Thời gian qua có rất nhiều công trình, dự án của doanh nghiệp tại Hải Dương không sử dụng đất hoặc chậm đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, gây lãng phí đất đai.
>>>Tiềm năng bất động sản công nghiệp Hải Dương
Từ sử dụng sai mục đích…
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Hải Dương: Mới đây, theo kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai đối với 15 doanh nghiệp cho thấy, có 14 công trình, dự án không sử dụng đất hoặc chậm đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, gây lãng phí đất đai với tổng diện tích hơn 64,5 ha.
7 dự án chưa triển khai, chưa đi vào hoạt động, chưa sử dụng đất gồm dự án của các Công ty CP: Vinamit, Hoàng Long Steel, Gạch Thành Công NS, Hyundai Hải Dương, Delta, Thương mại và Dịch vụ An Thành, Xuyên Á.
Trong đó, có 1 dự án chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, chưa được UBND tỉnh Hải Dương gia hạn tiến độ thực hiện; 3 dự án chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng đã được UBND tỉnh gia hạn tiến độ thực hiện và 3 dự án đã triển khai, đi vào hoạt động, đã xây dựng một số hạng mục công trình nhưng chưa đưa hết đất vào sử dụng.
Sở TNMT đã đề nghị công khai vi phạm 7 dự án chưa triển khai, chưa đi vào hoạt động, chưa sử dụng đất trên trang web của Bộ TNMT, Tổng cục Quản lý đất đai, UBND cấp tỉnh và đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, kiểm tra, rà soát xem xét tham mưu UBND tỉnh thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, từ đó làm căn cứ để thu hồi đất.
Theo đó, Sở TNMT cũng đề nghị tỉnh Hải Dương gia hạn thêm 24 tháng đối với 1 dự án chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng. Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất (trừ trường hợp do bất khả kháng). Các dự án còn lại, Sở TNMT sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc doanh nghiệp thực hiện, đưa hết đất vào sử dụng.
Được biết, ngoài ra sau cổ phần hóa, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn còn sử dụng đất không đúng mục đích; để hoang hóa, bị tranh chấp, lấn chiếm; chậm hoàn thiện thủ tục pháp lý; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không qua đấu giá...
Công ty CP Xuất nhập khẩu Hải Dương là một ví dụ, Công ty có trụ sở chính tại số 11 Nguyễn Du, phường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương). Công ty được UBND tỉnh phê duyệt phương án CPH năm 2003. Tại thời điểm CPH, công ty quản lý và sử dụng 6 khu đất trên địa bàn TP Hải Dương và các huyện Gia Lộc, Thanh Miện. Sau khi CPH, đơn vị đã thực hiện thủ tục thuê đất và được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 6 khu đất này.
Năm 2006, UBND tỉnh có quyết định chuyển 19.221 m2 đất trước đây Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất sang hình thức thuê đất trả tiền hằng năm, thời hạn thuê đất 30 năm cho doanh nghiệp này. Mục đích sử dụng đất để làm trụ sở làm việc, cửa hàng kinh doanh, cơ sở đào tạo ngoại ngữ và giáo dục định hướng lao động xuất khẩu nước ngoài. Đến năm 2017, công ty xin trả khu đất 15.051 m2 tại xã An Thượng (TP Hải Dương) và UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi diện tích này theo quy định. Công ty chỉ còn quản lý và sử dụng 5 khu đất với tổng diện tích 4.170 m2, trong đó có 3 khu ở TP Hải Dương, 1 khu tại thị trấn Gia Lộc và 1 khu tại thị trấn Thanh Miện.
Tuy nhiên sau khi CPH, Công ty CP Xuất nhập khẩu Hải Dương không có dự án đầu tư cụ thể tại các khu đất này, dẫn đến việc sử dụng đất không hiệu quả. Một số vị trí công ty đã cho thuê lại mặt bằng, xây dựng công trình không phép hoặc chuyển nhượng tài sản trên đất.
…đến đề nghị thu hồi
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT), từ năm 2020 Sở đã yêu cầu Công ty CP Xuất nhập khẩu Hải Dương lập phương án sử dụng đất và cung cấp các hồ sơ tài liệu liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất. Cuối năm 2021, sở tiếp tục đôn đốc, yêu cầu công ty lập phương án sử dụng đất gửi về sở trước ngày 15/1/2022 để thẩm định, tham mưu báo cáo UBND tỉnh Hải Dương. Và đến tháng 6/2022, công ty này mới xây dựng phương án sử dụng đất gửi Sở TNMT.
Theo đó, doanh nghiệp đã đề xuất phương án sử dụng đất đối với 5 vị trí đất đang quản lý. Tuy nhiên, theo Sở TNMT, công ty báo cáo nội dung sử dụng đất tại đường Nguyễn Du chưa đúng sự thật. Các phương án sử dụng đất ở 4 vị trí còn lại, có đề xuất chưa đúng mục đích sử dụng, có vị trí đề xuất đúng mục đích sử dụng đất nhưng phương án chung chung, chưa có lộ trình, thời gian cụ thể.
Tiếp sau đó đến tháng đến ngày 9/10/2022 Công ty CP Xuất nhập khẩu Hải Dương tiếp tục hoàn thiện phương án sử dụng đất đối với 5 vị trí đất do công ty quản lý và sử dụng, trình UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, phê duyệt. Trong đó Công ty đã đề nghị giữ lại, xin tiếp tục thuê 4 khu đất tại đường Nguyễn Du, Tam Giang (TP Hải Dương), thị trấn Thanh Miện và thị trấn Gia Lộc. Công ty đề nghị trả lại 1 khu đất ở đường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) cho Nhà nước. Đối với các vị trí đất đề nghị tiếp tục thuê, công ty đã cam kết sẽ sử dụng, cải tạo lại các công trình đã xuống cấp, sử dụng đất đúng mục đích; cam kết bố trí nguồn vốn để lập hồ sơ thiết kế dự án chi tiết, quy hoạch chi tiết và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Công ty đề xuất lộ trình thực hiện xong trong năm 2025 và 2026.. Hiện nay, Sở TNMT đã báo cáo UBND tỉnh xem xét chỉ đạo.
Được biết, theo Nghị quyết 73/NQ-CP ngày 23.9.2019 của Chính phủ về việc ban hành chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15.6.2018 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và CPH doanh nghiệp nhà nước đã nêu rõ, trường hợp phương án sử dụng đất doanh nghiệp đề xuất chưa phù hợp với quy hoạch, mục đích sử dụng đất, ngành nghề kinh doanh và pháp luật về đất đai hiện hành thì doanh nghiệp phải trả lại cho nhà nước để sử dụng vào mục đích khác.
Theo ông Phạm Quốc Toàn – Chủ tịch HĐQT Công ty CP BĐS Hoa Phượng cho biết, để tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm, dự thảo Nghị định 91 quy định rõ: Công ty cổ phần được chuyển đổi từ DNNN phải quản lý, sử dụng đất đúng mục đích, đúng phương án sử dụng toàn bộ diện tích đất được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, giá thuê đất phải được xác định cụ thể theo từng cơ sở đất, khung giá đất hàng năm làm cơ sở thực hiện…Theo ông Toàn, để tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng “ôm đất vàng” gây thất thoát tài sản nhà nước, việc đưa giá trị đất gồm cả đất thuê và giao tính vào giá trị doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả lợi thế vị trí địa lý của khu đất là cần thiết. Việc tính giá trị vị trí địa lý vào trong trường hợp doanh nghiệp lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền hàng năm, theo quy định Luật Đất đai, để được tính trong giá thuê đất và giá thẩm định này phải đảm bảo nguyên tắc theo giá thị trường.
Theo lãnh đạo UBND TP Hải Dương, trên địa bàn có 46 doanh nghiệp cổ phần hóa gồm 3 doanh nghiệp Trung ương và 43 công ty do tỉnh thành lập. Trong đó, có 7 doanh nghiệp sau cổ phần hóa sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm nguyên tắc sử dụng đất, cho đơn vị khác thuê lại hoặc để đất hoang hóa, lãng phí. Trong đó có 1 doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn là Công ty CP Vinafood I và 6 doanh nghiệp do tỉnh quản lý gồm các Công ty CP: Ô tô vận tải hành khách Hải Hưng, Tàu cuốc và Xây dựng Hải Dương, Vật tư Hải Dương, Xuất nhập khẩu Hải Dương, Du lịch và Thương mại Hải Dương, Đầu tư và Phát triển đô thị Hải Dương.
Được biết, Vừa qua tại Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVII diễn ra từ ngày 7-8/12/2022, UBND tỉnh Hải Dương đã đề nghị chấp thuận thu hồi 1.246,28 ha đất để thực hiện 438 dự án, công trình trên địa bàn tỉnh năm 2023.
Có thể bạn quan tâm