Giá vàng tuần tới 17- 21/8: Coi chừng các quỹ ETF tiếp tục xả hàng

NGỌC ANH 16/08/2020 05:00

Dù đà tăng giá vàng trong dài hạn vẫn chưa thay đổi, nhưng giá vàng vẫn đối mặt với nguy cơ chốt lời trong ngắn hạn.

Giá vàng quốc tế tuần này đã giảm rất mạnh sau 9 tuần tăng liên tiếp. Theo đó, giá vàng quốc tế đã có thời điểm giảm xuống tới mức 1.862USD/oz, tức giảm tới 212USD mỗi ounce, tương đương mức giảm hơn 10%. Đây là mức giảm hàng tuần mạnh nhất trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, sau khi giá vàng giảm xuống mức này, thì lực cầu bắt đáy đã tăng rất mạnh, kéo giá vàng lên tới mức 1.966USD/oz và đóng cửa tuần này ở mức 1.944USD/oz.

Giá vàng miếng SJC có thời điểm giảm xuống 47-51 triệu đồng/lượng trong tuần này

Giá vàng miếng SJC có thời điểm giảm xuống 47-51 triệu đồng/lượng trong tuần này

Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC còn giảm mạnh hơn cả giá vàng quốc tế khi giảm tới hơn 10 triệu đồng mỗi lượng xuống tới 47- 51,5 triệu đồng/lượng. Sau đó, giá vàng trong nước cũng đã phục lên 56- 57 triệu đồng/lượng. Đáng chú ý, chênh lệch giá mua- bán tới hơn 2 triệu đồng/lượng.

Sở dĩ giá vàng giảm mạnh trong tuần này do Nga tuyên bố vaccine phòng ngừa COVID-19 của nước này sẽ sản xuất hàng loạt trong thời gian ngắn sắp tới. Điều này làm gia tăng kỳ vọng của các nhà đầu tư về việc đại dịch COVID-19 sớm được khống chế, dù nhiều người vẫn còn nghi ngờ về khả năng này của Nga.

Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ bất ngờ tăng mạnh (lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng lên mức 0,709%- mức cao nhất trong 8 tuần qua) cũng tác động tiêu cực đến tài sản phi lãi suất, như vàng.

Ngoài ra, các số liệu kinh tế Mỹ trong tháng 7 được công bố khả quan hơn dự kiến đã hỗ trợ tích cực cho USD, qua đó tác động tiêu cực đến giá vàng. Trong đó, doanh số bán lẻ tăng 1,9%, cao hơn mức dự kiến 1,3%; niềm tin tiêu dùng tăng lên 72,8 điểm, so với mức dự kiến 72 điểm… Đặc biệt, đơn xin trợ cấp trong tuần trước giảm xuống chỉ còn 963.000 đơn, so với mức hơn 1 triệu đơn trong các tuần trước đó. Tuy nhiên, với đại dịch diễn biến nghiêm trọng hơn ở Mỹ trong tháng 8, thì các số liệu kinh tế tháng 8 của Mỹ sẽ không còn khả quan như tháng 7.

Theo kế hoạch, FED sẽ công bố biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 7 vào ngày 20/8 tới. Nếu lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ có xu hướng tiếp tục tăng, thì không ngoại trừ khả năng FED sẽ áp dụng công cụ kiểm soát đường cong lợi suất trái phiếu (YCC).

Với chương trình nới lỏng định lượng, FED mua trái phiếu chính phủ nhằm giảm lợi suất của các kỳ hạn dài, thì công cụ YCC có phần khác biệt. Theo đó, FED sẽ mua trái phiếu để giữ lợi suất ở mức mong muốn nhằm khống chế chi phí đi vay để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

FED đã từng áp dụng công cụ này lần gần đây nhất kể từ sau Thế chiến thứ 2 khi giữ cố định cả lợi suất kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài. Tuy nhiên, trong trường hợp bất đắc dĩ, thì các NHTW mới sử dụng công cụ này, vì nếu sử dụng YCC, sẽ làm méo mó thị trường tài chính, đồng thời doanh nghiệp cũng sẽ ỉ lại việc cứu trợ. Điều này sẽ tác động tích cực đến giá vàng trong dài hạn.

Ông Colin, Chuyên gia ngoại hối, cho rằng dù FED không sử dụng YCC, thì với chương trình nới lỏng định lượng không giới hạn hiện hành cũng đủ làm gia tăng đáng kể áp lực lạm phát trong dài hạn, qua đó tác động tích cực đến giá vàng. “Giá vàng có thể sẽ còn điều chỉnh, tích lũy trong tuần tới khi mà lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đang phục hồi, USD cũng vậy, đó là chưa kể có thể sẽ có thêm các quốc gia khác công bố kế hoạch sản xuất vaccine ngừa COVID-19. Nếu vẫn trụ vững trên 1.860USD/oz thì giá vàng sẽ sớm tăng mạnh trở lại”, ông Colin nhận định và cảnh báo các nhà đầu tư cần thận trọng với áp lực chốt lời của các quỹ đầu tư ETF. Bởi số lượng vàng mà các quỹ này nắm giữ ở mức cao kỷ lục, khoảng hơn 3.700 tấn. Nếu có thông tin bất lợi đối với giá vàng, thì các quỹ này sẵn sàng bán tháo vàng trong ngắn hạn.  

Hiện chưa có thống kê về tổng số vàng mà các quỹ ETF đã bán ra trong tuần này, nhưng riêng quỹ SPDR- quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới, đã bán ra gần 20 tấn vàng.

Giá vàng quốc tế

Giá vàng quốc tế đã giảm xuống 1.862USD/oz trong tuần này

Giá vàng tuần tới sẽ chịu tác động trực tiếp bởi các thông tin về đàm phán Mỹ- Trung, gói cứu trợ mới của Mỹ… Ngoài ra, còn có các số liệu kinh tế tháng 7 của Mỹ, như PMI, doanh số bán nhà, trợ cấp thất nghiệp…

Theo phân tíchh kỹ thuật, các đường xu hướng trên biểu đồ tháng vẫn cho thấy giá vàng còn tăng trong dài hạn. Tuy nhiên, các chỉ số RSI, Stochastic, MACD, ADX trên biểu ngày, tuần vẫn cho thấy tín hiệu điều chỉnh, tích lũy. Theo đó, nếu không vượt qua 1.969USD/oz (MA100), thì giá vàng có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh với mức hỗ trợ quan trọng tại 1.885USD/oz (MA200), kế tiếp là 1.860USD/oz. Tuy nhiên nếu vượt qua 1.969USD/oz, thì giá vàng sẽ tiếp tục thách thức với 1.994USD/oz (MA50), sau đó quay trở lại trên mức 2.000USD/oz.   

 Theo kết quả khảo sát của Kitco về xu hướng giá vàng trong tuần từ 17- 21/8, trong số 2.407 độc giả tham gia khảo sát trực tuyến của Kitco, có 1.439 người (59,8%) nhận định giá vàng sẽ tăng; 527 người (21,9%) nhận định giá vàng sẽ giảm; 441 người (18,3%) cho rằng giá vàng sẽ đi ngang.

Có thể bạn quan tâm

  • Giá vàng và USD giảm, tiền có chọn chứng khoán?

    Giá vàng và USD giảm, tiền có chọn chứng khoán?

    09:00, 14/08/2020

  • Giá vàng sẽ phục hồi mạnh trở lại?

    Giá vàng sẽ phục hồi mạnh trở lại?

    05:00, 13/08/2020

  • Giá vàng tụt dốc không phanh và nhanh chóng đảo chiều

    Giá vàng tụt dốc không phanh và nhanh chóng đảo chiều

    16:00, 12/08/2020

  • Giá vàng trong nước rớt thảm, có nên

    Giá vàng trong nước rớt thảm, có nên "bắt dao rơi"?

    05:00, 12/08/2020

  • Giá vàng tuần tới 10- 14/8: Áp lực chốt lời tiếp diễn?

    Giá vàng tuần tới 10- 14/8: Áp lực chốt lời tiếp diễn?

    05:30, 09/08/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giá vàng tuần tới 17- 21/8: Coi chừng các quỹ ETF tiếp tục xả hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO