Bức tranh FDI quý I/2025 tiếp tục ghi nhận điểm sáng, cho thấy niềm tin vững chắc của nhà đầu tư quốc tế vào môi trường kinh doanh Việt Nam.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), tính đến hết tháng 3/2025, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 10,98 tỷ USD, tăng mạnh 34,7% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là một con số đầy ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều biến động, cạnh tranh thu hút vốn FDI ngày càng khốc liệt giữa các quốc gia trong khu vực.
Trong cơ cấu FDI, đáng chú ý là sự bứt phá của vốn đầu tư tăng thêm là 5,16 tỷ USD, gấp hơn 5 lần cùng kỳ và vốn đầu tư qua góp vốn, mua cổ phần là 1,48 tỷ USD, tăng 83,7%. Những con số này cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục gắn bó lâu dài với thị trường Việt Nam, đồng thời phản ánh sự kỳ vọng của họ vào triển vọng kinh tế và cải cách thể chế, chính sách tại Việt Nam.
Đáng chú ý, vốn giải ngân - thước đo phản ánh mức độ triển khai thực chất các dự án - cũng tăng 7,2% so với cùng kỳ, đạt gần 5 tỷ USD. Đây là mức tăng đáng ghi nhận, minh chứng cho khả năng hấp thụ vốn đầu tư của nền kinh tế đang được cải thiện.
Mặc dù dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam quý I/2025 ghi nhận nhiều điểm sáng, song vốn đăng ký mới vẫn là điểm trừ khi chỉ đạt hơn 4,33 tỷ USD, giảm 31,5% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức giảm khá sâu, phản ánh tâm lý thận trọng của một bộ phận nhà đầu tư trước những biến động kinh tế toàn cầu cũng như những tồn tại nội tại của môi trường đầu tư trong nước.
Tuy nhiên, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tình hình đã có chuyển biến tích cực trong tháng 3/2025. Cụ thể, lượng vốn đầu tư mới ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, tăng 66,5% so với tháng 1 và gấp gần 2,4 lần so với tháng 2. Bên cạnh đó, số lượng dự án đầu tư mới cũng tăng mạnh, lần lượt tăng 42,7% và gần 18,4% so với hai tháng trước đó.
Bức tranh đầu tư cũng cho thấy sự dịch chuyển có chọn lọc của dòng vốn ngoại. Trong 3 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào 18/21 ngành kinh tế quốc dân. Dẫn đầu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo — lĩnh vực trụ cột trong thu hút FDI — với tổng vốn đầu tư đạt hơn 6,79 tỷ USD, chiếm gần 61,9% tổng vốn đăng ký, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những con số này cho thấy, dù vốn đăng ký mới đang chững lại, Việt Nam vẫn giữ được sức hút trong mắt các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt ở các lĩnh vực sản xuất và công nghiệp giá trị cao. Đây là tín hiệu tích cực, tạo nền tảng để dòng vốn FDI tăng tốc trở lại trong các quý tiếp theo.
Trong các lĩnh vực thu hút vốn, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là "ngọn cờ đầu" khi chiếm gần 62% tổng vốn đăng ký, cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh nhiều tập đoàn đa quốc gia đang dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc để tìm kiếm địa bàn an toàn và hiệu quả hơn tại Đông Nam Á.
Ngành bất động sản cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, đứng thứ hai về thu hút vốn với 2,39 tỷ USD, tăng 44,1% so với cùng kỳ. Đây là dấu hiệu cho thấy niềm tin đang dần quay trở lại với thị trường địa ốc Việt Nam sau một giai đoạn trầm lắng kéo dài.
Xét theo quốc gia và vùng lãnh thổ, Singapore tiếp tục dẫn đầu với hơn 3 tỷ USD vốn đầu tư, cho thấy vai trò trung tâm tài chính – trung chuyển vốn khu vực của đảo quốc sư tử vẫn đang phát huy mạnh mẽ. Sự bứt tốc của Hàn Quốc (gấp 2,7 lần cùng kỳ), cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của khu vực Đông Á đối với dòng vốn vào Việt Nam.
Còn xét theo địa bàn, Bắc Ninh – “thủ phủ công nghiệp điện tử” – vươn lên dẫn đầu nhờ những dự án có quy mô lớn. TP.HCM và Hà Nội vẫn duy trì sức hút ổn định, song cạnh tranh giữa các địa phương ngày càng rõ nét khi nhiều tỉnh như Đồng Nai, Hà Nam, Bà Rịa – Vũng Tàu... đang nổi lên như những điểm đến hấp dẫn nhờ hạ tầng cải thiện và chính sách thu hút đầu tư chủ động hơn.
Từ bức tranh FDI quý I/2025, có thể thấy dòng vốn ngoại vẫn tin tưởng vào Việt Nam. Tuy nhiên, để tiếp tục giữ chân và thu hút những "đại bàng" mới, Việt Nam cần tiếp tục khắc phục những điểm nghẽn như thủ tục hành chính rườm rà, hạ tầng logistics chưa đồng bộ, thiếu hụt lao động chất lượng cao… Đồng thời, cần phát triển các khu công nghiệp thông minh, vùng kinh tế chuyên biệt, và có chiến lược thu hút FDI thế hệ mới gắn với đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Dòng vốn FDI là “đòn bẩy” quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, nhưng điều quan trọng hơn cả là làm sao để dòng vốn này “neo đậu” bền vững, mang lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế. Việt Nam không chỉ cần nhiều vốn hơn, mà còn cần vốn chất lượng hơn.
Đây là thời điểm cần hành động quyết liệt, nếu không muốn mất đi lợi thế khi “cuộc đua FDI” trong khu vực đang ngày càng gay gắt.