Việc xây dựng KKT ven biển phía Nam Hải Phòng phải bảo đảm cân đối, hài hoà giữa lợi ích kinh tế và yêu cầu xanh, bền vững; khả năng đầu tư của thành phố và thu hút đầu tư…
>>>Hải Phòng: Tiếp tục rà soát công tác quản lý đất đai tại Đồ Sơn, Cát Hải
>>>Hải Phòng: Thúc đẩy thu hút các dự án đầu tư phát triển đô thị
Đó là chia sẻ của ông Lê Tiến Châu – Bí thư Thành uỷ Hải Phòng tại cuộc làm việc nghe báo cáo ý tưởng, phương án thiết kế quy hoạch tổng thể KKT ven biển phía Nam Hải Phòng mới đây.
Kiến tạo vòng tuần hoàn xanh
TP Hải Phòng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong vùng đồng bằng sông Hồng và của cả nước. Trên địa bàn TP Hải Phòng hiện có KKT Đình Vũ – Cát Hải với tỷ lệ lấp đầy khoảng 80%. Đây là một trong những KKT ven biển thành công nhất cả nước, là một điểm đến quan trọng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Từ những lợi thế đó, với định hướng phát triển tuyến cao tốc ven biển, cảng Nam Đồ Sơn, việc di chuyển các cảng dọc sông Cấm ra khu vực sông Văn Úc và việc hình thành sân bay Tiên Lãng trong tương lại, TP Hải Phòng đang xây dựng phương án thành lập KKT ven biển Nam Hải Phòng.
Theo BQL KKT Hải Phòng, việc thành lập KKT mới là nhằm tranh thủ dư địa phát triển của KKT Đình Vũ – Cát Hải, đặc biệt trong bối cảnh làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ các nước vào Việt Nam. Với vị trí quan trọng trong vùng động lực đồng bằng sông Hồng, nằm tại 3 hành lanh kinh tế quan trọng, KKT ven biển Nam Hải Phòng có vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối với các khu kinh tế lân cận, tạo thành chuỗi khu kinh tế ven biển, làm động lực phát triển của cả vùng.
Ông Lê Trung Kiên – Trưởng ban BQL KKT Hải Phòng cho biết: “KKT ven biển Nam Hải Phòng được định hướng phát triển trở thành một KKT sinh thái, tuần hoàn, năng động và bền vững; Trung tâm kết nối đa phương thức; mạng lưới công nghiệp thông minh; hệ thống đô thị - dịch vụ hiện đại, năng động; trong khi vẫn tôn trọng bản sắc văn hóa và kết nối với các khu vực hiện hữu”.
Cũng theo ông Kiên, KKT mới có tổng diện tích khoảng 20.000 ha, tại các quận, huyện: Kiến Thụy, An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Đồ Sơn. KKT mới dự kiến gồm 6 khu vực phát triển khu công nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, chế biến chế tạo, tạo thành chuỗi cung ứng ven biển, kết nối trực tiếp với cảng Lạch Huyện, cảng Nam Đồ Sơn. Trong đó, nghiên cứu thành lập Khu thương mại tự do tại khu vực KCN Tiên Lãng 1, tạo bước đột phát trong chính sách phát triển thành phố; góp phần thúc đẩy phát triển TP Hải Phòng trở thành động lực của cả vùng Đồng bằng sông Hồng.
Theo đại diện đơn vị tư vấn Omgeving (Bỉ) cho biết, ý tưởng thiết kế quy hoạch KKT này sẽ tập trung vào 3 mũi nhọn chính để phát triển kinh tế bền vững. Đó là logistics, cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp cơ bản khác. 3 điều này sẽ thúc đẩy phát triển và cạnh tranh với các KKT khác trong khu vực.
Cũng theo đại diện đơn vị tư vấn Omgeving, ý tưởng chủ đạo trong thiết kế quy hoạch tổng thể KKT ven biển phía Nam gồm 4 yếu tố chính. Đó là kiến tạo một vòng tuần hoàn xanh, hình thành một mạng lưới trung tâm đa phương thức, mạng lưới công nghiệp thông minh và tạo một điểm đến năng động, đáng sống. Theo đó, KKT mới sẽ có các dự án động lực như: Sân bay quốc tế Tiên Lãng, Cảng Nam Đồ Sơn, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị mới, khu dân cư bản địa, khu vực đất nông nghiệp…, đáp ứng yêu cầu phát triển xanh và bền vững.
“Với thiết kế của KKT này, chúng tôi cũng tính đến việc tạo ra một môi trường để cho người lao động vừa có thể làm việc, vừa sinh sống, giải trí với ý tưởng là bảo tồn các yếu tố bản sắc của địa phương và cộng đồng địa phương”, đại diện đơn vị tư vấn Omgeving cho biết thêm.
Thiết kế phải đảm bảo đúng quy hoạch
Theo ông Lê Tiến Châu – Bí thư Thành uỷ Hải Phòng, việc thành lập KKT thứ 2 ở phía Nam thành phố là một động lực mới, mở ra không gian mới để phát triển thành phố Hải Phòng. Do vậy, việc thiết kế tổng thể phải tuân thủ nghiêm các quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Đồng thời, các đơn vị tham khảo kỹ lưỡng mô hình các KKT đã thành công trên thế giới, lưu ý bảo đảm cân đối, hài hoà giữa lợi ích kinh tế và yêu cầu xanh, bền vững; khả năng đầu tư của thành phố và thu hút đầu tư; xác định rõ quy mô và phân kỳ đầu tư phù hợp trong từng giai đoạn...
“Trái tim của KKT mới này chính là cảng Nam Đồ Sơn và sân bay Tiên Lãng. Tuy nhiên, cảng Nam Đồ Sơn, sân bay Tiên Lãng đã đưa vào quy hoạch ngành, thời điểm tiến hành sau năm 2030. Do vậy, đề nghị Ban cán sự đảng UBND thành phố, BQL KKT Hải Phòng, Sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng đơn vị tư vấn để đưa các dự án vào quy hoạch vùng và phấn đấu thực hiện trước năm 2030. Đồng thời nghiên cứu sâu 2 động lực này để bảo đảm tính kết nối đối với các khu vực, các lĩnh vực của thành phố và cả nước”, ông Châu nhấn mạnh.
Cũng theo ông Châu, về phía BQL KKT Hải Phòng cần tiếp thu các ý kiến tại hội nghị để hoàn thiện thiết kế quy hoạch tổng thể KKT, kèm với hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập KKT ven biển phía Nam Hải Phòng. Về phía UBND TP Hải Phòng và các đơn vị liên quan cần thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác giúp việc, phấn đấu hoàn thành thành lập KKT ven biển phía Nam trong năm 2024.
Theo đại diện đơn vị tư vấn Omgeving, đề xuất quy hoạch tổng thể KKT ven biển phía Nam Hải Phòng hoàn toàn tuân thủ theo quy hoạch chung của TP Hải Phòng đến năm 2040.
“Chúng tôi cũng đề xuất một chiến lược phân kỳ đầu tư thông minh cho các dự án đầu tư hạ tầng kĩ thuật. Trong đó, việc phát triển bắt đầu bằng việc hoàn thành các đường cao tốc ven biển và sau đó là hệ thống cảng biển để làm động lực phát triển cho khu vực. Từ những định hướng về sử dụng đất tổng thể như vậy, ý tưởng về thiết kế một cửa ngõ với vòng tuần hoàn xanh sẽ trở thành một điểm đến công nghiệp sinh hoạt và làm việc bền vững cho người dân, cho cả những nhà đầu tư, tập trung vào các lĩnh vực như logistics, phát triển công nghiệp công nghệ cao”, đại diện đơn vị tư vấn Omgeving cho biết thêm.
Còn theo đại diện BQL KKT Hải Phòng, các điều kiện thành lập KKT được xác định cụ thể trong Nghị định 35/2022/NĐ-CP, trong đó KKT ven biển phía Nam Hải Phòng đã được bổ sung vào Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Có thể bạn quan tâm