Việt Nam có nhiều lợi thế để bứt phá trong kinh tế số, nhưng cần cải cách thực chất để biến tầm nhìn từ Nghị quyết 57-NQ/TW thành hiện thực.
Đây là một trong những “bệ phóng” thu hút FDI nói chung và FDI từ Đức nói riêng.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Gerhard Draband - Trưởng Khu vực Kinh tế vùng Ruhr, Hiệp hội Liên bang các Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Đức (BVMW) cho rằng cải thiện thủ tục hành chính, nâng chuẩn an toàn lao động và môi trường, cũng như đảm bảo minh bạch là những điều kiện then chốt để thu hút đầu tư nhiều hơn nữa từ Đức.
Trước hết, tôi phải nhấn mạnh rằng việc Việt Nam đặt ra mục tiêu tham vọng về kinh tế số là hoàn toàn khả thi. Từ góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp Đức, Việt Nam sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi.
Về con người, lực lượng lao động trẻ và trình độ chuyên môn ngày càng cao chính là điểm then chốt. Bên cạnh đó, quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam để chuyển đổi số cũng rất ấn tượng. Cũng không thể phủ nhận vị trí địa lý với bờ biển dài, thời tiết ôn hòa và tiềm năng du lịch cũng tạo nên sức hút riêng cho Việt Nam.
Đức là một nền kinh tế tập trung vào công nghiệp và xuất khẩu. Gần đây, các tập đoàn và SME của Đức đang nhìn vào sự thay đổi trong chính sách của Mỹ cũng như các diễn biến kinh tế toàn cầu, từ đó cân nhắc dịch chuyển dòng vốn sang châu Á. Trong đó, Việt Nam nổi lên như một điểm đến hấp dẫn nhờ tiềm năng về công nghệ, nguồn nhân lực và quyết tâm phát triển kinh tế số.
Nghị quyết 57 đã nêu bật sự cần thiết của việc xây dựng hạ tầng số hiện đại, nâng cao an ninh mạng và phát triển nguồn nhân lực số. Chúng tôi nhận thấy một số chương trình thí điểm về ứng dụng công nghệ trong quản lý Nhà nước và sản xuất đã thành công bước đầu, từ đó mở đường cho giai đoạn bứt phá.
Dù vậy, tôi cho rằng mọi mục tiêu – dù tham vọng đến đâu – cần đi kèm lộ trình cụ thể, cơ chế giám sát và cách tiếp cận thực chất để tránh tình trạng “chỉ hô khẩu hiệu” mà không có hành động tương xứng.
Dĩ nhiên, bất kỳ thị trường mới nào cũng có trở ngại, nhưng với góc độ từ Đức, có hai thách thức nổi cộm.
Thứ nhất, đó là tình trạng “nói không đi đôi với làm”. Điều này phản ánh một phần tính quan liêu trong hệ thống hành chính của Việt Nam. Dù Chính phủ đưa ra nhiều chính sách, kế hoạch phát triển khá chi tiết, nhưng khâu thực thi thường gặp trở ngại: thủ tục cấp phép kéo dài, chậm trễ trong việc hướng dẫn doanh nghiệp, hay sự phối hợp chưa nhịp nhàng giữa các cơ quan liên quan. Khi nhà đầu tư nước ngoài, nhất là doanh nghiệp SME, muốn đến tìm kiếm cơ hội, họ cần quy trình rõ ràng và hiệu quả, thay vì bị vướng bận bởi các thủ tục hành chính phức tạp.
Thứ hai, các tiêu chuẩn về an toàn lao động và bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện chưa hoàn toàn tương xứng với yêu cầu khắt khe của Đức. Chúng tôi được biết Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực cải thiện vấn đề này, nhưng vẫn tồn tại khoảng cách giữa quy định trên giấy tờ và thực tiễn nhà máy, xí nghiệp. Đức, cũng như Liên minh châu Âu, đặt ra tiêu chuẩn cao về bảo hộ lao động, chế độ phúc lợi và an toàn sản xuất. Đây chính là yếu tố quan trọng mà bất kỳ doanh nghiệp Đức nào cũng xem xét trước khi quyết định đầu tư lớn.
Cùng với đó, tôi cũng muốn nhắc đến yếu tố “niềm tin” và sự đồng bộ trong chuỗi cung ứng. Nếu doanh nghiệp Đức đã rót vốn thì chắc chắn sẽ mang theo cả mạng lưới các nhà cung cấp, chuỗi cung ứng. Họ mong muốn được làm việc với những đối tác địa phương đảm bảo chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và có môi trường đầu tư thông thoáng để ổn định lâu dài.
Cá nhân tôi cho rằng Việt Nam có những cơ hội rất rõ ràng.
Thứ nhất, Việt Nam cần củng cố và khẳng định một hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch. Đây là bước nền tảng. Nếu những quy định về thuế, hải quan, bảo hộ đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ… được minh bạch, doanh nghiệp sẽ yên tâm hơn.
Thứ hai, khi một công ty Đức tiên phong gia nhập thị trường Việt Nam, các công ty khác sẽ theo ngay sau để tạo thành một cộng đồng đầu tư. Hiện nay, chúng tôi đã thấy một số tập đoàn lớn của Đức có mặt tại Việt Nam, và họ dần đưa mạng lưới cung ứng vào. Tuy nhiên, cần tạo ra hành lang chính sách đủ mạnh để không chỉ các “ông lớn” mà cả SME cũng có thể tiếp cận.
Thứ ba, cả hai nước đều đang đẩy mạnh chuyển đổi số, đây là “điểm chạm” rất quan trọng. Việt Nam có nhiều công ty công nghệ khởi nghiệp tiềm năng, trong khi Đức sở hữu nền tảng nghiên cứu phát triển vững chắc. Nếu biết tận dụng, hai bên có thể hợp tác phát triển các giải pháp số, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh trên toàn cầu.
Cuối cùng, tuy doanh nghiệp Đức thường chú trọng an toàn và ổn định, song trước những biến động của chính sách kinh tế Mỹ – Trung, chúng tôi đang cân nhắc tìm kiếm thị trường thay thế. Các FTAs mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là với EU, chính là “bệ phóng” quan trọng để thu hút dòng vốn này.
- Trân trọng cám ơn ông!