HĐND TP Hải Phòng cần quyết liệt thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, trọng tâm là thành lập KKT thứ 2, khu thương mại tự do, nhằm phát huy lợi thế về dư địa phát triển.
>>>Hải Phòng: Tập trung phát triển khu thương mại tự do - khu phi thuế quan
>>>Quy hoạch Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn trong khu vực
Đây là chia sẻ của ông Lê Tiến Châu – Bí thư Thành uỷ Hải Phòng tại kỳ họp thứ 13, HĐND TP Hải Phòng khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 – 2026 mới đây.
Đặc mục tiêu lớn
TP Hải Phòng hiện có nhiều điều kiện thuận lợi, ở vị trí đặc biệt quan trọng của cả nước, ở giữa 2 hành lang quan trọng (Trung Quốc - Hải Phòng - Hà Nội và từ Côn Minh qua Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng). TP Hải Phòng là địa phương duy nhất có cảng biển quốc gia ở phía Bắc; là giao điểm của kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia với đủ 5 loại hình: đường biển, đường bộ, đường hàng không, đường thủy nội địa và đường sắt…
Với sự đầu tư đồng bộ các tuyến đường, cầu cảng, bến bãi, kết nối vùng được hoàn thiện đã tạo ra không gian Hải Phòng gần hơn các vùng kinh tế khác. Các hoạt động đầu tư đô thị, dự án nhà ở được đẩy mạnh, nhất là các dự án nhà ở xã hội, từ đó thúc đẩy các hoạt động khác. Ngoài ra, việc đẩy mạnh cung cấp, khai thác cảng biển, nâng cấp đô thị đã thu hút nguồn vốn FDI và các nhà đầu tư nước ngoài đến với TP Hải Phòng. TP Hải Phòng luôn nằm trong top các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, các khu công nghiệp được lấp đầy với tỷ lệ trên 90%.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội thành phố tiếp tục ổn định và phát triển. Ước thực hiện cả năm 2023 có 14/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt hoặc vượt mục tiêu kế hoạch HĐND Thành phố giao. Năm 2022, TP Hải Phòng xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố về chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX. Năm 2023, sản lượng hàng qua cảng đạt 170 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 31 tỷ USD. Thu hút vốn FDI trên địa bàn đạt 3,5 tỷ USD, tăng 68% so với năm 2022. Thu hút 7,9 triệu lượt khách du lịch, tăng 12% so với năm 2022. TP Hải Phòng đang thực hiện 74 nhiệm vụ chuyển đổi số với tổng vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng. Công tác giải ngân vốn đầu tư công cơ bản bám sát kế hoạch Trung ương giao.
Được biết, năm 2023, môi trường đầu tư, kinh doanh của TP Hải Phòng tiếp tục được cải thiện; hiệu quả từ chuỗi các hoạt động xúc tiến đầu tư đã mang lại kết quả tích cực trong thu hút đầu tư nước ngoài. TP Hải Phòng đã phối hợp các cơ quan Trung ương liên quan trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Địa phương này cũng khởi công một số công trình, dự án lớn trong các lĩnh vực như giao thông, công nghiệp, đô thị, góp phần nâng tầm vị thế và mở đường phát triển cho nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội của thành phố. Đồng thời, triển khai vận động các tổ chức quốc tế hồ sơ đề cử quần đảo Cát Bà - vịnh Hạ Long và chính thức được UNESCO ghi danh là di sản thiên nhiên thế giới...
Tại kỳ họp thứ 13, HĐND TP Hải Phòng khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 – 2026 mới đây, ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, năm 2024, TP Hải Phòng đặt mục tiêu GRDP tăng khoảng 11,5% - 12% so với năm 2023. Cụ thể, TP Hải Phòng đặt mục tiêu GRDP bình quân đầu người đạt 9.000 USD; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 15%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 106.760 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 45.000 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 60.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 210.000 tỷ đồng; sản lượng hàng qua Cảng đạt 190 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt 33 tỷ USD. Thu hút khách du lịch đạt trên 9,1 triệu lượt khách. Đặc biệt, địa phương đặt mục tiêu thu hút từ 2 - 2,5 tỷ USD vốn đầu FDI.
Ngoài ra, UBND TP Hải Phòng cũng đã đề xuất 20 dự án trọng điểm năm 2024. Trong đó có 6 dự án dự kiến khánh thành,12 dự án khởi công mới, 2 dự án đang triển khai và chuyển tiếp từ năm 2023 sang.
Đề xuất các nhóm giải pháp
Để đạt được mục tiêu trên, ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã đề xuất 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, TP Hải Phòng sẽ chú trọng mở rộng không gian kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu: công nghiệp công nghệ cao; cảng biển - logistics; du lịch- thương mại.
Đồng thời, tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; tập trung hiện đại hóa đô thị, phát triển hạ tầng nông thôn gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới. Địa phương cũng sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, tư pháp, thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, liên kết vùng; củng cố quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội...
Cùng với đó, địa phương này sẽ tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số…
Theo ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng, năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là thời điểm phải tăng tốc, bứt phá, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ TP Hải Phòng
Ông Châu cũng đề nghị HĐND TP Hải Phòng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, tăng tốc, quyết liệt thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo nghị quyết, chương trình hành động của Quốc hội, Chính phủ và thành phố. Trong đó, tập trung ưu tiên triển khai bốn nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết cần hoàn thành từ nay đến hết nhiệm kỳ mà Ban Thường vụ xác định theo Thông báo số 1705.
Trọng tâm là thành lập KKT thứ 2 và khu thương mại tự do tại khu vực phía nam thành phố, nhằm phát huy lợi thế về dư địa phát triển, đất đai, tuyến đường bộ cao tốc ven biển. Đồng thời, triển khai Nghị quyết của Thành ủy Hải Phòng về phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố, phấn đấu TP Hải Phòng sẽ là địa phương đi đầu trên cả nước với 3 đặc trưng ưu việt về vị trí, chất lượng, giá cả. Bên cạnh đó, đề nghị HĐND TP Hải Phòng hoàn thành đề án Tổ chức chính quyền đô thị TP Hải Phòng , thành lập thành phố thuộc thành phố tại huyện Thủy Nguyên và thành lập đơn vị hành chính quận tại huyện An Dương. Cùng với đó, thành lập các KCN, CCN mới, GPMB và xây dựng cơ sở hạ tầng tại KCN, CCN, sẵn sàng các quỹ đất sạch để thu hút các dự án đầu tư lớn. Đến năm 2025, TP Hải Phòng sẽ tập trung phát triển và mở rộng 15 KCN mới với tổng diện tích 6.418 ha.
Có thể bạn quan tâm