Kinh tế thế giới

Kinh tế Mỹ đối mặt nguy cơ đình lạm

Trương Khắc Trà 17/05/2025 11:03

Các quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã đưa ra nhiều dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đình lạm tại nền kinh tế Mỹ.

kim ngach 2
Phần lớn giá trị xuất khẩu có hàm lượng kỹ thuật cao vẫn do khối FDI nắm giữ, trong khi các ngành truyền thống đang dần mất lợi thế cạnh tranh do chi phí tăng, quy định kỹ thuật siết chặt và thiếu đầu tư đổi mới công nghệ. Nguồn: FiinGroup

Nếu kinh tế Mỹ rơi vào tình trạng đình lạm không những khiến FED tiến thoái lưỡng nan trong điều hành chính sách tiền tệ, mà còn tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Nguyên nhân do đâu?

Sau cuộc họp chính sách của FED, làn sóng lo ngại nguy cơ đình lạm đã lan rộng trong giới quan chức tài chính Mỹ. Ông Jerome Powell, Chủ tịch FED đã phát biểu rất thẳng thắn về tác động từ chính sách thuế quan của chính quyền Trump, rằng “lạm phát rõ hơn, tăng trưởng kinh tế chậm hơn và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn có nguy cơ dẫn tới nguy cơ đình lạm”.

Thống đốc FED Michael Barr và Chủ tịch FED New York John Williams đã cảnh báo rằng các mức thuế mới do Tổng thống Donald Trump đề xuất có thể đẩy lạm phát tăng cao, làm gia tăng thất nghiệp và khiến đà tăng trưởng kinh tế chững lại trong năm nay.

Trong bối cảnh lạm phát ổn định trong mục tiêu cho phép, nhiều ngân hàng trung ương đã và có kế hoạch tiếp tục cắt giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thế nhưng, FED đã không làm điều này kể từ tháng 12/2024 do lo ngại kinh tế Mỹ bị đình lạm.

Cụ thể, kinh tế Mỹ tăng trưởng âm 0,3% trong quý 1/2025, lạm phát hiện tại 2,39% và có chiều hướng gia tăng. Điều này khiến FED đối mặt với một thế tiến thoái lưỡng nan: tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát có nguy cơ kìm hãm tăng trưởng hơn nữa, trong khi cắt giảm lãi suất có thể làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát.

Kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy, cú sốc về nguồn cung hàng hóa thường dẫn đến đình lạm. Trong giai đoạn này là tình trạng “đóng băng” các dòng chảy thương mại chủ đạo đến Mỹ. Vì mức thuế mà ông Trump áp dụng với Trung Quốc, Canada, Mexico, EU và hàng chục đối tác quan trọng khác về cơ bản chấm dứt hoạt động lưu thông hàng hóa.

Các lô hàng của Trung Quốc xuất sang Mỹ vào tháng 4 đã giảm hơn 21% so với cùng kỳ năm ngoái; nguồn cung dầu từ Canada bị cắt khiến giá năng lượng tại Mỹ tăng mạnh. Hàng loạt mặt hàng khác đều tăng giá kể từ sau ngày 2/4. Ví dụ, một chiếc túi tote Louis Vuitton Neverfull cỡ trung có giá 2.130 USD vào ngày 10/5, đắt hơn 100 USD so với ngày 16/4.

Nguy cơ đình lạm cũng khiến chính quyền Trump quan ngại khi họ tích cực đàm phán với các đối tác. Trong cuộc đàm phán vừa qua, Mỹ nhất trí tạm thời hạ thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống còn 30%, trong khi Trung Quốc sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu hàng hóa Mỹ từ 125% xuống còn 10% trong 90 ngày. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, các vòng đàm phán tiếp theo của hai quốc gia này sẽ còn nhiều thách thức do họ có nhiều bất đồng.

Ông Brett House, Giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh Columbia, cho biết: “Chính sách thuế quan của Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Donald Trump chắc chắn đã làm tăng nguy cơ lạm phát cao hơn và tăng trưởng thấp hơn, có nguy cơ đẩy kinh tế Mỹ rơi vào tình trạng đình lạm nếu ông Trump tiếp tục cứng rắn trong cuộc chiến thuế quan”.

kinh te my
Kinh tế Mỹ đã tăng trưởng âm 0,3% trong quý I/2025.

Ứng phó thách thức

Mặc dù có những nghiên cứu mới chỉ ra rằng hiện nay kinh tế Mỹ có khả năng “chống sốc” tốt hơn so với thập niên 70, nhưng ông Brett House cho rằng tình trạng đình lạm không nhất thiết đi kèm với suy thoái chính thức. Thay vào đó, nó có thể là sự tăng trưởng chậm lại hoặc trì trệ.

Xét về lý thuyết đã được tổng kết từ thực tiễn, tình trạng đình lạm là sự xuất hiện cùng lúc 3 vấn đề: tăng trưởng kinh tế chậm, lạm phát cao và tỷ lệ thất nghiệp cao. Những tác động tiêu cực bao gồm giá cả hàng hóa và dịch vụ cao hơn, việc làm không ổn định, khó khăn trong việc tiết kiệm và mức sống giảm sút. Ngoài ra, bất ổn đầu tư, gián đoạn chuỗi cung ứng, nợ chính phủ tăng.

Ông Greg Daco, Chuyên gia kinh tế trưởng tại EY Parthenon, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia (Mỹ), cho biết: “Đây là rủi ro rõ rệt hơn bất kỳ thời điểm nào trong 40 năm qua”.
Nếu đình lạm xảy ra cùng lúc với môi trường thương mại chưa được “tháo ngòi nổ”, sẽ gây áp lực rất lớn cho kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu như Việt Nam. Dẫu vậy, bản chất của đình lạm hiện nay chủ yếu do thuế quan từ Mỹ, đây là “nút thắt” và cũng là “lối ra”.

Kỳ vọng đàm phán thương mại Việt Nam - Mỹ đạt được kết quả tích cực thì hàng hóa Việt Nam vẫn duy trì được thị trường lớn, thậm chí Việt Nam có cơ hội mở rộng xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ để khỏa lấp thiếu hụt.

Trong bối cảnh chờ kết quả đàm phán thương mại Việt – Mỹ, nhiều chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu cần tăng cường xuất khẩu thông qua việc đầu tư góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh tổng thể của các ngành công nghiệp quan trọng... Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng cần thúc đẩy phục hồi sản xuất, kinh doanh và đa dạng hoá chuỗi cung ứng, giảm phụ thuộc các nguồn nguyên liệu thô và hàng hoá trung gian tập trung một thị trường, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa giá trị gia tăng trong nước nhằm tránh các cú sốc bên ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kinh tế Mỹ đối mặt nguy cơ đình lạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO