Doanh nghiệp

Kỳ vọng bứt phá từ “đầu tàu” chế biến, chế tạo

Hằng Thy 08/07/2025 02:19

Kết quả khảo sát quý III/2025 của Cục Thống kê cho thấy tín hiệu tích cực từ doanh nghiệp, nhất là ngành chế biến, chế tạo – “đầu tàu” tăng trưởng kinh tế.

Trên 37% doanh nghiệp kỳ vọng tình hình kinh doanh quý III sẽ khởi sắc hơn so với quý trước, trong khi 43,5% cho rằng sẽ ổn định. Đây là chỉ dấu quan trọng cho thấy niềm tin đang dần trở lại, và nếu được tiếp sức bằng những chính sách phù hợp, doanh nghiệp hoàn toàn có thể bứt phá trong những tháng cuối năm.

chebien.jpg
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty EVA trong khu công nghiệp Vsip (Hải Phòng). Ảnh: TTXVN

Doanh nghiệp đang linh hoạt thích ứng

Kết quả khảo sát cho thấy khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là nhóm lạc quan nhất. Có tới 81% số doanh nghiệp FDI dự báo tình hình sản xuất - kinh doanh trong quý III sẽ tốt hơn hoặc giữ được sự ổn định. Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp nhà nước cũng ghi nhận tỷ lệ tích cực tương ứng là 80,7% và 79,8%. Những con số này cho thấy mặt bằng niềm tin doanh nghiệp đang ở mức cao, bất chấp bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động.

Đây không chỉ là tín hiệu nội tại của từng doanh nghiệp, mà còn phản ánh hiệu quả của các nỗ lực cải cách thể chế, ổn định kinh tế vĩ mô và cải thiện môi trường đầu tư thời gian qua. Việc cắt giảm tầng nấc trung gian trong mô hình chính quyền địa phương hai cấp, cũng như đẩy mạnh công cuộc phòng chống hàng giả, hàng nhái đã và đang góp phần đáng kể vào việc khơi thông dòng chảy sản xuất - kinh doanh.

Theo bà Phí Thị Hương Nga - Trưởng ban Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Cục Thống kê), những tháng tới sẽ là thời điểm vàng để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, chuẩn bị hàng hóa cho nhu cầu tiêu dùng trong mùa lễ cuối năm tại các thị trường trọng điểm như Mỹ và châu Âu. Sự chủ động từ phía doanh nghiệp trong lên kế hoạch sản xuất, cùng với môi trường hành chính đang dần được cải thiện, là những yếu tố nền tảng hỗ trợ xu hướng phục hồi và tăng trưởng ổn định.

Tuy vậy, không thể phủ nhận những áp lực mà doanh nghiệp chế biến, chế tạo đang phải đối mặt. Biến động giá dầu, khí quốc tế và chính sách thương mại toàn cầu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể ảnh hưởng đến chi phí đầu vào cũng như tính ổn định của chuỗi cung ứng. Thêm vào đó, yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường quốc tế về tiêu chuẩn sản xuất xanh - sạch đang đặt ra những đòi hỏi đầu tư lớn về công nghệ, máy móc, khiến không ít doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, lúng túng trong chuyển đổi.

Khó khăn vẫn còn, chính sách cần kịp thời

Khảo sát cũng chỉ ra những khó khăn cụ thể mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong những tháng cuối năm: thiếu hụt nguyên – nhiên vật liệu, khó khăn trong tuyển dụng lao động, áp lực chi phí sản xuất tăng cao trong khi sức mua trong nước chưa phục hồi như kỳ vọng. Trong bối cảnh đó, việc các doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tiếp sức từ chính sách là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Đáng chú ý, 38,7% doanh nghiệp được khảo sát đã kiến nghị tiếp tục giảm lãi suất cho vay – một đòn bẩy quan trọng để khơi thông dòng vốn cho hoạt động sản xuất. Đặc biệt, các ngành như chế biến gỗ, sản xuất kim loại, khoáng phi kim loại là những lĩnh vực chịu áp lực tài chính lớn, rất cần sự hỗ trợ tín dụng để duy trì và mở rộng sản xuất. Ngoài ra, 31,8% doanh nghiệp mong muốn có biện pháp hiệu quả nhằm ổn định giá nguyên vật liệu và năng lượng – những yếu tố đang ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Một vấn đề không mới nhưng vẫn được nhắc lại là cải cách thủ tục hành chính. Dù đã có nhiều chuyển biến, song vẫn còn trên 25% doanh nghiệp đề nghị cần tiếp tục đơn giản hóa, minh bạch và rút ngắn quy trình thủ tục - đặc biệt là trong lĩnh vực thuế, hải quan và cấp phép đầu tư. Đây chính là những điểm nghẽn mà nếu được tháo gỡ triệt để, sẽ tạo ra không gian phát triển rộng lớn hơn cho khu vực doanh nghiệp.

Tăng trưởng phụ thuộc vào niềm tin và hành động

Từ những con số lạc quan được phản ánh trong khảo sát, có thể thấy rằng niềm tin của doanh nghiệp đang dần hồi phục. Tuy nhiên, để biến niềm tin thành hiện thực tăng trưởng, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ và linh hoạt của các cấp, ngành và chính quyền địa phương.

Chính sách tiền tệ cần tiếp tục theo hướng linh hoạt, hỗ trợ phục hồi mà không gây áp lực lạm phát. Chính sách tài khóa cần tạo thêm dư địa cho doanh nghiệp đầu tư máy móc, cải tiến công nghệ để thích ứng với tiêu chuẩn sản xuất mới. Quan trọng hơn cả là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm chi phí không chính thức và xây dựng niềm tin từ những cải cách thực chất.

Niềm tin doanh nghiệp nếu được củng cố bằng những chính sách nhất quán và kịp thời sẽ trở thành chất xúc tác cho tiêu dùng, đầu tư và sản xuất. Đó là điều kiện tiên quyết để nền kinh tế không chỉ phục hồi, mà còn phát triển bền vững trong giai đoạn trung và dài hạn.

Với lực đẩy từ môi trường đầu tư cải thiện, chính sách tài chính – tiền tệ đang chuyển hướng hỗ trợ tăng trưởng, và sự chủ động của cộng đồng doanh nghiệp, quý III và quý IV/2025 hoàn toàn có thể trở thành giai đoạn tăng tốc, tạo nền tảng vững chắc cho bước nhảy vọt của nền kinh tế trong năm 2026.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kỳ vọng bứt phá từ “đầu tàu” chế biến, chế tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO