Doanh nghiệp

Công nghiệp chế biến, chế tạo – “thỏi nam châm” hút vốn FDI

Thy Hằng 06/05/2025 15:37

Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 13,82 tỷ USD. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là "thỏi nam châm" hút vốn đăng ký mới với 3,39 tỷ USD, chiếm 60,6%.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Tài chính, tính đến ngày 30/4/2025, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 13,82 tỷ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm trước.

Bản sao photo1658891904367-1658891904452300682016
Tính đến ngày 30/4/2025, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 13,82 tỷ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là thỏi nam châm hút vốn đăng ký mới với 3,39 tỷ USD (chiếm 60,6%), theo sau là hoạt động kinh doanh bất động sản với 1,51 tỷ USD (chiếm 26,9%).

Về vốn FDI thực hiện trong 4 tháng đầu năm ước đạt 6,74 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ và là con số giải ngân cao nhất trong 4 tháng đầu năm của giai đoạn 5 năm gần đây. Phần lớn dòng vốn này (5,5 tỷ USD, chiếm 81,6%) được đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tiếp theo là hoạt động kinh doanh bất động sản (533,1 triệu USD, 7,9%) và sản xuất, phân phối điện, khí đốt (266,2 triệu USD, 3,9%).

Xét về đối tác, Singapore dẫn đầu trong số 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án mới, rót 1,6 tỷ USD (chiếm 28,6%), tiếp đến là Trung Quốc với 1,52 tỷ USD (27,1%) và Nhật Bản với 573,2 triệu USD (10,3%).

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của tổng vốn đăng ký chủ yếu được thúc đẩy bởi vốn điều chỉnh và hoạt động góp vốn, mua cổ phần. Cụ thể, đã có 540 lượt dự án hiện hữu đăng ký điều chỉnh tăng vốn thêm 6,40 tỷ USD, một con số ấn tượng, gấp 3,9 lần so với cùng kỳ năm 2024.

5686-8.12.jpg
Về vốn FDI thực hiện trong 4 tháng đầu năm ước đạt 6,74 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ và là con số giải ngân cao nhất trong 4 tháng đầu năm của giai đoạn 5 năm gần đây.

Đồng thời, hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài cũng diễn ra sôi động với 1.106 lượt, tổng giá trị góp vốn đạt 1,83 tỷ USD, gấp đôi cùng kỳ năm trước.

Nếu tính gộp cả vốn cấp mới và vốn điều chỉnh, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối với 8,37 tỷ USD (chiếm 69,8% tổng vốn), và kinh doanh bất động sản đạt 2,63 tỷ USD (chiếm 21,9%).

Các doanh nghiệp châu Âu đánh giá Việt Nam đã trở thành trung tâm của nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sản xuất, chế biến, chế tạo và phân phối trong khu vực.

“Từ góc nhìn của các doanh nghiệp châu Âu, trong tương quan so sánh với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam hội tụ đồng thời các lợi thế lớn. Đó là vị trí địa lý chiến lược; mức độ hội nhập cao thể hiện qua mạng lưới các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ký kết; chính sách ngoại giao linh hoạt, chủ động; cùng với nền tảng văn hóa đặc trưng và nguồn nhân lực chất lượng”, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Công nghiệp chế biến, chế tạo – “thỏi nam châm” hút vốn FDI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO