệp điện giảm 2,5% nợ vay ngắn hạn xuống 5.237,4 tỷ đồng; trong đó hơn 3.991 tỷ đồng là vay ngắn hạn ngân hàng. Vay dài hạn giảm 7% xuống hơn 5.685 tỷ đồng; và vay dài hạn ngân hàng cũng chiếm phần lớn với gần 4.192 tỷ đồng. Tổng nợ vay tài chính là hơn 10.922 tỷ đồng.
Hồi đầu tháng 6 vừa qua Công ty CP Sản xuất Thiết bị điện Đông Anh (MEE) đã trở thành công ty con của GEE, nhằm tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh sản phẩm chính là máy biến áp 110kv, đồng thời xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh máy biến áp 220 kv.
Trước đó, GEE cũng đã có dự định thoái toàn bộ vốn tại hạ tầng Gelex để có nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh và các hoạt động đầu tư chiến lược khác. Giá thoái không thấp hơn giá do một tổ chức định giá độc lập được xác định. Đối tượng được mua là các nhà đầu tư có nhu cầu do HĐQT lựa chọn.
Ngoài ra, đơn vị cũng sẽ tiếp tục hoàn thành phát triển sản phẩm mới bao gồm: sản xuất tủ trung thế, công tơ điện tử AMI tại Công ty CP Thiết bị điện EMIC (EMIC); Máy biến áp 220kv tại MEE; Hoàn thành việc nâng cấp dây chuyền CCV-line cáp ngầm trung thế tại CADIVI; Hoàn thiện các sản phẩm theo hướng nâng cao năng lực sản xuất máy biến áp Thibidi; Tiếp tục hoàn thiện vận hành chuẩn đồng thời triển khai hệ thống ERP.
Cùng với đó, công ty sẽ khai thác vận hành đảm bảo an toàn tin cậy và nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả phát điện của các dự án điện gió, điện mặt trời hiện có, đồng thời nghiên cứu các dự án đầu tư về điện mặt trời mới, nghiên cứu thí điểm dự án pin tích trữ năng lượng.
Trên thị trường, 300 triệu cổ phiếu GEE chào sàn UpCOM vào ngày 8/3, với giá 25.000 đồng/cổ phiếu. Trong phiên chào sàn, cổ phiếu GEE đã tăng kịch trần lên 35.000 đồng/cổ phiếu, tương đương với tăng 40%. Trong 5 phiên giao dịch tiếp theo, thị giá của GEE đã tăng lên 48.900 đồng/cổ phiếu, trong đó có 3 phiên trền liên tiếp, tương đương với mức tăng tới 96%. Sau đó cổ phiếu GEE đã quay đầu điều chỉnh và hiện đang giao dịch quanh mức 32.000 đồng/cổ phiếu, tương đương giảm 36,4% từ đỉnh, nhưng vẫn tăng 28% từ ngày lên sàn.
Có thể bạn quan tâm
Tập đoàn Geleximco và những dự án nhà ở ghi dấu ấn
10:00, 06/07/2022
Vì sao Gelex vội vã mua lại trái phiếu chưa đến hạn?
05:30, 30/05/2022
Gelex: Nợ tăng đột biến có lý do hợp lý
16:40, 14/05/2022
Gelex: Chú trọng phát triển sản xuất công nghiệp và hạ tầng
14:35, 12/05/2022
Tập đoàn Geleximco và ABBANK tặng 4 xe cứu thương chuyên chở bệnh nhân Covid-19
14:09, 01/10/2021