Bàn giải pháp để bảo đảm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% là một trong những nội dung quan trọng tại phiên họp thường kỳ tháng 11 (lần 2) của UBND tỉnh Hải Dương.
>>>Kiên Giang “chạy nước rút” giải ngân vốn đầu tư công
>>>Mộc Châu (Sơn La): Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công
Tỷ lệ đạt 32,4%
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, đến hết ngày 31/10, Hải Dương đã giải ngân được trên 2.700 tỷ đồng vốn đầu tư công trên tổng số hơn 8.400 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023 theo kế hoạch, đạt tỷ lệ 32,4%. Trong đó, vốn cấp tỉnh quản lý là trên 4.700 tỷ đồng và đã giải ngân được trên 959 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 20,2%, vốn ngân sách cấp huyện và cấp xã là trên 3.630 tỷ đồng và đã giải ngân được 1.760 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 48,4%. Vốn đầu tư công từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư năm 2023 là 56,4 tỷ đồng, phân bổ cho 3 dự án chuyển tiếp và đến nay đã giải ngân 1,8 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 3,2%.
Hiện, Hải Dương đang triển khai xây dựng nhiều dự án như 2 nút giao từ Bình Giang và Thanh Hà với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Các dự án, trục giao thông quan trọng kết nối các địa phương thành phố Hải Dương, thành phố Chí Linh, huyện Bình Giang...
Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương cho biết, năm 2023, Hải Dương bố trí 838 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng của 10 dự án giao thông như: Dự án cải tạo nâng cấp đường 390, dự án đường tránh của đường tỉnh 391 ở Tứ Kỳ, mở rộng đường 391 từ thành phố Hải Dương đến đường trục Đông Tây, dự án đường vào khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, dự án đường 396 kéo dài nối đường tỉnh 391 với đường tỉnh 390, dự án cầu vượt sông Kinh Môn và đường dẫn nối nút giao lập thể với quốc lộ 5, dự án đường dẫn cầu Cậy mới và đường 33m kéo dài qua huyện Cẩm Giàng nối đường Vũ Công Đán của thành phố Hải Dương…
Để hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch, ông Lê Hồng Diên – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương đề nghị các cơ quan chức năng làm tốt công tác thẩm định, phê duyệt quyết định đầu tư dự án để làm căn cứ phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2023 còn lại theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản cho rằng, đến thời điểm hiện tại, Hải Dương cơ bản đáp ứng yêu cầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Trong 6 tháng đầu năm, việc giải ngân vốn của tỉnh gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ đạt thấp song nửa sau năm 2023, công tác triển khai các dự án đầu tư công tương đối thuận lợi. Ngày 6/11 vừa qua, tại kỳ họp lần thứ 18, HĐND tỉnh Hải Dương khoá XVII đã thông qua nghị quyết phân bổ, điều chỉnh vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và năm 2023. Đây là cơ sở để UBND tỉnh Hải Dương quyết liệt triển khai các giải pháp, bảo đảm tỷ lệ giải ngân năm 2023 trên 95% kế hoạch vốn, đạt mục tiêu đề ra.
Giải pháp đảm bảo tỷ lệ giải ngân năm 2023 đạt trên 95%
>>>TP.HCM: Quyết tâm không để giải ngân vốn đầu tư công dưới 80%
>>>TP.HCM: Giải ngân vốn đầu tư công chậm, cần nhìn thẳng sự thật, chỉ thẳng nguyên nhân
Tại phiên họp, UBND tỉnh Hải Dương thống nhất nguyên tắc ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ một số dự án, công trình cấp huyện giai đoạn 2021-2025 đang triển khai, có khối lượng công việc nhưng gặp khó khăn về vốn. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu phương án phân bổ vốn cho các dự án, công trình có đủ điều kiện phân bổ.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản yêu cầu các sở, ngành, các địa phương khẩn trương triển khai, giải ngân vốn đầu tư công theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tích cực phối hợp với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Đồng thời, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính và các địa phương rà soát lại các dự án, tham mưu cho UBND tỉnh bố trí phương án phân bổ vốn, hỗ trợ các công trình dự án gặp khó khăn từ nguồn tiền thu sử dụng đất, theo nguyên tắc là chỉ hỗ trợ vốn cho các công trình, dự án cấp huyện làm chủ đầu tư đã khởi công và triển khai trong giai đoạn 2021-2025 đã có khối lượng và thiếu vốn. Kiên quyết không hỗ trợ vốn để các địa phương trả nợ đọng.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản cũng đề nghị các địa phương như: Tứ Kỳ, Chí Linh, Nam Sách, Thanh Hà… khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm sử dụng vốn đầu tư công để tiến hành khởi công vào cuối tháng 11/2023.
Đối với nguồn đầu tư công cho xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, tỉnh sẽ chuyển nguồn lực về cấp huyện để tập trung đầu tư. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương đề xuất các hạng mục, công trình hỗ trợ, bảo đảm sử dụng hiệu quả đồng vốn.
Nguồn lực đầu tư công của tỉnh sẽ phân bổ theo thứ tự ưu tiên, bên cạnh tập trung đầu tư cho giao thông, phát triển sản xuất, tỉnh cũng quan tâm tới xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất cho y tế, giáo dục – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương cũng đề nghị các sở, ngành, các địa phương khẩn trương rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2024. Đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, tiến hành thẩm định, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để triển khai các dự án đầu tư công trong thời gian tới như kế hoạch.
Đối với các dự án, công trình trọng điểm có vướng mắc, khó khăn, lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương sẽ trực tiếp làm việc với từng địa phương để gỡ khó cho từng dự án cụ thể - ông Lưu Văn Bản nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Kiên Giang “chạy nước rút” giải ngân vốn đầu tư công
17:50, 03/11/2023
Mộc Châu (Sơn La): Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công
08:04, 31/10/2023
TP.HCM: Quyết tâm không để giải ngân vốn đầu tư công dưới 80%
20:02, 30/10/2023
TP.HCM: Giải ngân vốn đầu tư công chậm, cần nhìn thẳng sự thật, chỉ thẳng nguyên nhân
12:36, 20/10/2023
Tây Ninh đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
10:56, 10/10/2023