Kế hoạch dài hơi cho doanh nghiệp trước nguy cơ suy thoái toàn cầu

Diendandoanhnghiep.vn Theo TS. Vũ Đình Ánh, suy thoái kinh tế toàn cầu sắp diễn ra, các doanh nghiệp nên tránh phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài để chủ động giá cả, hơn là đối phó với các biến động của thế giới.

>> Linh hoạt chính sách tiền tệ thích ứng với cú sốc từ bên ngoài

Nhiều thách thức lớn

Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý 3/2022 của Việt Nam ước tính tăng khá cao ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước, bình quân GDP 9 tháng đầu năm tăng 8,83%, đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011 đến nay.

Chính sách tiền tệ đã phát đi tín hiệu “thời kỳ vốn giá rẻ đã chấm dứt” và chúng ta buộc phải áp dụng một số biện pháp về tăng lãi suất, kể cả lãi suất huy động, lãi suất cho vay (ảnh: Quốc Tuấn)

Chính sách tiền tệ đã phát đi tín hiệu “thời kỳ vốn giá rẻ đã chấm dứt” và chúng ta buộc phải áp dụng một số biện pháp về tăng lãi suất, kể cả lãi suất huy động, lãi suất cho vay (ảnh: Quốc Tuấn)

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế đánh giá, mức tăng trưởng này là rất cao. Trong quá trình quan sát nền kinh tế Việt Nam, vị chuyên gia nhận xét, năm chúng ta tăng trưởng cao nhất là 1995 với mức 9,5%. Kể từ đó đến nay, chúng ta vẫn chưa lập lại kỷ lục này, còn tăng trưởng theo quý cũng chưa bao giờ thấy có mức tăng trưởng hai con số như mốc 13,67% trong quý 3/2022.

Tuy nhiên, con số này cũng hoàn toàn hợp lý vì quý 3/2021, Việt Nam chịu tác động của COVID-19 và các biện pháp phong tỏa, kinh tế Việt Nam thời điểm đó không những không tăng mà còn sụt giảm gần 7%, vì thế trên nền thấp của năm trước thì quý 3 năm nay tăng trở lại với tốc độ 7 - 8% là không quá cao. Quan trọng nhất là nếu tính chung cả 9 tháng, thì con số 8,83% hoàn toàn giúp chúng ta thấy, khả năng phục hồi về kinh tế với tốc độ cao, tạo ra triển vọng về tăng trưởng và quay trở lại thời kỳ đã từng tăng trưởng 8 - 9% cho cả năm.

Tuy nhiên trong thời gian tới, Việt Nam có thể thấy một số thách thức đó là hiện nay, độ mở của nền kinh tế của Việt Nam rất lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu xấp xỉ gần 200% - thuộc loại cao hàng đầu trên thế giới ở những nước có quy mô dân số và quy mô về GDP tương tự Việt Nam.

Bên cạnh đó là đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng góp trên dưới 1/4 tổng vốn đầu tư toàn xã hội và đóng góp trên dưới 1/5 GDP của Việt Nam. Nói cách khác, đây là một bộ phận rất quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, chưa kể họ chiếm tỷ trọng áp đảo trong sản lượng của công nghiệp chế biến chế tạo, hay đi đầu chiếm vị trí quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu.

Trong khi những biến động trên thế giới đang được dự báo liên quan đến vấn đề về lạm phát toàn cầu, sẽ tác động đến Việt Nam cả về vấn đề tăng trưởng, lạm phát và hàng loạt những vấn đề có thể phát sinh trong chính sách mà chúng ta phải ứng phó.

“Đáng chú ý, dự báo suy thoái kinh tế toàn cầu đang ngày càng trở thành hiện thực. Có một số thông tin cho rằng, xác suất xảy ra suy thoái toàn cầu đã tăng lên trên 90%, thậm chí có những dự báo có thể lên tới 98%, đồng nghĩa với việc chắc chắn sẽ xảy ra suy thoái toàn cầu, nhưng câu hỏi là khi nào sẽ xảy ra?

Liên hợp quốc đã phát đi cảnh báo, thế giới đang tiến tới một cuộc suy thoái và tình trạng trì trệ kéo dài nếu chúng ta không nhanh chóng thay đổi chính sách thắt chặt tiền tệ và tài khóa hiện tại ở các nền kinh tế phát triển. Hồi chuông cảnh báo đang rung lên, đặc biệt là với các nước đang phát triển. Đây là những quốc gia đang tiến gần đến bờ vực vỡ nợ.

Một vấn đề vẫn luôn nóng hiện nay là áp lực lạm phát khiến các nước trên thế giới tăng lãi suất cơ bản, hàng loạt đồng tiền của các nước đang bị mất giá so với đồng đô la Mỹ. Chỉ số US Dollar Index (DXY)  chưa bao giờ tăng cao như vậy và có thể gây ra những xáo trộn về dòng vốn trên toàn cầu, cũng như thay đổi về trật tự trên thị trường tài chính tiền tệ thế giới trong thời gian tới, gắn với bối cảnh lạm phát và suy thoái.

Như vậy, chúng ta sẽ phải đối mặt với thách thức điều hành chính sách để duy trì mức độ tăng trưởng cao, giữ lạm phát thấp như mong muốn và đối phó với các biến động toàn cầu tác động tới nền kinh tế Việt Nam. Để giúp chúng ta không bị cuốn vào vòng xoáy lạm phát toàn cầu và cũng không sa vào bẫy suy thoái mà kinh tế thế giới có thể phải đối mặt trong cuối năm 2022 sang cả năm 2023 tới đây”, TS. Vũ Đình Ánh phân tích.

>> Linh hoạt công cụ điều hành chính sách tiền tệ

Doanh nghiệp ứng phó sao?

Gần đây, lãi suất huy động tăng cao tạo áp lực lãi vay, chi phí tài chính của doanh nghiệp. Câu chuyện này sẽ ảnh hưởng ra sao đến các doanh nghiệp Việt Nam, khi họ chuẩn bị bước vào mùa cao điểm cuối năm?

Đối với các doanh nghiệp, chi phí vốn thông qua lãi suất sẽ tăng lên, vì vậy, có thể họ phải điều chỉnh để đưa phần tăng chi phí này vào giá thành sản phẩm (ảnh: Quốc Tuấn)

Đối với các doanh nghiệp, chi phí vốn thông qua lãi suất sẽ tăng lên, vì vậy, có thể họ phải điều chỉnh để đưa phần tăng chi phí này vào giá thành sản phẩm (ảnh: Quốc Tuấn)

Về vấn đề này, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, vào cuối năm, chúng ta sẽ tăng tốc các hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm cả xuất nhập khẩu cũng như phục vụ cho thị trường trong nước, để chuẩn bị hàng hóa cho mùa lễ Tết. Đây là một chu kỳ khá bình thường, việc lãi suất cho vay tăng có thể tác động trực tiếp tới khả năng mở rộng phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý cuối năm 2022 và rất có thể sẽ tác động đến cả kế hoạch của doanh nghiệp trong năm 2023.

Hiện nay, chính sách tiền tệ đã phát đi tín hiệu “thời kỳ vốn giá rẻ đã chấm dứt” và chúng ta buộc phải áp dụng một số biện pháp về tăng lãi suất, kể cả lãi suất huy động, lãi suất cho vay, kết hợp giữa điều chỉnh lãi suất còn điều chỉnh về tỷ giá hối đoái để đối phó với vấn đề lạm phát toàn cầu, hay hàng loạt các nước phát triển trên thế giới như Mỹ, EU đang tăng mạnh lãi suất.

Vị chuyên gia cho rằng, đối với bản thân các doanh nghiệp, chi phí vốn thông qua lãi suất sẽ tăng lên, vì vậy, có thể họ phải điều chỉnh để đưa phần tăng chi phí này vào giá thành sản phẩm. Đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp mới phục hồi, các thị trường cũng mới trở lại sau những tác động nặng nề của dịch bệnh.

Có một số vấn đề lớn cần quan tâm đó là: Thứ nhất, chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đã liên tục tăng trong suốt cả năm 2020-2021. Bởi hai năm này thế giới cũng đã xảy ra lạm phát, do tác động trực tiếp của các gói kích thích kinh tế từ việc bơm tiền hỗ trợ nền kinh tế đối phó với đại dịch.

Lạm phát đã phản ánh vào Việt Nam, bằng chứng là chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá xuất khẩu và chỉ số giá nhập khẩu đã tăng đều đặn mỗi năm khoảng trên dưới 7%, có một số chỉ số còn tăng trên 10% một năm. Như vậy, biến động chi phí đầu vào sẽ lần lượt được phân bổ vào trong chi phí đầu ra, tạo ra áp lực về tăng giá của các doanh nghiệp.

Thứ hai, xăng dầu và dầu thô trong thời điểm 6 tháng đầu năm 2022 đã tăng kỷ lục, theo thống kê cho thấy, giá xăng dầu tại Việt Nam tăng trên 53% là mức rất cao. Vào những ngày đầu của tháng 10, các nước trong khối OPEC+ lại quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu một ngày. Trong bối cảnh giá nguyên nhiên vật liệu tăng, chịu tác động đa chiều, cùng những biến động, những quyết định bất ngờ,... sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nhiều nguyên vật liệu phụ thuộc nước ngoài, chắc chắn sẽ gặp khó trong thiết kế kế hoạch sản xuất kinh doanh, cũng như ứng phó với các biến động khó lường.

“Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp cần phải quan tâm, nếu được, chúng ta có thể quay trở về nguồn nguyên nhiên vật liệu trong nước, chủ động về giá để hỗ trợ tốt hơn không chỉ cho ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát mà với bản thân các doanh nghiệp, họ sẽ có kế hoạch dài hơi hơn, ổn định hơn, lợi ích cũng rõ rệt hơn rất nhiều so với việc đối phó với các biến động của nền kinh tế thế giới”, vị chuyên gia khuyến nghị.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Kế hoạch dài hơi cho doanh nghiệp trước nguy cơ suy thoái toàn cầu tại chuyên mục DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714074547 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714074547 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10