Các quy định mới tại Luật Chứng khoán sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua có tính bảo vệ cho trái chủ - nhà đầu tư, tăng cường tính minh bạch trên thị trường TPDN.
Theo VIS Rating, nhiều thay đổi trong quy định tại Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ hạn chế hoạt động đầu tư có rủi ro cao và cải thiện hành vi thị trường, mang lại lợi ích cho trái chủ.
Cụ thể, các sửa đổi luật ràng buộc nghĩa vụ của nhà phát hành trái phiếu và các đơn vị trung gian trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), quy định cụ thể về quyền hạn của cơ quan quản lý để can thiệp vào thị trường, đưa ra các yêu cầu mới đối với việc phát hành trái phiếu ra công chúng và phân loại trái phiếu riêng lẻ mà nhà đầu tư cá nhân có thể đầu tư.
So với luật hiện hành, các sửa đổi mới xác định rõ vai trò và trách nhiệm của từng bên tham gia phát hành trái phiếu ra công chúng và phát hành riêng lẻ, bao gồm đơn vị tư vấn, kiểm toán, và đơn vị xếp hạng tín nhiệm. Luật mới quy định rằng các đơn vị này phải tuân thủ tất cả các luật và quy định hiện hành và cung cấp dịch vụ một cách trung thực và có trách nhiệm. Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) sẽ có quyền thực thi pháp lý đối với bất kỳ vi phạm nào có thể gây hại cho nhà đầu tư, ví dụ như khi các nhà phát hành không công bố thông tin cần thiết cho nhà đầu tư.
Theo các quy định khác nhau được thực hiện trong trong 2 năm gần đây, hồ sơ phát hành trái phiếu phải bao gồm danh sách các thông tin chi tiết cần công bố cho nhà đầu tư. Vào ngày 6 tháng 11 năm 2024, Bộ Tài chính đã sửa đổi mẫu công bố thông tin với nhiều thông tin tài chính cần công bố công khai hơn. Luật Chứng khoán mới tiếp tục định hướng yêu cầu nâng cao tính minh bạch của thị trường và bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư.
Ngoài việc tăng cường minh bạch thông tin, luật mới sẽ ngăn chặn hoạt động đầu tư có rủi ro cao của nhà đầu tư cá nhân. Thứ nhất, các công ty có rủi ro cao sẽ bị hạn chế phát hành trái phiếu ra công chúng; tổ chức phát hành sẽ phải tuân thủ các tiêu chí chặt chẽ hơn, chẳng hạn như tỉ lệ nợ phải trả trên vốn chủ, điều kiện về người đại diện trái chủ và xếp hạng tín nhiệm theo quy định. Thứ hai, đối với phát hành riêng lẻ, trái phiếu riêng lẻ không còn được phân phối và bán cho các nhà đầu tư cá nhân, trừ khi họ được coi là nhà đầu tư chuyên nghiệp và các trái phiếu đó được xếp hạng và phải được ngân hàng bảo lãnh thanh toán hoặc có tài sản đảm bảo.
"Chúng tôi ước tính rằng các cá nhân chuyên nghiệp đã tham gia đầu tư vào hơn 40% các đợt phát hành riêng lẻ được phát hành vào năm 2024. Xếp hạng tín nhiệm có thể cung cấp thông tin mới để giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về rủi ro của họ. Bảo lãnh thanh toán từ ngân hàng có thể giảm thiểu rủi ro tổn thất khi xảy ra rủi ro vỡ nợ", ông Nguyễn Đình Duy- Chuyên gia phân tích cao cấp của VIS Rating, nhận định.
Tại thị trường Việt Nam, có rất ít trường hợp trái chủ thu hồi được khoản đầu tư của họ thông qua thanh lý tài sản thế chấp. Chuyên gia cho biết theo tìm hiểu, quá trình pháp lý để thanh lý tài sản và trả nợ cho các chủ nợ thường kéo dài. Trên thực tế phần lớn các trái chủ của các trái phiếu có tài sản đảm bảo gặp tình trạng chậm trả trong giai đoạn 2022-2024 đã chọn tái cơ cấu nợ, tức là gia hạn thanh toán, thay vì chọn thanh lý tài sản đảm bảo, chủ yếu dưới dạng cổ phiếu và tài sản liên quan đến bất động sản.
Các trái chủ cần đánh giá tính hợp pháp, tính thanh khoản và giá trị của tài sản thế chấp khi xảy ra tình trạng chậm trả trái phiếu và xác định xem tài sản thế chấp đó có thể cung cấp sự tăng cường tín dụng đầy đủ như dự định hay không, ông Duy nhìn nhận.
Tuy nhiên cũng lưu ý rằng ghi nhận trên thị trường thời gian qua, kể từ khi Nghị định 08/2023 được ban hành, có không ít trường hợp trái chủ kiện yêu cầu thanh lý tài sản để trả nợ hoặc trái chủ không chấp nhận đàm phán gia hạn, muốn hoán đổi nợ để lấy tài sản. Điển hình như trường hợp các trái chủ của Nam Land do không được thanh toán đúng hạn, đã yêu cầu Vietcombank (đơn vị quản lý tài khoản, quản lý tài sản bảo đảm) bán tài sản bảo đảm để trả lãi và gốc trái phiếu. Vietcombank cũng đã có công văn gửi Nam Land yêu cầu bàn giao tài sản bảo đảm nhưng tổ chức phát hành không ký bàn giao tài sản, dẫn đến trái chủ phải khởi kiện Nam Land ra tòa.
Hay như trường hợp nhà đầu tư Saigon Glory không được thanh toán lãi, gốc đúng hạn, đã xin được xử lí tài sản để trả nợ trái phiếu trong năm nay. Qua thương thảo, đại diện người sở hữu trái phiếu Saigon Glory đã đồng ý việc Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco (sở hữu 100% Công ty TNHH Saigon Glory - tổ chức phát hành trái phiếu) được phép chuyển nhượng tài sản bảo đảm phần vốn góp cho bên nhận chuyển nhượng là Công ty TNHH Bất động sản Phương Đông Hà Nội. Bên nhận chuyển nhượng sẽ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành trước đó với trái chủ...
Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ có hiệu lực vào tháng 1 năm 2025. VIS Rating kỳ vọng rằng sự nhấn mạnh vào việc bảo vệ nhà đầu tư và tăng trưởng bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ thúc đẩy niềm tin thị trường được cải thiện và hoạt động phát hành sôi động hơn trong năm 2025.
Hãng xếp hạng tín nhiệm này cũng cho biết được biết Chính phủ đã có kế hoạch sớm ban hành quy định chi tiết về phát hành trái phiếu ra công chúng nhằm cụ thể hóa các quy định trong Luật mới. Các quy định sửa đổi bao gồm các yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp hoặc trái phiếu phát hành ra công chúng và tỉ lệ nợ phải trả dưới ngưỡng cụ thể.
Khi được ban hành vào năm 2025, VIS Rating kỳ vọng việc sử dụng xếp hạng tín nhiệm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ trở nên phổ biến. Các kết quả xếp hạng sẽ giúp truyền tải ý kiến độc lập về rủi ro và giúp nhà đầu tư xác định mức phần bù rủi ro hợp lý cho các khoản đầu tư trái phiếu của họ.
Nhận định về tác động của Luật Chứng khoán sửa đổi, TS Lưu Minh Sang, Trường ĐH Kinh tế - Luật ĐHQG TPHCM cũng cho rằng có thể kỳ vọng sẽ tăng cường kỷ cương và thúc đẩy tính minh bạch của thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia, các quy định cụ thể của văn bản dưới Luật sẽ rất quan trọng và cùng với đó, là công tác thực thi, triển khai, giám sát các bên thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Ông này cũng cho rằng việc xem xét tỉ lệ nợ phải trả dưới ngưỡng để có quy định cụ thể cần cân nhắc so cho tỉ lệ này vừa phản ánh khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp vừa không hạn chế cơ hội phát hành, huy động vốn nợ để phát triển kinh doanh đầu tư của doanh nghiệp. Theo quan điểm của vị chuyên gia, một điểm rất đáng được lưu tâm là các doanh nghiệp tùy theo ngành, lĩnh vực, sẽ có mức độ, chỉ số sử dụng đòn bẩy tài chính (financial leverage ratio) khác nhau cũng như xu hướng khả năng thành toán khác nhau. "Cùng một tỉ lệ nợ phải trả dưới ngưỡng, "cào bằng" cho các doanh nghiệp quy mô khác nhau, lĩnh vực, ngành hoạt động khác nhau khi tổ chức thực hiện phát hành trái phiếu sẽ không sát gần và công bằng, thuận lợi cho các doanh nghiệp", vị chuyên gia lưu ý.
Tương tự như vậy, ông Nguyễn Đình Duy cho rằng mặc dù Luật mới đã quy định khung, liên quan đến hệ số nợ phải trả, quy mô phát hành trái phiếu so với vốn chủ sở hữu và xếp hạng tín nhiệm. Tuy nhiên trong luật chưa quy định rõ mà sẽ do Chính phủ quy định tại các văn bản dưới luật. Đối với xếp hạng tín nhiệm, theo ông Duy nên áp dụng cho từng trái phiếu phát hành ra công chúng chứ không chỉ là với tổ chức phát hành, vì mỗi trái phiếu có điều khoản, điều kiện riêng biệt. Các trái phiếu của cùng tổ chức phát hành cũng có rủi ro khác nhau, vì vậy nhu cầu cần thiết phải có xếp hạng cho từng trái phiếu thay vì chỉ quy định chung chung.
Thống kê của VIS Rating ghi nhận tháng 11/2024, trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới đạt 23,4 nghìn tỷ đồng, 11% số tổ chức phát hành trái phiếu trong tháng 11/2024 có hồ sơ tín nhiệm ở mức ‘Dưới trung bình’ hoặc yếu hơn, tất cả doanh nghiệp này đều thuộc nhóm phi tài chính. Trong tháng 11/2024, có một trái phiếu chậm trả gốc thuộc nhóm du lịch, nghỉ dưỡng là CTCP Crystal Bay với giá trị gốc chậm trả là 421 tỷ đồng. Theo đó ghi nhận tỷ lệ chậm trả toàn thị trường đến cuối tháng 11/2024 giữ ở mức 15,3%.
Theo Dữ liệu từ HNX, cập nhật tới 29/11/2024, tháng 12/2024 sẽ có 51 trái phiếu đáo hạn. VIS Rating đánh giá có 15 trái phiếu đến kỳ đáo hạn trong thời gian này có rủi ro cao không trả được nợ gốc đúng hạn.
Ghi nhận theo Mirae Asset (MASVN), một số trái phiếu sắp đáo hạn có khả năng sẽ gặp rủi ro thanh toán hoặc rơi vào tình trạng chậm trả trong tháng 12/2024 (cần lưu ý) thuộc tổ chức phát hành Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (6.575 tỷ đồng); Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm (240 tỷ đồng); Công ty Cổ phần Đại Phú Hòa (3.560 tỷ đồng); Công ty TNHH Đầu tư Phúc Hậu (400 tỷ đồng); CTCP Tập đoàn Đầu tư I.P.A (HNX: IPA, 310 tỷ đồng); Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Du lịch Hoàng Trường (1.400 tỷ đồng); Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vina2 (110 tỷ đồng); Công ty Cổ phần Thương mại Dịch Vụ Hoa Lâm An (700 tỷ đồng); Công ty Cổ phần Tập đoàn Ngọc Thiên Global (453 tỷ đồng); Công ty cổ phần tập đoàn Đua Fat (300 tỷ đồng); Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (HNX: HPX, 300 tỷ đồng); Công ty TNHH New World Capital (100 tỷ đồng); Công ty Cổ phần Nông nghiệp sạch Phú Sơn (350 tỷ đồng)...
Ngoài ra, tháng 12/2024 sẽ có nhiều tổ chức phát hành có trái phiếu đáo hạn như Golf Long Thành, Mặt Trời Cẩm Phả, Vinfast, Vietjet, F88, Masan Consumer, Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu, Sunbay Ninh Thuận, Sunrise Việt Nam, BIDGroup, ... cùng với nhiều trái phiếu đến kỳ đáo hạn của các ngân hàng Vietcombank, MB, BVBank, Bắc Á Bank...