Dự kiến, các chính sách liên quan đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn được tiếp tục dưới thời Tổng thống Biden.
Theo đánh giá của giới quan sát chính trị Mỹ, Tổng thống Joe Biden có khả năng sẽ coi trọng châu Á cũng như các đồng minh của Mỹ trong khu vực này hơn so với cựu Tổng thống Donald Trump trong những năm tới.
Trong bối cảnh quyền lực và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng gia tăng, điều mà ông Biden cần lúc này là nhanh chóng tái cân bằng cán cân trong khu vực. Và việc thiết lập một chính sách thương mại đa phương ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn hơn sẽ cho phép các tiêu chuẩn kinh doanh dựa trên quy tắc.
“Chúng tôi là một cường quốc ở Thái Bình Dương và chúng tôi sẽ sát cánh cùng bạn bè và đồng minh để thúc đẩy sự thịnh vượng, an ninh và giá trị chung ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”, ông Biden viết trong một bài báo vào tháng 10/2020. Tuyên bố này cho thấy ý định của ông đối với việc Mỹ muốn duy trì sự hiện diện trong khu vực châu Á cũng như Tây Thái Bình Dương.
Thêm vào đó, TS Kharis Templeman thuộc ĐH Stanford (Mỹ) đánh giá việc ông Biden lựa chọn ông Kurt Campbell cho chức điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - một vị trí mới được thành lập trong nhiệm kỳ năm nay, chịu trách nhiệm điều phối chính sách về Trung Quốc và châu Á giữa các cơ quan liên bang với nhau cũng nhằm đến việc củng cố sự hiện diện của Mỹ một cách rõ nét hơn trong thời gian tới.
“Ứng viên Kurt Campbell là người từng làm việc với nhiều đồng minh của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nên có uy tín tốt ở khu vực này. Việc chọn một ứng viên có uy tín và danh tiếng từ trước sẽ giúp ông Biden tạo dựng lòng tin với các đồng minh”, TS. Kharis cho biết.
David Adelman, cựu đại sứ Mỹ tại Singapore đánh giá, chủ nhân mới của Nhà Trắng là một người đáng tin cậy và kiên định, cam kết khôi phục danh tiếng của Mỹ như một bên mang đến hòa bình và thịnh vượng. Do đó, những chính sách đối ngoại của ông sẽ ít thất thường hơn so với Trump.
Mặc dù vậy, như Yoichi Funabashi là chủ tịch của Sáng kiến Châu Á Thái Bình Dương, tổ chức tư vấn độc lập tại Tokyo nhận định, chính quyền Mỹ sẽ cần nỗ lực rất lớn để khôi phục hình ảnh và vai trò lãnh đạo đã bị tổn hại của Mỹ. Trong bốn năm của chính quyền Trump, Mỹ đã bị bỏ lại phía sau trong các chương trình tái cấu trúc châu Á - Thái Bình Dương.
Điều cần thiết đối với Mỹ lúc này là một chiến lược tái cân bằng mới để ứng phó với những thay đổi mạnh mẽ ở châu Á và thắt chặt hợp tác với khu vực để xây dựng và duy trì hòa bình và ổn định.
Trước mắt, chính quyền của Biden phải đánh giá lý do thất bại trong chính sách châu Á của những tổng thống tiền nhiệm và đưa ra chiến lược tái cân bằng mới dựa trên các đánh giá đó.
Ông Yoichi cũng chỉ ra, việc thiết lập một chính sách thương mại toàn diện và đa phương ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Lợi ích của Mỹ không nằm ở thuế quan mà nằm ở các quy tắc của pháp luật và việc thiết lập các tiêu chuẩn kinh doanh dựa trên những quy tắc đó.
Thương mại và đầu tư ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là lĩnh vực mà Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh lớn nhất. Do đó, Mỹ tham gia vào các chính sách đa phương càng chậm thì Trung Quốc càng được lợi
Hiện nay, châu Á có nền kinh tế phát triển năng động nhất thế giới, bao gồm các quốc gia có dân số lớn hàng đầu, thứ hai và thứ tư trên thế giới gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Đồng thời, khu vực ASEAN dự kiến sẽ vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2030, sau EU, Mỹ và Trung Quốc.
Đồng thời, khu vực này đang chuyển từ vị trí là công xưởng của thế giới thành trung tâm đổi mới của thế giới, với tầng lớp trung lưu không ngừng lớn mạnh. Hơn nữa, nhiều quốc gia và khu vực Đông Á đã đối phó với đại dịch COVID-19 kịp thời và hiệu quả hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
Chính vì vậy, với lợi thế là một trong những quốc gia kiểm soát thành công đại dịch COVID-19 và là quốc gia duy trì được sự ổn định chính trị, kinh tế trong thời gian qua, Việt Nam đang có những lợi thế cạnh tranh hơn để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ dưới thời ông Biden.
Các chuyên gia đánh giá, Việt Nam là một đối tác quan trọng trong chiến lược ở châu Á, vì vậy quan hệ Việt - Mỹ thời ông Biden sẽ được thúc đẩy hơn nữa. Nhiều khả năng, chính quyền Tổng thống Biden sẽ tiếp nối các thành công mà Mỹ và Việt Nam đã cùng nỗ lực vươn tới từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995 đến nay.
Có thể bạn quan tâm
Chính sách với Trung Quốc sẽ ra sao dưới thời Tổng thống Biden?
06:04, 25/01/2021
Chính quyền Biden tham gia “sáng kiến COVAX” – Vai trò của người lãnh đạo!
01:30, 24/01/2021
Đoàn kết lưỡng đảng - Thách thức lớn của Tổng thống Biden
05:07, 22/01/2021
Tương lai quan hệ Mỹ - Triều dưới thời Tổng thống Joe Biden
08:40, 21/01/2021