Bước sang tuần này, cả giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế đều đồng loạt "lao dốc", trong đó giá vàng trong nước giảm tới 10 triệu đồng/lượng.
Trong thời gian gần đây, giá vàng thế giới đã tăng khá mạnh, nhanh chóng vượt mốc 2.000 USD/ounce lên tới 2.074USD/oz. Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 34%. Trong khi đó, giá vàng trong nước cũng không nằm ngoài “guồng quay” này khi lên tới gần 63 triệu đồng/lượng trong ngày 7/8 vừa qua.
Chia sẻ với DĐDN, Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI (DOJI) cho biết, do giá vàng biến động lớn dẫn đến lượng khách hàng giao dịch tại các Trung tâm Vàng bạc Trang sức DOJI trên toàn quốc trong tháng 7 và đầu tháng 8 cao hơn so với các tháng trước đó, và tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Sở dĩ giá vàng tăng mạnh thời gian qua do nhu cầu đầu tư vào vàng như một tài sản an toàn ngày càng tăng trong bối cảnh thế giới bất ổn chưa từng có, đại dịch COVID-19 lây lan chóng mặt, căng thẳng Mỹ-Trung leo thang, các chính phủ trên khắp thế giới không ngừng bơm tiền để cứu nền kinh tế, thảm họa thiên nhiên xảy ra ở nhiều nơi và gần đây nhất là vụ nổ không thể tồi tệ hơn ở Beirut, Lebanon", đại diện DOJI cho biết.
Cũng theo đại diện DOJI, khi giá vàng neo ở mức khá cao thì hệ thống của DOJI ghi nhận khách hàng vẫn mua vàng. Có khả năng người mua vàng trong nước vẫn kỳ vọng giá vàng sẽ còn tăng cao hơn nữa. Ngược lại, vẫn còn khá nhiều người đang cất giữ vàng vẫn cho rằng đây là kênh trú ẩn an toàn nên chưa muốn bán ra.
"Các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã phải nới rộng khoảng cách giữa giá mua và giá bán để phòng rủi ro cho chính mình khi giá vàng đang ở mức cao và có thể quay đầu sụt giảm bất cứ lúc nào. Điều đó dẫn đến sự chênh lệch cung- cầu và khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới bị nới rộng", đại diện DOJI cho biết thêm.
Tuy nhiên bước sang đầu tuần này, đúng như dự báo, giá vàng thế giới giảm mạnh, có thời điểm giảm xuống mức 1.872USD/oz do USD phục hồi mạnh trở lại và Nga tuyên bố vắc-xin đầu tiên phòng ngừa COVID-19 của nước này đã được đăng ký và sản xuất hàng loạt trong thời gian ngắn sắp tới.
Trong khi đó, giá vàng trong nước lại giảm mạnh hơn cả giá vàng quốc tế, có thời điểm giảm xuống còn 49- 52,6 triệu đồng/lượng, tức giảm khoảng hơn 7 triệu đồng so với mức đỉnh cao vào cuối tuần qua.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng: “Giá vàng ở cả thị trường trong nước và thế giới đang có xu hướng điều chỉnh do các nhà đầu tư bán chốt lời. Tuy nhiên, nhiều khả năng đây chỉ là diễn biến trong ngắn hạn của thị trường.
“Trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, giá vàng khó có thể giảm sâu. Sự điều chỉnh này có thể là bước đệm để giá vàng tiến lên cao hơn”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định và khuyến nghị, các nhà đầu tư nên quan sát giá mua- bán vàng trong nước, nếu chênh lệch khoảng 3 triệu đồng trở lên, tức là các nhà kinh doanh vàng đang đẩy rủi ro cho người mua. Khi đó, mức độ rủi ro của giá vàng rất cao, giá vàng có thể giảm sâu trước khi tăng trở lại.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, giá vàng thế giới có thể tiếp tục tăng tới mức 2.100 USD – 2.200 USD/ounce trong trung hạn, khi đó giá vàng tại Việt Nam có thể lên tới 65 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần tiếp tục theo dõi đợt điều chỉnh hiện nay của thị trường để chọn mức giá phù hợp hơn để mua vào. Bởi giá vàng vẫn có thể điều chỉnh sâu hơn nữa.
Có thể bạn quan tâm
Giá vàng tuần tới 10- 14/8: Áp lực chốt lời tiếp diễn?
05:30, 09/08/2020
Vàng trong nước đang bị “làm giá”?
05:40, 10/08/2020
Vượt 2.000USD/oz, giá vàng sẽ lên tới đâu?
05:30, 06/08/2020
Đừng “đánh đu” với giá vàng
15:00, 01/08/2020
Điều gì đang xảy ra với giá vàng?
09:00, 28/07/2020
Giá vàng sẽ còn cơ hội tạo “sóng” trong thời gian tới
09:00, 14/07/2020