“Việt Nam đang hành động quyết liệt để hút vốn vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo”.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cam kết với các nhà đầu tư tại Diễn đàn Đầu tư Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2025 (VIPC Summit 2025) mới đây.
Đối diện với nhiều thách thức mới nổi, Việt Nam vẫn là quốc gia “rất sáng” trên bản đồ đầu tư toàn cầu nhờ môi trường chính trị ổn định, nền tảng tăng trưởng kinh tế tích cực và thể chế, môi trường kinh doanh không ngừng cải thiện. Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu “kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP vào năm 2030”. Ngoại lực trực tiếp là dòng vốn FDI đóng vai trò rất quan trọng, bởi doanh nghiệp ngoại không chỉ mang đến nguồn vốn mà còn công nghệ, kinh nghiệm, quy chuẩn công nghiệp hiện đại.
Nhìn vào bức tranh FDI hiện tại cho thấy, nhóm ngành “công nghiệp chế biến - chế tạo” luôn dẫn đầu trong thu hút dự án đầu tư, năm 2023 đạt hơn 23,5 tỷ USD, năm 2024 hơn 25,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng vượt xa so với các lĩnh vực khác.
So sánh với một số nền kinh tế tương đương trong khu vực, như Malaysia, hoạt động thu hút đầu tư công nghệ cao đang bứt phá, điển hình Microsoft, Google, ByteDance, Nvidia đã đầu tư hơn 11 tỷ USD vào nước này trong năm 2024. Trong khi đó, tại Việt Nam nhóm ngành “hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ” liên tục nhiều năm xếp dưới cùng, dòng vốn vào dao động từ 1 - 1,3 tỷ USD/năm. Điều này đặt ra vấn đề: Làm sao để Việt Nam hiện đại hóa nền kinh tế dựa trên đôi chân của mình?
Với hệ thống chiến lược đã hoạch định và nội lực sẵn có - nhiều chuyên gia khuyến nghị: cần xây dựng cơ chế đặc thù để thu hút FDI vào các lĩnh vực chiến lược như bán dẫn, năng lượng tái tạo, AI, logistics thông minh và trung tâm dữ liệu.
Cận cảnh hơn, trong ngành trung tâm dữ liệu, AI năng lượng điện là yếu tố then chốt, khả năng cung ứng điện của nước ta hiện nay với thủy điện, nhiệt điện, phong điện… khó đáp ứng. Vì vậy cần có giải pháp đặc thù, đặc biệt hơn để tái khởi động các dự án điện hạt nhân.
Theo GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) “cần gia tăng đầu tư công cho nghiên cứu - phát triển (R&D), thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, cả trong và ngoài nước, xây dựng trung tâm R&D, chuyển giao công nghệ thông qua các chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính hiệu quả”.
Đối với R&D, mức chi hiện nay của Việt Nam đang là 0,5% GDP, mới được 1/4 so với mục tiêu 2%. Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư cho R&D chỉ bằng 1/10 so với nhiều nước. Bài toán về “nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng cho lĩnh vực công nghệ cao” cũng luôn luôn nóng bỏng qua nhiều thời kỳ phát triển. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã đi hết nửa chặng đường, cần có đánh giá cụ thể các mục tiêu về phát triển con người “tinh thần cống hiến và sáng tạo của lực lượng lao động”, “đầu tư vào giáo dục nghề nghiệp, ngoại ngữ và kỹ năng mềm” để đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu.