Khởi đầu nhỏ, tư duy lớn

Theo Entrepreneur 24/09/2018 07:26

Bạn có thể miêu tả lộ trình sản phẩm từ mức độ nhỏ đến lớn. Chẳng hạn, lấy trường hợp bạn sắp ra mắt một dòng sản phẩm rau củ tự nhiên đóng hộp.

Một số doanh nhân khởi nghiệp rất giỏi truyền đạt một tầm nhìn lớn về công ty của họ, trong khi những người khác thì giỏi tìm một thị trường phù hợp để bắt đầu. Nhưng những doanh nhân giỏi và thành công nhất là người có thể dò tìm đúng sự cân bằng giữa tầm nhìn lớn – một doanh nghiệp ở phiên bản 5.0 và điểm khởi đầu có thể tạo đà tăng trưởng mạnh – doanh nghiệp ở phiên bản 1.0.

Dù cho nhà đầu tư, khách hàng và đối tác chiến lược muốn biết rằng họ đang liên quan với điều gì đó thật ấn tượng, nhưng những ý tưởng lớn không làm cho một doanh nghiệp cất cánh và bay cao. Vì thế, người nhìn xa trông rộng cũng cần phải là “bậc thầy trong thực hành”. Họ là những người hiểu cách làm, cách thử nghiệm, cách sửa chữa một sản phẩm, tạo được doanh thu và vạch ra lộ trình tăng trưởng hợp lý cho doanh nghiệp.

Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1997, Jeff Bezos, nhà sáng lập của Amazon thảo luận về việc startup của ông đang tập trung bán sách trên internet và tại sao mô hình kinh doanh thương mại điện tử này lại là lý tưởng cho một chủng loại sản phẩm với hàng triệu tựa sách. Một năm sau đó, tờ New York Times đưa tin “Amazon.com đang mở rộng ra khỏi mảng sách”. Và hai mươi năm sau, số liệu phân tích dự đoán rằng đế chế khổng lồ của Bezos sẽ chiếm gần 10% toàn bộ doanh số bán lẻ ở Mỹ cho đến năm 2020. Amazon đã khởi đầu với một kế hoạch rất tập trung, trở nên xuất sắc trong lĩnh vực đó và chỉ khi đó mới mở rộng xa hơn từ nền tảng đã có.

Netflix cũng có cùng cách tiếp cận. Ra đời vào năm 1997, Netflix tập trung vào cho thuê băng VHS và DVD trên kênh trực tuyến bằng cách chuyển băng đĩa đến khách hàng và khách hàng chuyển trả lại qua đường bưu điện. Đến năm 2009, Netflix sở hữu 100.000 tựa đề DVD. Sau đó, công ty này đã mở rộng mô hình kinh doanh bao gồm dịch vụ truyền dữ liệu video theo yêu cầu và sản xuất nội dung gốc. Trong quá trình đó, Netflix đã tăng lượng đăng ký dịch vụ lên 40% mỗi năm, từ 700.000 vào năm 2002 lên 117 triệu vào năm 2017.

Vậy bằng cách nào để có thể ứng dụng cách tiếp cận này vào chính công ty startup của bạn? Trong quyển The Launch Lens: 20 Questions Every Entrepreneur Should Ask (20 câu hỏi mà mọi nhà khởi nghiệp nên đặt ra), tác giả Jim Price vạch ra một số cách thức mà các doanh nhân khởi nghiệp có thể cân nhắc:

  • Xây dựng một lộ trình sơ bộ cho sản phẩm của công ty.
  • Bắt đầu bằng cách miêu tả “tầm nhìn lớn” của bạn – hãy gọi đây là phiên bản 5.0.
  • Sau đó, lùi lại từ tầm nhìn lớn để miêu tả sản phẩm trong lần ra mắt đầu tiên – phiên bản 1.0.

Sau cùng, tiếp tục lùi lại để miêu tả sản phẩm khả thi tối thiểu hay MVP (Minimum Viable Product) – phiên bản mà bạn có thể tạo ra nhanh chóng để kiểm nghiệm sản phẩm/dịch vụ đó với ít công sức và nguồn lực nhất.

Bạn có thể miêu tả lộ trình sản phẩm từ mức độ nhỏ đến lớn. Chẳng hạn, lấy trường hợp bạn sắp ra mắt một dòng sản phẩm rau củ tự nhiên đóng hộp. Lộ trình của bạn có thể bao gồm cả sản phẩm và các yếu tố kinh doanh khác: sản phẩm (chẳng hạn bắt đầu với cà rốt ngâm chua và cuối cùng mở rộng thành một gia đình sản phẩm với những loại rau củ và gia vị khác nhau; bao bì (bắt đầu chỉ với một loại hũ đựng cùng kích thước và dần bổ sung những kích thước khác); kênh phân phối (chẳng hạn bắt đầu ở chợ, rồi bán hàng trên mạng và mở rộng đến kênh cửa hàng tiện lợi, siêu thị trong thành phố và sau cùng là phân phối toàn quốc); và có lẽ sẽ tìm đối tác phân phối và bán hàng.

Còn nếu bạn đang phát triển một phần mềm dịch vụ B2B cho lĩnh vực quản lý quan hệ khách hàng (CRM), con đường tăng trưởng của sản phẩm có thể được miêu tả theo tính năng (chẳng hạn sẽ bắt đầu với những tính năng đang có nhu cầu cao nhất); theo ngôn ngữ (ví dụ bắt đầu bằng tiếng Anh và sau đó mở rộng sang các ngôn ngữ khác); theo thị trường (chẳng hạn tập trung vào ngành sản xuất và sau cùng mở rộng đến các ngành dịch vụ…); theo ứng dụng (có thể khởi đầu từ ứng dụng chạy trên nền web và sau đó bao gồm ứng dụng di động); và khả năng tích hợp với hệ thống của đối tác thứ ba.

Và lời sau cùng dành cho các doanh nhân khởi nghiệp: Đừng cố đun nóng cả đại dương, trước tiên hãy đun nóng một bình nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khởi đầu nhỏ, tư duy lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO