Hồ Chí Minh và nữ quyền luận văn hóa

Diendandoanhnghiep.vn Nguyễn Ái Quốc đi trước thời đại rất xa trong sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

>> Âm nhạc và thuật trị nước

Người không chỉ đấu tranh giải phóng phụ nữ Việt Nam từ quan điểm người Việt, mà luôn đấu tranh giải phóng phụ nữ nói chung, từ quan điểm nhân loại. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng hoa phong lan cho ba đại biểu nữ dân quân Quảng Bình và Vĩnh Linh, năm 1968.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng hoa phong lan cho ba đại biểu nữ dân quân Quảng Bình và Vĩnh Linh, năm 1968.

Xuất thân từ một gia đình Nho học, học chữ Hán từ nhỏ và từng dạy chữ Hán ở trường Dục Thanh, Hồ Chí Minh là một người am hiểu sâu sắc về Khổng giáo. Ảnh hưởng của Nho giáo được chính Hồ Chí Minh thừa nhận trong bài trả lời phỏng vấn O.

Mandelstam: “Tôi sinh ra trong một gia đình nhà Nho An Nam. Những gia đình như thế ở nước chúng tôi không phải làm việc gì. Thanh niên trong những gia đình ấy thường học Khổng giáo, đồng chí chắc biết Khổng giáo không phải là tôn giáo mà là một thứ khoa học về kinh nghiệm đạo đức và phép ứng xử”. Nhưng Nguyễn Ái Quốc sớm nhận ra những mặt tiêu cực của Nho giáo, trong đó đặc biệt là quan điểm về phụ nữ. Đó là nhờ bộ lọc thực tiễn luận nhân đạo trong tư tưởng Hồ Chí Minh, với hệ giá trị vượt qua giới hạn của những cộng đồng cục bộ, như gia đình, dòng tộc, địa phương, nghề nghiệp hay tôn giáo. Nguyễn Ái Quốc đi trước thời đại rất xa trong sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

p/Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với chị Nguyễn Thị Ráo, thành viên đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hà Nội, tháng 2/1969. Ảnh: TL

Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với chị Nguyễn Thị Ráo, thành viên đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hà Nội, tháng 2/1969. Ảnh: TL

Giải phóng phụ nữ gắn với công cuộc giải phóng thuộc địa

Ở điểm xuất phát, là một người dân thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc nhận thức sâu sắc rằng sự nghiệp giải phóng phụ nữ gắn liền với công cuộc giải phóng thuộc địa. Trong bài Phụ nữ An Nam và sự đô hộ của Pháp (Le Paria, ngày 01/08/1922), ông viết: “Chế độ thực dân, tự bản thân nó, đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi. Bạo lực đó, đem ra đối xử với trẻ em và phụ nữ, lại càng bỉ ổi hơn nữa. Thật là một sự mỉa mai đau đớn khi thấy rằng nền văn minh dưới nhiều hình thức khác nhau, như tự do, công lý… - được tượng trưng bằng hình ảnh một người đàn bà dịu hiền và được một hạng người nổi tiếng là hào hoa phong nhã ra sức điểm tô - lại đối xử một cách hết sức bỉ ổi với người đàn bà bằng xương bằng thịt và xúc phạm một cách vô liêm sỉ tới phong hoá, trinh tiết và đời sống của họ”.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh trao đổi với đại biểu phụ nữ các dân tộc thiểu số Tây Bắc năm 1959. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh trao đổi với đại biểu phụ nữ các dân tộc thiểu số Tây Bắc năm 1959. Ảnh tư liệu

Nhưng Hồ Chí Minh không chỉ đấu tranh giải phóng phụ nữ Việt Nam từ quan điểm người Việt, mà luôn đấu tranh giải phóng phụ nữ nói chung, từ quan điểm nhân loại. Trong Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), ông tố cáo án những hành vi bạo ngược của chính quyền thực dân đối với phụ nữ ở nhiều quốc gia. Ở Algérie, đám lính của chính quyền thực dân, vì không tìm được một người bị chúng kết án tù, bèn tập trung 35 phụ nữ họ hàng của anh ta, nhỏ nhất là 12 hai tuổi, già nhất là 70 tuổi. “Dưới con mắt bao dung của viên quan hai và của viên quan cai trị vừa đến, mỗi tên lính vồ lấy một phụ nữ. Các hào mục, các người cầm đầu các tổ chức từ thiện trong làng cũng bắt buộc phải đứng xem cảnh ấy”.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu phụ nữ các dân tộc thiểu số. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu phụ nữ các dân tộc thiểu số. Ảnh tư liệu

Một cảnh khác ở châu Phi, “Víchto Mêrích đã kể lại một hành vi bạo ngược không thể tưởng tượng được của một viên quan cai trị thuộc địa nọ: hắn đổ nhựa cao su vào âm hộ của một phụ nữ da đen. Sau đó hắn bắt chị ta đội một tảng đá to tướng đứng phơi nắng cho đến chết”.

Ở Martinique, nhà chức trách bắt tù một phụ nữ bị thương vào cả hai đùi tên là Luybanh chỉ vì không chịu chấp nhận công việc với đồng lương chết đói. “…một điều chắc chắn là người phụ nữ đáng thương đó đi không được, thế mà bọn cảnh binh vẫn cứ muốn giải chị đi bộ 32 kilômét đến chỗ ông dự thẩm.” Và ông lên án cách đám thực dân và tay sai của chúng lộng hành, xâm phạm những quyền thiêng liêng nhất của người phụ nữ: “Không phải chỉ có những cuộc khám nhà hàng loạt, liên tục, mà còn có những cuộc khám xét thân thể người bản xứ bất kể ở chỗ nào, bất kể là nam hay nữ. Nhân viên nhà đoan vào nhà người bản xứ, bắt đàn bà, con gái cởi hết áo quần trước mặt chúng, và khi họ đã trần truồng như nhộng thì chúng giở trò dâm đãng kỳ quặc đến mức đem cả con dấu nhà đoan đóng lên người họ”.

 Cuốn “Đường Kách mệnh” bản gốc được phong là Bảo vật Quốc gia năm 2012. Ảnh: Tư liệu

Cuốn “Đường Kách mệnh” bản gốc được phong là Bảo vật Quốc gia năm 2012. Ảnh: Tư liệu

Nữ quyền luận văn hóa

Không dừng ở đó, trong viễn kiến của Nguyễn Ái Quốc, sự nghiệp giải phóng phụ nữ còn có một chiều kích sâu xa hơn, đó là chiều kích văn hóa - xã hội của chế độ nam quyền đã trở thành thâm căn cố đế hàng ngàn năm ở hầu khắp các quốc gia. Trong bài Mục dành cho phụ nữ: về sự bất công (báo Thanh niên, số 40, năm 1926), dưới bút danh Mộng Liên, Nguyễn Ái Quốc viết: “Đại Đức Khổng Tử nói: Chồng phải dạy vợ. Đức Mạnh Tử lại lưu ý rằng: Đàn bà và trẻ con khó dạy bảo: nếu cho họ gần thì họ khinh nhờn; nếu bỏ mặc họ thì họ thù oán. Người Trung Quốc thường so sánh phụ nữ với con gà mái: ‘Gà mái gáy báo sáng là điềm gở cho cả gia đình’. Ở An Nam, chúng ta nói: Đàn bà phải quanh quẩn trong bếp. Trong xã hội và trong gia đình, người phụ nữ bị hạ thấp tột bậc và không được hưởng chút quyền gì. Hỡi chị em! Vì sao chị em lại phải chịu sự áp bức bất công này?”

Chúng tôi xin lưu ý bạn đọc hai điều.

Thứ nhất là bút danh Mộng Liên. Việc chọn một cái tên phụ nữ làm bút danh là cách để tác giả thể hiện sự đồng cảm, như muốn ngụ ý rằng “Đây là chuyện của chúng ta!”. Trong thư gửi Ban biên tập tạp chí Работница (Nữ công nhân) của Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc giải thích lý do chọn bút danh Loo Shing Yan: “…tôi gửi bài cho các đồng chí dưới hình thức ‘Những bức thư từ Trung Quốc’ và ký tên một phụ nữ. Tôi nghĩ rằng làm như vậy bài viết có tính chất độc đáo hơn và phong phú hơn đối với độc giả, đồng thời cũng đảm bảo giữ được tên thật của tôi”.

Thứ hai là thời điểm công bố bài báo. Đầu thế kỷ XX, phong trào nữ quyền trên thế giới còn rất phôi thai, chủ yếu tập trung đòi quyền bầu cử và quyền được trả lương bình đẳng (Đối tượng được bảo vệ khi đó cũng chủ yếu là phụ nữ da trắng. Phụ nữ Pháp đến 1944 mới có quyền bầu cử, còn quyền được trả lương bình đẳng thì đến nay vẫn chưa được đảm bảo triệt để). Vậy mà trong bài báo năm 1926, Nguyễn Ái Quốc đã bàn về sự bình đẳng văn hóa cho người phụ nữ nói chung, bất kể màu da, dân tộc, tôn giáo! Câu hỏi của ông, “Hỡi chị em! Vì sao chị em lại phải chịu sự áp bức bất công này?” sẽ được Simone de Beauvoir biểu đạt theo cách khác vào năm 1949: “Người ta không sinh ra là đàn bà: người ta trở thành đàn bà” (On ne naît pas femme : on le devient).

 10 Chính sách lớn của Việt Minh. Ảnh: Tư liệu

10 Chính sách lớn của Việt Minh. Ảnh: Tư liệu

Có thể nói, Nguyễn Ái Quốc là người chiến sĩ tiên phong của phong trào nữ quyền văn hoá, chủ đề mà ông còn trở lại nhiều lần. Năm 1952, trong bài Nam nữ bình quyền, ông viết: “Nhiều người lầm tưởng đó là một việc dễ, chỉ: hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát thế là bình đẳng bình quyền. Lầm to! Đó là một cuộc cách mạng khá to và khó. Vì trọng trai khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Vì nó ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội. Vì không thể dùng vũ lực mà tranh đấu […] Vũ lực của cuộc cách mạng này là sự tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, pháp luật. Phải cách mạng từng người, từng gia đình, đến toàn dân”.

Suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, Nguyễn Ái Quốc coi giải phóng phụ nữ là thước đo, đồng thời là động lực của cách mạng và tiến bộ xã hội. Ông viết trong tác phẩm Đường Kách mệnh (1927): “Ông Các Mác nói rằng: ‘Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi. Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà con gái, thì biết xã hội tấn bộ ra thế nào?’. Ông Lênin nói: ‘Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công’. Những lời ấy không phải câu nói lông bông. Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà con gái tham gia.’ […] An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công, mà nữ giới An Nam muốn cách mệnh thì phải theo Phụ nữ Quốc tế chỉ bảo”. Năm 1941, trong bài vè Mười chính sách của Việt Minh, ông viết: “Đàn bà cũng được tự do/ Bất phân nam nữ cũng cho bình quyền”.

Năm 1960, trong bài Phải thật sự tôn trọng quyền lợi của phụ nữ, Hồ Chí Minh còn đề cập đến bạo lực gia đình: “Luật Hôn nhân và gia đình, điều 1 nói: Nhà nước đảm bảo... nam nữ bình đẳng, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ... Điều 12 nói: Trong gia đình, vợ chồng đều bình đẳng về mọi mặt. Điều 3 nói: Cấm... đánh đập hoặc ngược đãi vợ. Thế nhưng hiện nay vẫn có những người chồng đối xử rất tệ với vợ, ngay ở Hà Nội ‘nghìn năm văn vật’ cũng vậy. Vài ví dụ: Ở Lương Yên (Hà Nội) trong 196 gia đình, thì có 26 người chồng thường đánh vợ bị thương. Ở khu Hai Bà Trưng, có người chỉ vì thức ăn không vừa ý, đã hất cả mâm cơm vào mặt vợ. Có người vợ ốm, chồng để mặc, không săn sóc trông nom. Ở xã Quảng Lưu (Thanh Hóa), có người nhét tro vào miệng vợ và đánh vợ què tay. Có người cạo trọc đầu và lột hết áo quần vợ, rồi giong vợ đi bêu khắp thôn xóm […] Những cử chỉ tàn nhẫn dã man như vậy vừa là phạm pháp luật nhà nước, vừa trái với tình nghĩa vợ chồng”.

Thật thời sự: bạo lực gia đình vẫn còn là vấn đề nhức nhối đến tận ngày nay.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Hồ Chí Minh và nữ quyền luận văn hóa tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713996681 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713996681 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10