Hải Phòng sẽ tính thuế tài nguyên đối với “đá bụi, đá mạt”, loại tài nguyên khoáng sản thứ phát trong hoạt động khai thác tài nguyên bắt đầu từ năm 2021.
Theo đó, mức tính thuế đối với tài nguyên là “đá bụi, mạt đá” bằng mức trung bình của khung giá (giữa giá tối thiểu và giá tối đa quy định tại Thông tư số 05/2020/TT-BTC ngày 20/1/2021 của Bộ Tài chính), bằng 80.000 đồng/m3. Đây là lần đầu tiên Hải Phòng áp dụng mức giá tính thuế tài nguyên với loại khoáng sản này.
Nhận thấy mức giá tính thuế của một số tài nguyên tại Quyết định số 48/2017/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 của UBND TP Hải Phòng (hiện Hải Phòng đang sử dụng) cần phải điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với Thông tư số 05/2020/TT-BTC ngày 20/1/2021 của Bộ Tài chính, Sở Tài chính TP Hải Phòng vừa đề xuất UBND TP Hải Phòng ban hành bảng tính thuế tài nguyên trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo của Sở TNMT, hiện trên địa bàn Hải Phòng có các loại tài nguyên, khoáng sản được cấp phép khai thác gồm, đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình; đá làm vật liệu xây dựng thông thường; đá vôi sản xuất vôi công nghiệp; đá sản xuất xi măng; cát san lấp (cát nhiễm mặn); đất làm gạch, ngói (sét làm gạch, ngói); nước khoáng thiên nhiên; nước thiên nhiên dùng cho sản xuất, kinh doanh nước sạch và nước dùng cho mục đích khác.
Sau khi tham khảo giá vật liệu xây dựng trên địa bàn TP Hải Phòng tháng 6/2021, đồng thời tham khảo bảng giá tính thuế tài nguyên của một số tỉnh, Sở Tài chính đề xuất loại tài nguyên là “đá hộc” điều chỉnh tăng 22,22%. Điều chỉnh giảm 53,85% mức giá tính thuế đối với đá vôi sản xuất vôi công nghiệp (khoáng sản khai thác) so với giá cũ do không phù hợp với Thông tư của Bộ Tài chính.
Cũng tại đề xuất này, lần đầu tiên Hải Phòng áp dụng mức giá tính thuế tài nguyên đối với “đá bụi, mạt đá”, loại tài nguyên khoáng sản “thứ phát” trong hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản được dùng làm vật liệu xây dựng.
Cụ thể, mức giá tính thuế tài nguyên đối với đá hộc từ 90.000 đồng/m3 tăng lên 110.000 đồng/m3. Mức tính thuế tài nguyên đối với đá vôi sản xuất công nghiệp (khoáng sản khai thác) từ 195.000 đồng/m3 giảm còn 90.000 đồng/m3…
Theo ông Lương Văn Công, GĐ Sở Tài chính Hải Phòng, thành phố cần thực hiện điều chỉnh biểu giá tính thuế tài nguyên do hiện nay, Hải Phòng đang thực hiện các mức giá tính thuế tài nguyên có hiệu lực từ năm 2017.
Trong khi đó, từ năm 2020, Bộ Tài chính đã có văn bản điều chỉnh mức giá tối thiểu, giá tối đa một số loại tài nguyên khoáng sản, bổ sung mức giá một số loại tài nguyên khoáng sản chưa có trong khung giá cũ và trên thực tế, sau nhiều năm áp dụng quy định mức giá tính thuế cũ, mức giá của một số loại tài nguyên khoáng sản có biến động nên Hải Phòng phải thực hiện việc điều chỉnh mức giá tính thuế đối với các loại tài nguyên khoáng sản đang được khai thác trên địa bàn.
Việc áp giá tính thuế tài nguyên cũng được xác định theo nguyên tắc trường hợp giá bán thực tế ghi trên hóa đơn bán hàng cao hơn mức giá quy định, mức tính thuế được áp dụng theo giá ghi trên hóa đơn. Trường hợp giá bán tài nguyên, khoáng sản ghi trên hóa đơn thấp hơn giá tính thuế thì giá quy định của TP là căn cứ để tính thuế tài nguyên, khoáng sản.
Với trường hợp phát sinh loại tài nguyên mới, giá phổ biến trên thị trường biến động lớn; tăng từ 20% trở lên hoặc giảm từ 20% trở xuống so với mức giá quy định tại biểu giá tính thuế tài nguyên, Hải Phòng sẽ thực hiện điều chỉnh giá tính thuế đối với những tài nguyên, khoáng sản cho phù hợp thực tế.
Được biết, tình trạng chậm nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường; tiền thuê mặt đất, mặt nước cũng diễn ra thường xuyên tại Hải Phòng với số nợ không hề nhỏ.
Trên địa bàn TP Hải Phòng có 48 doanh nghiệp tham gia hoạt động khai thác khoáng sản, chủ yếu là đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng thông thường và cát làm vật liệu xây dựng.
Qua cuộc thanh tra của Thanh tra thành phố về việc thực hiện nghĩa vụ nộp NSNN tại các doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn cuối năm 2017 cho thấy, đa số các doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm các quy định về thuế, phí trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Trong đó, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là khoản tiền bị các doanh nghiệp nộp thiếu, nộp chậm nhiều nhất.
Cụ thể, trong 20 doanh nghiệp được thanh tra có 8 doanh nghiệp nộp thiếu, nộp chậm số tiền hơn 29,2 tỷ đồng. Điển hình như chi nhánh Công ty CP thương mại Kinh Thành được cấp phép khai thác khoáng sản đá vôi tại Thủy Nguyên, hiện chưa nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hơn 6,2 tỷ đồng; Công ty CP đầu tư thương mại Dịch vụ Đông Kinh được cấp phép khai thác khoáng sản cát tại huyện Kiến Thụy, nợ hơn 4,5 tỷ đồng; Công ty CP thương mại Duy Linh khai thác khoáng sản cát tại huyện Cát Hải, nợ hơn 4,4 tỷ đồng...
Đã đến lúc Nhà nước cần có cơ chế quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với việc cấp phép khai thác và sử dụng tài nguyên một cách hợp lý tránh gây lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường. Cần xử lý nghiêm đối với các dự án, doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn không kê khai, nộp các loại thuế, phí theo quy định, trường hợp không chấp hành đúng kiên quyết cưỡng chế, đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép.
Có thể bạn quan tâm