Cần có những sửa đổi về mặt chính sách nhằm tạo điều kiện cho các start-up công nghệ có thể huy động vốn trên thị trường.
Trong kỷ nguyên số hóa toàn cầu, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ tạo động lực mà còn là chìa khóa để Việt Nam vươn mình phát triển. Thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách cũng như đã triển khai nhiều chương trình, biện pháp cụ thể nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các start-up công nghệ, sáng tạo với lợi thế về khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh, đã nhận được nhiều hỗ trợ.
Thực tế hiện nay, Việt Nam đã có một số công ty công nghệ có tiềm năng cạnh tranh trên trường quốc tế, song các doanh nghiệp này không thể lớn do gặp rào cản về huy động vốn để phát triển quy mô. Cụ thể, theo quy định của Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 năm 2019, để thực hiện IPO trên sàn chứng khoán Việt Nam, doanh nghiệp cần bảo đảm có lợi nhuận trong 2 năm liên tiếp trước khi đăng ký IPO và không có lỗ lũy kế. Quy định này rất khó thực hiện đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, bởi giai đoạn đầu tư ban đầu thường kèm theo thua lỗ tạm thời do chi phí đầu tư cao cho nghiên cứu và phát triển.
Bàn về vấn đề này, TS Trần Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) nhận định, quy định trên của Luật Chứng khoán là khó khăn hay thậm chí là hàng rào kỹ thuật không thể vượt qua đối với doanh nghiệp start-up công nghệ, vì giai đoạn đầu tư ban đầu của doanh nghiệp start-up thường kèm theo thua lỗ tạm thời do chi phí cao cho nghiên cứu và phát triển. Đối với các doanh nghiệp start-up quy mô lớn, rất lớn như các kỳ lân công nghệ lại càng khó vì số vốn cần huy động thường rất lớn, vài chục, vài trăm triệu USD.
Cũng theo Viện trưởng Viện IDS, quy định của Luật Chứng khoán đặt ra nhằm mục đích bảo đảm chất lượng chứng khoán niêm yết, bảo vệ các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán khỏi nguy cơ thua lỗ khi đầu tư vào các doanh nghiệp kém hiệu quả, vô hình trung đang cản trở các doanh nghiệp start-up công nghệ Việt Nam tiếp cận thị trường vốn để phát triển, các nhà đầu tư mất đi cơ hội đầu tư vào các start-up công nghệ cho dù họ có đầy đủ thông tin doanh nghiệp và chấp nhận rủi ro để đầu tư.
Do đó, Viện trưởng Viện IDS đề xuất cần sớm sửa đổi Luật Chứng khoán, có thể dành riêng một chương về điều kiện cho các start-up công nghệ có thể huy động vốn trên thị trường, đồng thời nghiên cứu sửa đổi các luật liên quan như Luật Khoa học, Công nghệ, Luật Công nghệ cao, Luật Doanh nghiệp... để tạo hành lang pháp lý phù hợp, giúp start-up dễ dàng IPO, thu hút đầu tư, phát triển công nghệ và đóng góp cho nền kinh tế.
“Đây chính là tinh thần cách mạng tiến công không ngừng nghỉ để vượt qua những điểm nghẽn theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ chế, thể chế chính sách, bảo đảm nguồn lực, nhân lực triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW. Nhiệm vụ này phải được tiến hành khẩn trương, đồng bộ, hiệu quả, hoàn thành trong quý II.2025”.
Đồng tình với việc cần xem xét sửa đổi các quy định đang gây rào cản cho các start-up công nghệ trong việc huy động vốn, sau 12 năm đầu tư vào MoMo và một loạt quỹ đầu tư mạo hiểm, ông Minh Đỗ, Giám đốc quốc gia Quỹ đầu tư Warburg Pincus tại Việt Nam cho rằng, Luật Chứng khoán đưa ra một số quy định quá chặt chẽ đối với các doanh nghiệp startup, chẳng hạn như không có lỗ lũy kế. Với các startup công nghệ, tương lai của họ không bị quyết định bởi lỗ lũy kế cho đến thời điểm này. Như vậy, họ có thể có những lỗ lũy kế, nhưng vẫn có tiềm năng phát triển và thu hút được các nhà đầu tư. Chính vì vậy, nên để cho nhà đầu tư tự đánh giá sự tương tác này, thay vì hạn chế đối tượng có thể niêm yết.
“Tôi nghĩ rằng, cần có những sửa đổi về mặt chính sách để tạo thuận lợi hơn cho các startup, giúp họ có thể niêm yết trên thị trường và đẩy nhanh quá trình này, đẩy nhanh khả năng tạo thêm cơ hội thoái vốn ở mỗi giai đoạn cho các nhà đầu tư”, ông Minh Đỗ góp ý.