Tỉnh Hải Dương đang thúc đẩy tiến độ, sớm khởi hành chuyến tàu liên vận quốc tế vận chuyển nông sản từ ga Cao Xá (Cẩm Giàng) đi các tỉnh, thành phố trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc.
>>>HHDN tỉnh Hải Dương: Đồng hành tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp phát triển
UBND tỉnh Hải Dương đang đẩy nhanh tiến độ thi công để dự kiến đến ngày 30/4 tới sẽ có chuyến tàu liên vận quốc tế đầu tiên khởi hành từ ga Cao Xá (Cẩm Giàng).
Theo Sở Giao thông Vận tải Hải Dương: Ga Cao Xá ở vị trí khá đắc địa khi nằm trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. Ga này hiện có ba đường sắt, một bãi hàng làm nhiệm vụ nhường tránh tàu và xếp dỡ hàng hóa. Không những thế, ga Cao Xá cũng nằm khá gần các khu công nghiệp Đại An, Cẩm Điền, Phúc Điền, Tân Trường, Ken mark.
Khoảng cách từ ga về trung tâm TP Hải Dương khoảng 5km. Ga Cao Xá kết nối với đường 194B có mặt đường rộng 9m, là đường huyện kết nối giữa các khu công nghiệp với cảng đường sông Tiên Kiều; khoảng cách từ ga ra cảng Tiên Kiều là 2km.
Không những thế, ga Cao Xá còn có tiềm năng lớn để thực hiện vận tải liên vận quốc tế đi Trung Quốc và các nước khác qua cửa khẩu Lào Cai và Đồng Đăng. Bằng con đường này, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hải Dương có thể dễ dàng xuất khẩu đi Trung Quốc và các nước Châu Âu, Trung Á.
Mặc dù vị trí đắc địa là vậy nhưng hiện nay lượng hàng thông qua ga Ca Xá rất thấp. Gần nhất, năm 2022 sản lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt trên địa bàn tỉnh Hải Dương là 5.056 tấn, 5 tháng đầu năm 2023 là 2.608 tấn.
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hiện tại ga Cao Xá đang từng bước được nâng cấp, cải tạo thành ga liên vận quốc tế. Trong giai đoạn bước tạm này sẽ thực hiện cải tạo nâng cấp bãi hàng trong phạm vi ranh giới đất đường sắt đang quản lý và đáp ứng yêu cầu tối thiểu về bãi ngoại quan chuyên dùng quy định. Quy mô đầu tư dự kiến cải tạo nhà văn phòng, dịch vụ hải quan 80 m2; xây nhà vệ sinh; bãi hàng (kết cấu cấp phối đá dăm) 5.400 m2 cùng hệ thống điện chiếu sáng, cấp thoát nước, camera giám sát, phòng cháy, chữa cháy, cải tạo đường ô tô vào bãi… Giai đoạn bước tạm được khởi công thực hiện từ ngày 26/1/2024, dự kiến hoàn thành vào ngày 30/4/2024.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương: Mới đây, Sở đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp vận chuyển nông sản từ ga Cao Xá (Cẩm Giàng) đi các tỉnh, thành phố trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là dịp để kết nối các doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu thụ, xuất khẩu nông sản của Hải Dương với Công ty CP Vận tải và Thương mại đường sắt (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) để tìm hướng mới trong việc vận chuyển, đặc biệt là vận chuyển nông sản.
Đa số các ý kiến thảo luận xoay quanh vấn đề chi phí, thời gian, điều kiện bảo quản khi vận chuyển, nhất là bảo quản lạnh... Công ty CP Vận tải và Thương mại đường sắt cam kết sau hội nghị này sẽ tiếp tục gặp gỡ, làm việc với các doanh nghiệp để đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm việc vận chuyển hàng nông sản (trước mắt là cà rốt và vải thiều) của Hải Dương bằng đường sắt diễn ra thuận lợi.
Theo ông Nguyễn Danh Huy - Thứ trưởng Giao thông vận tải: Việc nâng cấp ga Cao Xá thành ga liên vận quốc tế có ý nghĩa quan trọng. Từ ga này, hàng hóa sẽ lên các tàu liên vận quốc tế vận chuyển đi các nước.
Theo ông Huy, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cần sớm hoàn thiện việc cắm mốc giới của dự án, phối hợp cùng tỉnh Hải Dương đưa vào quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Đồng thời nghiên cứu tuyến du lịch tâm linh và di sản bằng đường sắt tại Hải Dương...
Ông Trần Đức Thắng - Bí Thư Tỉnh ủy Hải Dương: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện các bước trong quá trình triển khai dự án. Khi ga Cao Xá được nâng cấp lên chạy tàu liên vận quốc tế bằng đường sắt có ý nghĩa lớn đối với tỉnh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh…
Trước đó, Bộ GTVT vừa có văn bản phản hồi ý kiến của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về đề nghị đầu tư nâng cấp hạ tầng ga Cao Xá (Cẩm Giàng, Hải Dương) thành ga liên vận quốc tế.
Bộ GTVT đánh giá, ga Cao Xá nằm gần các khu công nghiệp, nhà máy có nhu cầu xuất nhập khẩu lớn, khả năng nối kết đường giao thông trong tỉnh Hải Dương và tới các tỉnh lân cận cơ bản thuận lợi; Trong khi tỉnh Hải Dương đã quy hoạch xây dựng Trung tâm Logistics tại khu vực ga Cao Xá.
Do vậy, việc nghiên cứu nâng cấp cơ sở hạ tầng đường sắt phục vụ vận tải ga Cao Xá thành ga liên vận quốc tế theo đề nghị của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, UBND tỉnh Hải Dương là cần thiết.
Bộ GTVT hoan nghênh Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tự tổ chức triển khai đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đường sắt phục vụ vận tải ga Cao Xá (giai đoạn 1) bằng các nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp nhằm nâng cấp một số hạng mục trong ga Cao Xá để đủ điều kiện khai thác chạy tàu liên vận quốc tế.
Tuy nhiên, việc triển khai đầu tư phải bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật. Sau khi hoàn thành, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý, bảo trì công trình đã đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp.
"Sau khi đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đường sắt phục vụ vận tải ga Cao Xá, trường hợp đủ điều kiện khai thác liên vận quốc tế, giao Vụ Vận tải chủ trì, phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam tham mưu Bộ GTVT chấp thuận cho phép ga Cao Xá được tạm thời khai thác hoạt động liên vận quốc tế theo quy định.
Đầu tư mở rộng ga Cao Xá giai đoạn 2 sẽ được Bộ GTVT và các cơ quan liên quan nghiên cứu xem xét đầu tư trên cơ sở nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn vốn", văn bản nêu rõ.
Trước đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã gửi văn bản đến Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ GTVT đề xuất nâng cấp, cải tạo ga Cao Xá đủ điều kiện là ga liên vận quốc tế, trong đó đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan số.
Ga Cao Xá tại lý trình Km 50+ 870 thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, gần với các khu công nghiệp như: Đại An, Cẩm Điền, Phúc Điền, Tân Trường... Vị trí thuận lợi trong kết nối vận chuyển hàng hóa các khu công nghiệp, nhà máy có nhu cầu xuất nhập khẩu lớn nhưng hiện ga Cao Xá chỉ phục vụ vận chuyển hàng hóa nội địa.
Vì vậy, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất tổng công ty đầu tư giai đoạn 1 khoảng 61 tỷ đồng (không bao gồm giải phóng mặt bằng) để đầu tư các hạng mục: Cải tạo mặt bãi hàng hiện tại, bảo đảm diện tích bãi hàng 10.000m2; Xây dựng kho hàng (kho tạm); xây dựng hàng rào bảo vệ, hệ thống camera giám sát, hệ thống chữa cháy, chiếu sáng quang khu vực bãi hàng...
Sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác với quy mô như trên, tổng công ty đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu, xem xét bố trí vốn đầu tư giai đoạn 2 nâng cấp hoàn thiện tổ hợp khu ga Cao Xá với quy mô: Xây dựng mới một đường chứa toa xe; 4 đường xếp dỡ và lưu chứa toa xe; Xây dựng mới văn phòng hải quan, kho hàng 10.000m2, bãi hàng 28.600m2 cùng hệ thống điện chiếu sáng, cấp thoát nước, camera giám sát và PCCC kèm theo... Tổng mức đầu tư dự kiến của giai đoạn này là 234 tỷ đồng.
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, việc tổ chức hoạt động vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt tại Hải Dương sẽ cung cấp thêm giải pháp cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đi Trung Quốc, châu Âu, Trung Á... lựa chọn phương thức rút ngắn thời gian vận chuyển bằng 2/3 so với đường biển truyền thống; thực hiện các thủ tục khai báo, xuất nhập khẩu hàng hóa ngay tại tỉnh.
Có thể bạn quan tâm