Hà Nội: Vướng cơ chế, làm tiếp "dự án treo" cũng thấy lo

DIỆU HOA 24/10/2023 13:30

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, có hàng trăm dự án chậm triển khai, nhưng để làm tiếp các dự án như trên “cũng thấy lo”, vì không biết tháo gỡ những vướng mắc về mặt cơ chế bằng cách nào.

>>Mạnh tay thu hồi dự án treo

Hàng trăm dự án treo trên địa bàn TP Hà Nội vẫn chưa có phương án xử lý bởi các lo ngại về vướng mắc pháp lý.

Đó là chia sẻ của Bí thư Thành ủy Hà Nội tại  phiên thảo luận ở tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, theo Bí thư Hà Nội, không rõ cả nước có bao nhiêu dự án bất động sản “đắp chiếu”, còn Hà Nội có 712 dự án chậm triển khai, vừa qua thành phố đã hủy hơn 100 dự án. Sau khi thu hồi, thành phố làm quy trình đấu thầu, đấu giá hàng nghìn héc ta.

Vừa qua, TP cũng đã có nhiều quyết sách, chủ trương nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản nhưng hiệu quả thực chất vẫn còn hạn chế do gặp phải những vướng mắc liên quan đến Luật Đất đai, Luật Đầu tư.

Tuy nhiên, vấn đề bất cập là trước đây nhiều doanh nghiệp được giao đất thực hiện dự án mà không qua đấu thầu. Nếu chiếu theo quy định pháp luật hiện nay thì việc giao đất cho doanh nghiệp như vậy là sai. Trước đây, không đấu thầu, không đấu giá, chỉ giao như vậy là doanh nghiệp bỏ vốn ra làm, cái thì giải phóng mặt bằng xong, cái đầu tư hạ tầng nửa vời. Nhiều dự án nằm im 10-20 năm khiến người dân bức xúc, là điểm nóng về mất an ninh trật tự. 

Đáng nói là với trường hợp như các dự án trên, nếu triển khai tiếp “cũng thấy lo”, vì không biết tháo gỡ những vướng mắc về mặt cơ chế bằng cách nào. "Để đấy thì lãng phí nguồn lực mà triển khai tiếp thì nguy cơ pháp lý" - ông Dũng nói.

Theo đó, Bí thư Hà Nội cho biết, vướng chủ yếu là Luật Đất đai, Luật Đầu tư. Ông kiến nghị Quốc hội chỉ đạo, ban hành chủ trương rà soát tổng thể, nghị quyết để giải quyết vì thẩm quyền này nằm ngoài tầm quyết định của Chính phủ.

Theo Bí thư Hà Nội, nếu giải quyết được các dự án chậm triển khai sẽ kích thích được thị trường bất động sản, thị trường vật liệu xây dựng, tạo công ăn việc làm… đồng thời còn góp phần thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

>>Nghị định số 10/2023: Gỡ khó thu hồi dự án treo

Một dự án treo tại quận Cầu Giấy (Hà Nội.

Trước đó, mạnh tay với các dự án treo lâu năm, Hà Nội đã lần lượt thu hồi nhiều dự án có diện tích lớn, cả vị trí nội thành và các huyện ngoại thành. Đơn cử cư dự án tổ hợp công viên giải trí và phụ trợ tại 151, 153 Yên Phụ, Khu đô thị mới Mê Linh-Đại Thịnh, Khu đô thị mới Thanh Lâm-Đại Thịnh 1 và Khu đô thị Việt Á...

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, hàng trăm dự án treo tới 1-2 thập kỷ nhưng giờ mới chỉ nằm trên danh sách kiến nghị bị thu hồi. Nghĩa là danh sách kiến nghị bị thu hồi cũng bị "treo" và treo đến bao giờ cũng chưa biết. Chỉ biết công tác thực thi của các Sở, ngành hiện quá ì ạch, chậm chạp và thiếu kiên quyết.

Số dự án treo lớn cũng có nghĩa là hàng triệu người dân đang bị ảnh hưởng tới đời sống kinh tế, tới chất lượng cuộc sống. Các doanh nghiệp khác có năng lực mất cơ hội kinh doanh, còn Nhà nước cũng không thu được các khoản thuế phí, lệ phí, tiền sử dụng đất từ những dự án này.

Có thể bạn quan tâm

  • Hà Nội gia hạn sử dụng đất cho các dự án treo

    Hà Nội gia hạn sử dụng đất cho các dự án treo

    08:35, 18/07/2023

  • Mạnh tay thu hồi dự án treo

    Mạnh tay thu hồi dự án treo

    05:00, 22/06/2023

  • Nghị định số 10/2023: Gỡ khó thu hồi dự án treo

    Nghị định số 10/2023: Gỡ khó thu hồi dự án treo

    11:14, 07/04/2023

  • Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần có quy định đối với “dự án treo”

    Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần có quy định đối với “dự án treo”

    13:00, 12/03/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hà Nội: Vướng cơ chế, làm tiếp "dự án treo" cũng thấy lo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO