Gelex: Nợ tăng đột biến có lý do hợp lý

TIẾN DŨNG 14/05/2022 16:40

Trước thắc mắc của cổ đông về việc nợ của Gelex tăng đột biến, ông Nguyễn Trọng Hiền – Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn xác nhận việc đó là đúng...

>> Gelex: Chú trọng phát triển sản xuất công nghiệp và hạ tầng

Đồng thời khẳng định những khoản nợ tăng thêm là hoàn toàn hợp lý, phản ánh đúng tốc độ phát triển của doanh nghiệp thời gian qua.

Ban lãnh đạo Gelex trả lời thẳng thắn các câu hỏi của cổ đông.

Ban lãnh đạo Gelex trả lời thẳng thắn các câu hỏi của cổ đông.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Gelex vừa diễn ra, nhiều cổ đông đã đưa ra những câu hỏi “hóc búa” cho Ban lãnh đạo trước những tin đồn và thắc mắc xung quanh hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Một cổ đông tham dự trực tuyến đã đặt câu hỏi: "Gần đây tôi thấy báo chí đăng nợ của Gelex tăng đột biến, đề nghị Ban Lãnh đạo công ty giải thích tại sao lại như vậy và nói rõ chi tiết nợ của Gelex?".

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Trọng Hiền - Phó Chủ tịch Tập đoàn Gelex xác nhận thông tin trên là hoàn toàn đúng. Ông Hiền cho biết: Về con số tuyệt đối, tại thời điểm 31/12/2020, tổng số nợ của Tập đoàn khoảng 19.000 tỷ, sau một năm, tại thời điểm 31/12/2021 mức nợ tăng lên là 41.000 tỷ, tăng khoảng 22.000 tỷ.

Phó Chủ tịch Tập đoàn cũng chỉ ra 3 nguyên nhân: Thứ nhất là việc hợp nhất Tổng công ty Viglacera (VGC), giá trị nợ hợp nhất vào hệ thống khoảng 13.000 tỷ; Thứ hai là việc năm vừa rồi Gelex hoàn thành 2 dự án điện gió tại Quảng Trị với tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ, trong đó giá trị nợ khoảng 3.200 tỷ. Khoản vay này huy động từ ngân hàng LBBW của Đức và ngân hàng BIDV, việc huy động được khoản vay này đã thể hiện năng lực và uy tín của Gelex đối với các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước; Thứ  ba là việc tăng thêm 3.000 tỷ từ chủ trương của HĐQT cho tái cấu trúc khoản vay nhằm huy động được nguồn vốn dài hơn, lãi suất hợp lý hơn, phục vụ các hoạt động đầu tư trong năm 2022.

Phó Chủ tịch của Gelex cũng khẳng định: Việc tăng này song hành với chất lượng các khoản nợ. Riêng Gelex hạ tầng chưa niêm yết thì nợ còn 2.200 tỷ trên vốn chủ sở hữu 7.900 tỷ, tuy giá trị tuyệt đối tăng nhưng song hành với quy mô tăng của tổng tài sản. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của tập đoàn chỉ khoảng hơn 1, Tổng nợ phải trả/Tổng tài sản chỉ xấp xỉ là 0.65. Đây là những hệ số nợ rất tốt khi so sánh với các doanh nghiệp hằng đầu như Massan, Hòa Phát, REE,… Chất lượng nợ của VGC cũng rất tốt, trong 13.000 tỷ của VGC có khoảng 6.500 tỷ là doanh thu chưa thực hiện, ứng trước khách hàng. Như vậy nợ của VGC chỉ còn lại khoảng 5.000 tỷ, trong khi vốn điều lệ của VGC là 4.480 tỷ, hệ số nợ phải trả/Vốn chủ của VGC thấp chỉ khoảng 0.6 lần và hệ số nợ/Tổng tài sản chỉ khoảng 0.2 lần, nợ thuần của VGC mẹ chỉ khoảng 1.066 tỷ đồng, so với tổng tài sản thì hệ số này rất thấp.

Trước tin đồn xung quanh những khuất tất về việc mua bán sáp nhập doanh nghiệp Nhà nước, Tổng Giám đốc Tập đoàn Gelex – ông Nguyễn Văn Tuấn khẳng định: “Việc mua lại cổ phần doanh nghiệp Nhà nước khi Chính phủ có chủ trương thoái vốn, Gelex tham gia đấu giá, chào mua công khai, giao dịch theo phương thức khớp lệnh/thỏa thuận trên sàn theo đúng luật chứng khoán”.

Trường hợp đầu tư nắm giữ cổ phần tại Tổng công ty Viglacera – CTCP (Viglacera) được Gelex và các đơn vị thành viên triển khai từ năm 2019 đến 2021. Trước khi tham gia đấu giá cổ phiếu VGC thuộc sở hữu của Bộ Xây dựng tại đợt đấu giá tháng 03/2019, Gelex và các đơn vị sở hữu 9,8% vốn điều lệ Viglacera. Sau khi trúng đấu giá 64 triệu cổ phiếu VGC (trên tổng số 69 triệu cổ phiếu Bộ Xây dựng chào bán), Gelex và các đơn vị nâng tỷ lệ sở hữu lên 24,96% vốn điều lệ VGC. Tháng 10/2020, Gelex thực hiện chào mua công khai, nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Viglacera 46,06%. Từ tháng 03 - 04/2021, tập đoàn thực hiện giao dịch trên thị trường với các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài qua sàn giao dịch chứng khoán, nâng tỷ lệ sở hữu lên 50,21% tại đơn vị này.

Trước băn khoăn của cổ đông về số nợ lớn của Gelex và làm thế nào để giảm dần các khoản nợ trên, Ông Nguyễn Trọng Hiền – Phó Chủ tịch HĐQT Gelex cũng chia sẻ: Tại thời điểm 31/12/2021, hệ số nợ thuần/EBITDA của Gelex chỉ là 1.8 lần, đối với các định chế tài chính khi cho vay là tối đa khoảng 3.5 lần, như vậy hệ số nợ thuần/EBITDA của tập đoàn rất tốt. Hệ số tài sản ngắn hạn/Nợ ngắn hạn chỉ là 1.3 lần; tổng nợ/vốn chủ sở hữu chỉ quanh khoảng 1, các hệ số này rất tốt, thậm chí còn cao hơn một số doanh nghiệp lớn khác.

“Hệ số nợ của Gelex rất an toàn, các khoản vay có chi phí hợp lý, đồng thời Gelex có kế hoạch tăng trưởng và phát triển trong thời gian tới nên HĐQT sẽ vẫn duy trì các khoản nợ này phục vụ cho kế hoạch kinh doanh, trừ các khoản trái phiếu đến hạn, các khoản trái chủ đề nghị mua lại trước hạn theo yêu cầu thì Gelex sẵn sàng giảm” . 

Ngoài những câu hỏi trên, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Gelex cũng nóng lên bởi nhiều câu hỏi được cho là “nhạy cảm” liên quan đến giá cổ phiếu, Gelex có định hướng tập trung mảng đầu tư khu công nghiệp sinh lợi lớn hay không? Gelex có mua  cổ phiếu Quỹ hay không.

Trả lời các câu hỏi này đại diện Lãnh đạo Tập đoàn Gelex cho biết: Ban lãnh đạo GELEX luôn tập trung tối đa để Công ty phát triển tốt nhất, đem lại lợi ích cho toàn thể cổ đông, còn giá cổ phiếu do thị trường quyết định.

Về định hướng phát triển, trong giai đoạn tiếp theo, GELEX vẫn chú trọng phát triển trên cả hai lĩnh vực là Sản xuất công nghiệp và Hạ tầng. Đối với lĩnh vực Hạ tầng, GELEX tập trung đầu tư vào bất động sản khu công nghiệp, bất động sản cho người thu nhập thấp, phát triển các dự án năng lượng sạch, sản xuất kinh doanh nước, vật liệu xây dựng…Theo quy định mới của Luật Chứng khoán 2019, nếu công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của chính mình sẽ phải thực hiện thủ tục giảm vốn điều lệ mà không còn được hạch toán làm cổ phiếu quỹ như quy định cũ nên tại thời điểm hiện tại GELEX không có chủ trương mua lại cổ phiếu để giảm vốn điều lệ.

Có thể bạn quan tâm

  • Cổ phiếu GEX bị khối ngoại bán mạnh, vì sao?

    Cổ phiếu GEX bị khối ngoại bán mạnh, vì sao?

    05:15, 11/05/2022

  • Áp lực nợ tỷ đô và làn sóng tin đồn đè nặng GEX

    Áp lực nợ tỷ đô và làn sóng tin đồn đè nặng GEX

    13:00, 18/04/2022

  • GEX nhiều khả năng bị loại khỏi FTSE Vietnam Index

    GEX nhiều khả năng bị loại khỏi FTSE Vietnam Index

    14:54, 22/11/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Gelex: Nợ tăng đột biến có lý do hợp lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO