Khu thương mại tự do gắn với cảng Liên Chiểu không chỉ giải bài toán logistics cho Đà Nẵng mà còn mở ra cơ hội lớn để định vị thành phố là trung tâm giao thương, logistics và tài chính của miền Trung.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Bắc Bình – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng kỳ vọng Khu thương mại tự do (Khu TMTD) sẽ là động lực kéo cộng đồng doanh nghiệp địa phương “cất cánh”.
Động lực lớn nhất chính là nguồn hàng. Khi Khu TMTD đi vào vận hành, hàng hóa từ các đối tác nước ngoài sẽ đổ về, tạo nên dòng chảy thương mại mạnh mẽ. Điều này không chỉ giúp cảng Liên Chiểu có điều kiện khai thác hiệu quả, mà còn thúc đẩy hệ sinh thái logistics Đà Nẵng phát triển toàn diện.
Hiện nay, một thách thức lớn của cảng Liên Chiểu là thiếu nguồn hàng đầu vào đủ lớn. Trong khi đó, sức mua nội địa của khu vực vẫn còn hạn chế, chưa tạo ra áp lực hàng hóa đủ để khai thác tối ưu hạ tầng cảng biển. Vì vậy, Khu TMTD sẽ đóng vai trò như “bơm trợ lực”, kích hoạt toàn bộ chuỗi logistics, vận tải, kho bãi, dịch vụ phụ trợ và công nghiệp hậu cần phát triển theo.
Đồng thời, Khu TMTD sẽ tạo ra dòng tiền mới, dòng vốn mới. Khi hàng hóa nhập – xuất liên tục, chuỗi giá trị sản xuất – phân phối sẽ hình thành. Kinh tế địa phương từ đó được tiếp sức mạnh mẽ. Cơ hội không chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn, mà cả doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp nếu biết chuyển mình kịp thời.
Câu chuyện hạ tầng là một bài toán tổng hợp. Trước hết là quy hoạch đất đai. Rất may là hiện tại, Đà Nẵng còn quỹ đất sạch, đặc biệt ở khu vực phía Nam – vốn được đánh giá là vùng đất “vàng” để phát triển các trung tâm logistics, thương mại, công nghiệp nhẹ. Việc sáp nhập hành chính với Quảng Nam càng tạo ra không gian phát triển rộng mở hơn.
Thứ hai, về nguồn lực con người – đây là điểm sáng. Đà Nẵng vốn là trung tâm giáo dục, công nghệ của miền Trung. Lực lượng sinh viên chất lượng cao đang chọn ở lại thành phố làm việc, góp phần hình thành một tầng lớp trí thức trẻ năng động, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mới của thị trường lao động. Đây là yếu tố quan trọng để triển khai các mô hình quản trị, vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ ba, về mặt quy hoạch tổng thể, Đà Nẵng đang định hướng trở thành trung tâm tài chính, đổi mới sáng tạo và dịch vụ chất lượng cao. Việc có thêm một Khu TMTD chính là mảnh ghép còn thiếu để thành phố tạo lập vai trò “hub” giao thương của khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Nhìn rộng ra, không nhiều đô thị có được cơ hội cùng lúc phát triển cảng biển quốc tế, Khu TMTD và trung tâm tài chính. Đây là “bàn đạp thể chế” quan trọng. Nếu được triển khai đồng bộ, Đà Nẵng sẽ thực sự bứt phá.
Trước tiên, doanh nghiệp phải chủ động thay đổi. Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới – nơi tốc độ thích ứng quyết định sự sống còn. Tôi đề xuất 3 nhóm hành động:
Thứ nhất, tái cấu trúc mô hình kinh doanh: Cần rà soát lại toàn bộ chuỗi cung ứng, kênh phân phối, quản trị tài chính và chiến lược đầu tư. Những doanh nghiệp còn vận hành theo mô hình cũ sẽ khó bắt nhịp với các yêu cầu mới về tốc độ, minh bạch và tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ hai, đầu tư vào công nghệ và chuyển đổi số: Từ hệ thống quản trị nội bộ, phần mềm ERP, CRM, đến ứng dụng AI, dữ liệu lớn… đều phải được cập nhật. Doanh nghiệp không thể chậm chân trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.
Thứ ba, nâng cấp nguồn nhân lực: Không có công nghệ nào phát huy hiệu quả nếu con người không thay đổi. Doanh nghiệp cần chú trọng đào tạo, đặc biệt là nhóm kỹ năng số, ngoại ngữ, tư duy hệ thống và khả năng phản ứng nhanh với thị trường.
Ngoài ra, tôi muốn nhấn mạnh vai trò của tính minh bạch trong tài chính. Một khi doanh nghiệp muốn tiếp cận vốn, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thì không thể giữ cách làm ăn “gia đình”. Phải công khai, phải chuẩn mực, phải chuyên nghiệp. Đây là điều kiện tiên quyết.
Bên cạnh việc thay đổi từ bên trong, doanh nghiệp cần liên kết theo ngành hàng, theo chuỗi để cùng nhau nâng cao năng lực cạnh tranh. Những mô hình cụm liên kết ngành, cụm đổi mới sáng tạo, trung tâm logistics dùng chung... cần được thúc đẩy mạnh mẽ, có sự dẫn dắt chính sách từ địa phương và sự chủ động tham gia từ doanh nghiệp.