Muốn tạo ra giá trị gia tăng và bứt ra khỏi yếu tố “giá rẻ”, Việt Nam cần thúc đẩy tính sáng tạo xung quanh các sản phẩm đã là thế mạnh của quốc gia.
>>Lãnh đạo nữ trước áp lực định kiến giới
Doanh nhân Trần Tuệ Tri, Tổng giám đốc Pharmacity, chuyên gia về thương hiệu của Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Bà Tri băn khoăn: Chúng ta có một nền văn hóa, lịch sử rất lâu đời với những truyền thống hào hùng về dựng nước và giữ nước. Những giá trị đó không phải quốc gia, dân tộc nào cũng có được. Vậy thì sao chúng ta không xây dựng những câu chuyện, phát huy yếu tố sáng tạo để biến nó thành thế mạnh cho nền kinh tế?
- Nhưng ngoài việc trở thành thế mạnh, nhiều ý kiến cho rằng, kinh tế sáng tạo có thể trở thành động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam, thưa bà?
Kinh tế sáng tạo là một lĩnh vực mà nhiều quốc gia trên thế giới đã rất thành công. Hầu hết các nền kinh tế hàng đầu thế giới đều rất mạnh về kinh tế sáng tạo.
Việt Nam chắc chắn nên định hướng xây dựng một nền kinh tế sáng tạo mạnh. Bởi không chỉ có lợi ích về mặt kinh tế, nó sẽ giúp chúng ta xây dựng được những giá trị văn hóa tốt đẹp trong nước để quảng bá phổ cập ra ngoài nước.
Việt Nam lâu nay vẫn thu hút bằng yếu tố “giá rẻ”, nhưng để nâng tầm chuỗi giá trị của mình lên thì phải có yếu tố “sáng tạo”. Đó mới là cốt lõi để tạo ra thêm giá trị cho sản phẩm của Việt Nam.
Trung bình một người tiêu dùng trên thế giới chi khoảng 2,8 USD cho một ly cà phê, thì người nông dân Việt Nam chỉ kiếm được 0,8 USD trong đó. Còn lại 2 USD là thuộc về chuỗi giá trị sáng tạo.
Đó là lý do Việt Nam chúng ta cần tập trung vào nghiên cứu và sáng tạo để nâng cao giá trị gia tăng cho từng sản phẩm của mình. Chúng ta có nền tảng văn hóa, đồ ăn thức uống, nông sản rất ngon. Nhưng điều chúng ta thiếu có lẽ là cách xây dựng một thương hiệu và câu chuyện sáng tạo xung quanh đó.
>>Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
- Nhưng liệu chúng ta có đủ nền tảng cho hướng đi này, thưa bà?
Người Việt mình có tố chất khéo léo, tỉ mỉ và có tính thẩm mỹ cao. Việt Nam là nơi duy nhất ở Đông Nam Á mà người Pháp đặt Trường mỹ thuật Đông Dương năm 1925. Nhiều tác phẩm nghệ thuật của chúng ta có giá trị lớn và được công nhận trên toàn cầu. Nhân tài về nghệ thuật của chúng ta cũng không thiếu, như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, họa sĩ Bùi Xuân Phái, hay nhà thiết kế Công Trí. Do đó, có thể nói nền tảng con người của chúng ta có tiềm năng rất lớn.
Việt Nam cũng đã bắt đầu đặt được dấu ấn trong bản đồ kinh tế sáng tạo thế giới, như trong ngành game, đồ họa, phim ảnh. Mới đây nhất, bộ phim “A Tourist’s Guide To Love” trên Netflix về Việt Nam cũng có sự tham gia của nhiều tên tuổi gốc Việt. Như vậy để thấy chúng ta đã có những kỹ năng đó rồi chứ không phải mới ở giai đoạn bắt đầu.
Thứ hai là về mặt chính sách, tôi nhận thấy gần đây Nhà nước, chính phủ đã bắt đầu quan tâm và thúc đẩy kinh tế sáng tạo. Tuy nhiên, để biến đây trở thành một cực tăng trưởng thì chúng ta cần học hỏi thêm những chính sách từ các quốc gia như Hàn Quốc.
Về đầu tư nguồn lực thì Việt Nam vẫn còn manh mún và rời rạc. Đổi mới sáng tạo đòi hỏi nguồn lực rất lớn và mang tính dài hơi. Muốn vậy, không thể chỉ dựa vào nguồn lực của Nhà nước, mà còn phải tập trung nguồn vốn từ doanh nghiệp và đầu tư nước ngoài.
- Được biết bà vừa ra mắt cuốn sách: “Thương hiệu Việt Nam – Thời khắc vàng”. Vậy theo bà, thương hiệu quốc gia Việt Nam đóng vai trò như thế nào cho ngành kinh tế sáng tạo?
Khía cạnh thương hiệu là vô cùng quan trọng. Thương hiệu nếu đi cùng văn hóa thì sẽ thẩm thấu rất nhanh. Mà kinh tế sáng tạo chính là kinh tế của văn hóa.
Thương hiệu tốt cần phải đi kèm với sản phẩm tốt, sau đó mới cần truyền thông tốt. Cần định vị một “lời hứa rõ ràng” theo thương hiệu đó. Thương hiệu Việt Nam cũng cần phải như vậy.
Nếu ta có những sản phẩm tốt mà không biết cách để kể cho người khác nghe, hay không có bao bì đẹp bắt mắt thì cũng không thành công. Câu hỏi là làm sao mình phải “chạm” tới được khách hàng? Phải “chạm” tới họ ở cả năm giác quan. Đó là những thứ cần sự sáng tạo về mặt nội dung – điều vô cùng quan trọng trong xây dựng thương hiệu.
Do đó, tôi cho rằng Việt Nam nên định vị thương hiệu quốc gia xoay quanh yếu tố “xanh” – ví dụ như ẩm thực “xanh. Như Singapore, họ định vị mình là “quốc gia thông minh”, do đó mọi lĩnh vực đều hàm chứa yếu tố “smart” trong đó.
Sau khi định vị được yếu tố cốt lõi đó, thì từng ngành mới có cơ sở để đưa ra các sản phẩm. Ví dụ, Việt Nam có thế mạnh về gạo thì phải định vị chúng ta là một trung tâm gạo sạch của thế giới, từ đó làm tiền đề để phát triển thành “bếp ăn sạch” của thế giới.
- Được biết, bà là một trong số ít nữ lãnh đạo Việt Nam ở một tổ chức quốc tế. Bà đã “lan tỏa” ra sao về bản sắc Việt Nam trong môi trường toàn cầu?
Trong tổ chức có nhiều người đến từ những nền văn hoá khác nhau. Nhưng chúng tôi xác định, vai trò của người châu Á trong cuộc họp là nói ít nhưng có trọng lượng.
Tôi cũng phải chia sẻ để họ thấu hiểu về phong cách lãnh đạo thầm lặng (quiet leadership) của người châu Á cũng như cách làm việc với người Việt Nam để họ tiếp nhận văn hoá của mình. Mình hoà nhập với họ nhưng cũng phải cho họ biết và tôn trọng văn hoá của mình. Đơn giản như chuyện họp hành của dàn lãnh đạo, có lúc theo giờ Mỹ nhưng cũng phải yêu cầu họ theo giờ Việt Nam để đảm bảo sự cân bằng. Hay trong việc phát triển sản phẩm, mình phải có cách thuyết phục họ làm các sản phẩm phù hợp với người châu Á, dùng dữ liệu để chứng minh thay vì những câu thuyết phục đầy cảm tính.
Sức mạnh mềm của người phụ nữ châu Á là tính mềm dẻo, khả năng quán xuyến nhiều thứ cùng lúc, kiên nhẫn hơn để lắng nghe và tìm cách giải quyết khi gặp vấn đề. Là người lãnh đạo, tôi luôn lắng nghe, tôn trọng và bảo vệ những nỗ lực của họ nhưng cũng đồng thời phân tích cho họ thấy điều gì quan trọng nhất mà tập đoàn cần tập trung ở thời điểm đó.
- Vậy theo quan sát của bà, chất lượng nhân sự của người Việt Nam trong mắt của những tập đoàn toàn cầu?
Một điều cần lưu ý, doanh nghiệp ở nước lớn mở rộng quy mô rất tốt vì tính hệ thống hoá nhưng nhiều khi cứng nhắc nên có thể bị chậm. Trong khi đó, người Việt thường hành động nhanh trước khi tư duy một cách thấu đáo và có hệ thống. Do đó, nếu kết hợp những điểm mạnh sẵn có với tính hệ thống hoá thì các doanh nghiệp Việt có thể tạo sức mạnh lớn.
Quá trình viết sách cho tôi cơ hội tìm hiểu, gặp gỡ và thấy được Việt Nam khác gì so với 30 năm qua để rồi cảm nhận rõ yếu tố thiên thời – địa lợi – nhân hoà đối với việc xây dựng thương hiệu Việt Nam.
Từng đề cập trong cuốn sách “Thương hiệu Việt Nam – Thời khắc vàng”, tôi cho rằng Việt Nam cần thể hiện được hai chữ ĐỔI MỚI, cũng là thứ Việt Nam đã làm rất tốt trong suốt 30 năm qua. Không chỉ là quá trình đổi mới đất nước, ta cần đưa hai chữ đổi mới vào trong mọi hoạt động, vào trong cách làm để tạo tính đồng bộ và làm nên thương hiệu. Nói đến Việt Nam là nói đến đổi mới trong cách nghĩ và cách làm.
Tôi mong Việt Nam sẽ là điểm đến của sự đổi mới, thịnh vượng và hạnh phúc.
- Xin cám ơn bà về buổi trò chuyện!
Doanh nhân Trần Tuệ Tri có hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng, từng đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo cấp cao, thành viên HĐQT tại Unilever, Samsung, P&G… |
Có thể bạn quan tâm
16:45, 30/05/2023
15:00, 30/05/2023
14:43, 30/05/2023
02:00, 29/05/2023