Khắc phục bất cập của thị trường xăng dầu: Có nên sử dụng công cụ bảo hiểm giá?

GIA NGUYỄN 29/06/2024 04:00

Để thực hiện cơ chế thị trường đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, Nhà nước điều tiết thông qua các công cụ thị trường, theo chuyên gia, cần đưa bảo hiểm giá vào Nghị định kinh doanh xăng dầu…

>> Khắc phục bất cập của thị trường xăng dầu: Nên thành lập sàn kinh doanh

Theo đó, mục tiêu lớn được đặt ra trong lần xây dựng Nghị định mới về xăng dầu lần này dựa trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu tiêu thụ nội địa; giảm sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh xăng dầu, xây dựng môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, hài hòa lợi ích các bên, đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia.

Tuy nhiên, qua các đợt lấy ý kiến, các đề xuất tại Dự thảo Nghị định mới tiếp tục nhận về những ý kiến trái, trong đó, không ít ý kiến cho hay, nhiều nội dung của Dự thảo chưa giải quyết được bất cập hiện nay của thị trường, chưa đảm bảo tính cạnh tranh,… đặc biệt, là giải pháp giúp thị trường trong nước tránh những biến động của giá dầu thế giới.

Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu được cho vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế - Ảnh minh họa: ITN

Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu được cho vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế chưa tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển - Ảnh minh họa: ITN

Theo dự báo của các chuyên gia, nhìn chung xu hướng thị trường dầu thô xăng dầu trong năm 2024 sẽ có khá nhiều biến động, những rủi ro tiềm ẩn như căng thẳng chính trị giữa Nga – Ukraine vẫn tiếp diễn, xung đột tại dải Gaza có thể tạo nguồn cơn cho các cuộc chiến khác tại khu vực Trung Đông, nơi mà bất cứ cuộc xung đột nào cũng có thể tạo ra các cú sốc về giá trên thị trường dầu thô, xăng dầu. Thực tế hiện nay cho thấy, giá dầu thế giới một lần nữa bật tăng trở lại khi căng thẳng tại khu vực Trung Đông đang có dấu hiệu leo thang.

Theo số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá dầu biến động mạnh trong 5 tháng đầu năm khiến dầu thô WTI là mặt hàng có khối lượng giao dịch đứng thứ hai tại Việt Nam, chiếm 12,35% tổng khối lượng giao dịch. Đứng thứ tư là dầu WTI micro, chiếm 10,44% tổng khối lượng giao dịch.

Trước những diễn biến thực tế của thị trường quốc tế, từ tính tất yếu của xu hướng giao dịch trong tương lai, nhiều ý kiến cho rằng, chính sách về kinh doanh xăng dầu cần được xây dựng theo hướng thương nhân kinh doanh xăng dầu được quyền áp dụng các công cụ, nghiệp vụ phái sinh thông qua Sở Giao dịch hàng hóa ở Việt Nam để bảo hiểm giá khi tham gia hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Thực tế, khoản 6 Điều 9 Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 về Quyền và Nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu có quy định: “Được áp dụng các công cụ, nghiệp vụ phái sinh phù hợp với thông lệ quốc tế để giao dịch, mua bán xăng dầu”. Tuy nhiên, đến Nghị định 95/2021/NĐ-CP đã bãi bỏ quy định này và tại Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, việc sử dụng công cụ bảo hiểm giá tiếp tục không được đề cập.

>> Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Vẫn “nóng” vấn đề cân bằng lợi ích

để ứng phó, phòng ngừa rủi ro biến động về giá trong kinh doanh xăng dầu, nhiều ý kiến cho rằng, cần đưa công cụ bảo hiểm giá vào Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu - Ảnh minh họa: ITN

Để ứng phó, phòng ngừa rủi ro biến động về giá trong kinh doanh xăng dầu, nhiều ý kiến cho rằng, cần đưa công cụ bảo hiểm giá vào Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu - Ảnh minh họa: ITN

Trước hiện trạng đã nêu, để ứng phó, phòng ngừa rủi ro biến động về giá trong kinh doanh xăng dầu, nhiều ý kiến cho rằng, cần đưa công cụ bảo hiểm giá vào Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu.

Theo ông Trịnh Quang Khanh – Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, việc sử dụng các công cụ, nghiệp vụ phái sinh sẽ phòng ngừa rủi ro biến động giá xăng dầu trên thị trường quốc tế và thị trường trong nước. Và trên thế giới, việc sử dụng công cụ, nghiệp vụ phái sinh để bảo hiểm rủi ro cho giá hàng hóa đã diễn ra từ rất lâu và sôi động tại hầu hết các quốc gia phát triển.

Sự kiện giá dầu biến động thời điểm đầu tháng 12/2021 là một trong số những minh chứng thực tế cho điều này. Thời điểm đó, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã thực hiện nghiệp vụ bảo hiểm giá bằng các Hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn, Hợp đồng quyền chọn ở vùng giá 65 - 70 USD/thùng, nhờ đó tiết kiệm được 40-50% chi phí giá vốn so với việc không thực hiện bảo hiểm giá…

“Diễn biến của thị trường đã khẳng định vai trò quan trọng của các công cụ, nghiệp vụ phái sinh trong phòng ngừa rủi ro biến động giá đối với mặt hàng xăng dầu. Chủ động bảo hiểm giá xăng dầu thông qua việc sử dụng các công cụ, nghiệp vụ phái sinh giúp hạn chế những khó khăn, thua lỗ cho các thương nhân, góp phần bình ổn thị trường xăng dầu trước những biến động bất thường”, ông Khanh chia sẻ.

Cũng theo ông Khanh, trên cơ sở quy định của Luật Thương mại năm 2005 về các công cụ phái sinh được giao dịch trên Sở Giao dịch hàng hóa ở Việt Nam (bao gồm Hợp đồng kỳ hạn và Hợp đồng quyền chọn), quyền sử dụng công cụ, nghiệp vụ phái sinh của các thương nhân kinh doanh xăng dầu đã được luật hóa vào các văn bản dưới Luật; khẳng định quyền kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời duy trì sự quản lý, điều tiết thị trường của nhà nước đối với mặt hàng kinh doanh có điều kiện này.

"Với mục tiêu thực hiện cơ chế thị trường đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, Nhà nước điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường (thuế, phí, các quỹ…), theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị khóa X về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, quyền áp dụng các công cụ, nghiệp vụ phái sinh thông qua Sở Giao dịch hàng hóa nên được đưa vào Dự thảo bởi sự phù hợp với quan điểm xây dựng pháp luật. Đồng thời, giúp hỗ trợ việc kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành, mang lại hiệu quả và lợi ích kinh tế cao nhất cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu", ông Khanh bày tỏ.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long cũng cho hay, trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới đang trải qua giai đoạn biến động mạnh, công cụ bảo hiểm giá thông qua Sở Giao dịch hàng hóa được xem là “chìa khóa” giảm thiểu rủi ro đối với ngành xăng dầu. Vì vậy, cần có quy định rõ ràng, đưa vào Nghị định để doanh nghiệp có thể sử dụng được công cụ này.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần thành lập sàn giao dịch xăng dầu và tôn trọng quyền tự chủ kinh doanh

    Cần thành lập sàn giao dịch xăng dầu và tôn trọng quyền tự chủ kinh doanh

    14:02, 13/06/2024

  • Khắc phục bất cập của thị trường xăng dầu: Nên thành lập sàn kinh doanh

    Khắc phục bất cập của thị trường xăng dầu: Nên thành lập sàn kinh doanh

    05:00, 13/06/2024

  • Muốn triệt tiêu trung gian phải lập sàn kinh doanh xăng dầu

    Muốn triệt tiêu trung gian phải lập sàn kinh doanh xăng dầu

    14:20, 10/06/2024

  • “Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang có vị thế không bình đẳng”

    “Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang có vị thế không bình đẳng”

    00:30, 10/06/2024

  • ĐIỂM BÁO NGÀY 7/6: Quy định mới về kinh doanh xăng dầu

    ĐIỂM BÁO NGÀY 7/6: Quy định mới về kinh doanh xăng dầu

    04:18, 07/06/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khắc phục bất cập của thị trường xăng dầu: Có nên sử dụng công cụ bảo hiểm giá?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO