Các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo Hải Dương đang nỗ lực vượt khó duy trì đà tăng trưởng trong sản xuất kinh doanh.
Nỗ lực vượt mục tiêu
Tỉnh Hải Dương coi phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt. Đặc biệt chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo đó, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Nhận thức được những tồn tại trong việc phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thời gian qua tỉnh Hải Dương cũng đã có nhiều giải pháp quyết liệt trong chỉ đạo, quản lý, kiểm soát chặt chẽ để phát triển hợp lý ngành công nghiệp chế biến, chế tạo qua việc điều chỉnh chính sách về khoa học - công nghệ đối với doanh nghiệp công nghiệp, tạo cơ chế hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp chế biến, chế tạo đang gặp khó khăn. Thu hút những dự án có quy mô lớn, có tiềm lực tài chính mạnh, có công nghệ hiện đại, từ đó tạo động lực để kích thích nền công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Bên cạnh đó các ngành công nghiệp hỗ trợ cũng đã cơ bản xây dựng được cơ chế chính sách ưu đãi cụ thể để hình thành và phát triển các cụm công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển công nghiệp cốt lõi tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh đã tham mưu, đề xuất nhiều chính sách phân bổ nguồn lực đủ lớn để hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao trình độ công nghệ, quản lý đáp ứng chuẩn mực quốc tế. Xây dựng các chương trình kết nối kinh doanh, liên kết giữa doanh nghiệp hỗ trợ trên địa bàn với các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài…
Được biết, trong quý I/2025, ngành chế biến, chế tạo của Hải Dương tăng trưởng 17,5%, vượt mục tiêu tăng trưởng đặt ra là 14,7%. Theo Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, trong quý I, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Hải Dương tăng 13% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là một trong những động lực tăng trưởng chính với mức tăng 17,5%, vượt mục tiêu đặt ra là 14,7%.
Một số sản phẩm có mức sản xuất đã vượt mục tiêu như: lắp ráp ô tô đạt 7.663 chiếc (kịch bản 7.300 chiếc, vượt 5% mục tiêu); thức ăn chăn nuôi ước đạt hơn 654.000 tấn (kịch bản 638.000 tấn, vượt 2,6% mục tiêu)…
Một số dự án mới và dự án mở rộng sản xuất đi vào hoạt động là các nhân tố chính giúp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng khá cao như: Dự án Công ty TNHH Công nghệ điện tử Guangxun Việt Nam (khu công nghiệp Đại An mở rộng); dự án của Công ty TNHH Công nghệ sáng tạo Bonsen Việt Nam (khu công nghiệp Lai Cách); dự án mở rộng của Công ty TNHH Dây cáp điện ô tô Sumiden Việt Nam (khu công nghiệp Đại An); dự án dây chuyền sản xuất mới của Công ty TNHH Công nghệ Ducar Việt Nam (khu công nghiệp Phú Thái)…
Thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương phối hợp rà soát, đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư theo cam kết triển khai trong năm 2025. Tiếp tục triển khai Đề án “Phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Thực hiện quy chế quản lý và đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp. Theo dõi sát tình hình, nâng cao khả năng dự báo, cung cấp thông tin tín hiệu thị trường nhằm giúp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nắm bắt nhanh diễn biến thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp…
Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Thời gian qua, Sở Công Thương Hải Dương tích cực hỗ trợ sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh, tạo thuận lợi giúp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, trong năm 2024, ngành công thương đã chủ động nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp.
Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, Sở Công thương đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư trên địa bàn. Xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp thuộc lĩnh vực ngành công thương…
Năm 2024, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, song sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh phục hồi nhanh, là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng chung toàn tỉnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2024 tăng 14,2% so với năm 2023. Các ngành sản xuất quan trọng như sản xuất thức ăn chăn nuôi, may mặc, sản xuất kim loại, điện, điện tử, bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ (chiếm 65% giá trị sản xuất công nghiệp) đều duy trì được mức tăng trưởng tốt. Giá trị hàng hóa xuất khẩu 10 tỷ 350 triệu USD, tăng 9,5%. Giá trị hàng hóa nhập khẩu ước đạt 8 tỷ 414 triệu USD tăng 12%...
Hoạt động xuất nhập khẩu ổn định. Ước tổng kim ngạch xuất khẩu của Hải Dương đạt 10,3 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2023, tổng kim ngạch nhập khẩu 8,3 tỷ USD, tăng 10,4%.
Sở Công Thương tỉnh Hải Dương đã tích cực triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và các sản phẩm nông sản tiêu biểu của tỉnh. Tổ chức thành công hội nghị giới thiệu giải pháp vận tải hàng hoá xuất, nhập khẩu bằng đường sắt liên vận quốc tế tại Ga Cao Xá; kết nối dịch vụ logistics qua tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lạng Sơn/Lào Cai đi Trung Quốc và các nước Đông Âu; Khai trương và đưa chuyến hàng đầu tiên qua ga liên vận quốc tế Cao Xá (Cẩm Giàng)...
Sở Công Thương Hải Dương đã phối hợp với Cục Công thương địa phương (Bộ Công Thương) triển khai Đề án khuyến công quốc gia. Hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực. Kết quả, Hải Dương có 7 sản phẩm, bộ sản phẩm được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực phía Bắc năm 2024.
Sở cũng tham mưu triển khai đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung liên quan đến lĩnh vực điện: Hoàn thiện kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII; Dự án đường dây 500kV Nhiệt điện Nam Định 1 - Phố Nối đoạn qua Hải Dương…
Năm 2025, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương tiếp tục phối hợp thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; thực hiện phổ biến, tuyên truyền các cơ chế, chính sách mới. Chủ động nắm bắt khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực công thương...