Thời cơ tích sản trên thị trường chứng khoán

ĐẶNG TRẦN PHỤC - Chủ tịch HĐAT AzFin Việt Nam 07/05/2023 05:31

Lãi suất của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm và nền kinh tế có thể phục hồi vào cuối năm 2023. Đây chính là thời cơ để các nhà đầu tư tích sản cổ phiếu.

>>Chỉ báo suy thoái kinh tế hiện hữu?

Kinh tế thế giới có thể suy thoái nhẹ

Trong năm 2022, Mỹ đã có hai quý liên tiếp GDP tăng trưởng âm, tuy nhiên chưa được gọi là suy thoái.  Đến năm 2023, kinh tế tăng trưởng trở lại song hết quý 1 mới chỉ tăng 1,1%. Từ đó cho thấy nền kinh tế số 1 thế giới đang yếu đi rất nhiều.

Nhiều chuyên gia dự báo rằng kinh tế có thể rơi vào suy thoái cuối năm 2023

Nhiều chuyên gia dự báo rằng kinh tế có thể rơi vào suy thoái cuối năm 2023

Tương tự, đối với các nền kinh tế châu Âu cũng vậy, tăng trưởng kinh tế khu vực này trong quý 4/2022 là 0% và đến quý 1/ 2023 là 0,1%. Vì vậy khả năng tăng trưởng âm rất dễ xảy ra.

Về chỉ số sức mạnh đồng đô la Mỹ (DXY), sau khi tạo đỉnh ở 114 điểm vào cuối năm 2022 thì đến nay chỉ còn 101,3 điểm, cho thấy đồng USD đã yếu đi và bớt gây áp lực lạm phát lên các nền kinh tế khác. Do đó, lạm phát, tỷ giá của các nước dần ổn định hơn và Việt Nam cũng là một trong số đó.

Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 0,25%, các chuyên gia kinh tế dự báo đây có thể là lần tăng lãi suất cuối cùng xảy ra. Riêng với khu vực châu Âu đã có 7 lần tăng lãi suất liên tục, lãi suất hiện ở mức khoảng 3,5 - 3,75%. Do chính sách tiền tệ muộn hơn, lạm phát cao hơn nên việc tăng lãi suất ở châu Âu được dự báo sẽ vẫn tiếp tục trong thời gian tới.

Từ những yếu tố trên, cộng thêm việc nền kinh tế của các nước này cũng có dấu hiệu ảnh hưởng bởi lãi suất cao trong giai đoạn cuối năm 2022, đầu 2023 khiến nhiều chuyên gia dự báo, kinh tế thế giới có thể rơi vào suy thoái cuối năm 2023. Theo quan điểm của chúng tôi, xác suất cao là suy thoái có thể xảy ra, nhưng khả năng khủng hoảng thì thấp hơn rất nhiều, bởi kinh tế Mỹ có sức khỏe và chống chịu tương đối tốt.

Vấn đề đáng chú ý là những biến số có thể khiến suy thoái trầm trọng hơn, đến từ diễn biến chiến tranh giữa Nga -Ukraine vẫn tương đối phức tạp, căng thẳng giữa hai nước khá lớn. Nhiều người lo ngại có thể xảy ra chiến tranh hạt nhân, khi đó vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn và là một cú bồi khiến cho kinh tế thế giới không còn là suy yếu nhẹ mà có thể suy thoái nặng nề.

Mặc dù tình hình khó khăn, nhưng cũng có nhiều thông tin tích cực như lạm phát của Mỹ đã giảm còn 5% được công bố vào tháng 3/2023; với số liệu tháng 4 sẽ được công bố vào giữa tháng 5, dự kiến giảm về khoảng 4,8%.  Điều này cho thấy mức độ lạm phát của Mỹ đã giảm khá mạnh sau khi tạo đỉnh ở mức 9,1% vào tháng 6/2022.

Bên cạnh đó, giá dầu hiện đã giảm về mức 70 USD/thùng, là mức khá thấp trong vài năm trở lại đây so với mức cao gần 120 USD/thùng của năm 2022. Nguyên nhân của việc này chủ yếu là do lo ngại về tình hình kinh tế thế giới khó khăn, khiến nhu cầu về dầu có thể thấp đi và giá dầu phải điều chỉnh giảm, từ đó sẽ tạo dư địa cho lạm phát có thể giảm nhanh hơn so với dự kiến. Giá dầu là một trong những nhân tố cấu thành quan trọng trong mọi mặt của nền kinh tế, khi giá dầu thấp sẽ giúp cho tiến trình hạ lãi suất và đẩy cung tiền nhanh hơn.

Ngoài ra, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ sau khi đạt đỉnh khoảng 4,25% vào tháng 10 – 11/2022 thì hiện nay đã chỉ còn 3,4%, là một chỉ báo sớm đối với lạm phát và lãi suất của nền kinh tế, vì nếu lãi suất trái phiếu trái phiếu 10 năm giảm mạnh thì trong tương lai lãi suất sẽ giảm.

>>Giá xăng tăng chưa tác động mạnh đến lạm phát

Việt Nam chuẩn bị qua giai đoạn khó khăn

Tại Việt Nam, tình hình kinh tế vĩ mô được đánh giá tương đối quan trọng. Trong tháng 4, số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động đã vượt so với số doanh nghiệp giải thể và tạm ngưng hoạt động, trong khi 3 tháng đầu năm thì ngược lại. Điều này thể hiện những doanh nghiệp không chịu nổi khó khăn về cơ bản đã “chết”, những doanh nghiệp rút khỏi thị trường giảm đi và mặc dù vẫn ảnh hưởng xấu, nhưng “tâm bão” đã qua đi.

Khả năng, Việt Nam sẽ phục hồi vào cuối năm nay với tốc độ tương đối chậm và phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng kinh tế thế giới ra sao

Dự báo lãi suất của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm từ từ và kinh tế của Việt Nam cũng chưa thể sớm phục hồi một cách nhanh chóng

Hay về hoạt động đầu tư công chưa được như kỳ vọng song cũng có tăng trưởng khá tốt. Tương tự về xuất nhập khẩu hàng hóa, riêng tháng 4 xuất nhập khẩu giảm ít hơn so với 3 tháng đầu năm khiến cho cả 4 tháng xuất nhập khẩu của Việt Nam giảm thấp hơn.

Đặc biệt, lạm phát chỉ tăng 2,81% là mức tăng rất thấp. Việc này khiến Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ có nhiều dư địa để đưa ra các chính sách điều hành, cụ thể như giá điện đã được điều chỉnh tăng 3%. Theo tính toán của chúng tôi, giá điện tăng 3% làm tăng 0,1% CPI, là mức rất nhỏ sẽ không tác động mạnh đến lạm phát trong những tháng tới.

Đồng thời, Chính phủ đưa ra thông điệp chấp thuận các đề xuất liên quan đến việc giảm thuế VAT 2% vào đầu quý 3 năm nay, cũng góp phần giúp lạm phát điều chỉnh giảm. Có thể thấy, đây là một cơ sở rất tốt cho Chính phủ thực hiện các chính sách tiền tệ và tài khóa một cách mạnh tay hơn như tiếp tục giảm lãi suất trong thời gian tới.

Chúng tôi dự báo, lãi suất của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm từ từ và kinh tế của Việt Nam cũng chưa thể sớm phục hồi một cách nhanh chóng, vì kinh tế thế giới rất yếu, chúng ta không thể đi ngược xu hướng do tỷ trọng xuất nhập khẩu cao. Khả năng, Việt Nam sẽ phục hồi vào cuối năm nay với tốc độ tương đối chậm và phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng kinh tế thế giới ra sao.

Thời cơ tích sản trên TTCK

Đối với thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, về định giá thị trường P/B bằng 1.6 lần là vùng thấp trong lịch sử thị trường từ trước đến nay. Còn P/E khoảng 12.3-12.5 lần, kết quả kinh doanh đã được phản ánh hết trong quý 1 và có thể lợi nhuận giảm đã khiến cho P/E tăng một chút, nhưng so với chỉ số S&P 500 của Mỹ là 22 - 23 thì mới chỉ tương đương một nửa.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư dài hạn thường nhìn vào lợi suất trái phiếu Chính phủ để quyết định đầu tư. Hiện nay, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ còn cao hơn Việt Nam, ở mức 3,4%, trong khi của Việt Nam là 3,26%. Vì vậy định giá của Việt Nam đang rất rẻ so với các thị trường khác.

Để thị trường chứng khoán có thể trở lại chu kỳ tăng trưởng mạnh mẽ sẽ cần các  yếu tố cần và đủ; trong đó yếu tố cần là định giá cổ phiếu đã đáp ứng được cơ sở để tương lai thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh.

Còn yếu tố đủ gồm: Lãi suất cần giảm thêm khiến tiền rẻ hơn để kích thích dòng tiền; Cung tiền M2 và tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trở lại; Kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn và người dân có thu nhập tăng lên; Số lượng tài khoản mở mới ở các công ty chứng khoán phải bắt đầu tăng; Margin các công ty chứng khoán tạo đáy và dần dần hồi phục.

Như vậy, nhiều khả năng TTCK sẽ có dấu hiệu đi ngang trong thời gian tới nhưng về lâu dài, khi hội tụ các yếu tố đủ như đã nêu thì thị trường sẽ đón một sóng tăng mới mạnh mẽ hơn. Nếu nhanh, có thể diễn ra vào cuối năm 2023, còn lâu hơn thì phải phụ thuộc vào những diễn biến mà chúng ta chưa thể dự đoán, như chiến tranh hay một số biến động bất ngờ.

Với các nhà đầu tư, đây vẫn là một thời điểm phù hợp để tích sản cổ phiếu. Việc lướt sóng nhanh, mua đuổi, mua vượt đỉnh là vô cùng khó khăn và chỉ dành cho những nhà đầu cơ chuyên nghiệp.

Để tích sản thành công, cổ phiếu phải phù hợp, đáp ứng các điều kiện như: Quản trị công ty tốt; Yếu tố định giá rẻ; và Có lợi thế cạnh tranh mạnh. Từ đó doanh nghiệp mới có thể đi đường dài và mang lại cổ tức tăng trưởng hằng năm mạnh cho nhà đầu tư.

Có thể bạn quan tâm

  • Suy thoái kinh tế đã bắt đầu?

    03:00, 03/05/2023

  • Chỉ báo suy thoái kinh tế hiện hữu?

    12:25, 14/03/2023

  • "Phao cứu sinh" giúp EU thoát suy thoái kinh tế

    06:30, 17/02/2023

  • "Đo đếm" suy thoái kinh tế toàn cầu 2023

    04:30, 21/01/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thời cơ tích sản trên thị trường chứng khoán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO