Thị trường bất động sản tiếp tục hứng chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 kéo dài nhưng các chuyên gia dự báo sẽ có làn sóng M&A giữa tâm bão với các thương vụ hàng nghìn tỷ đồng.
Dự án nghìn tỷ rao bán online
Sau nhiều tháng dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, hàng nghìn doanh nghiệp BĐS gặp phải khó khăn, thậm chí không ít chấp nhận phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Trong bối cảnh đó, đã xuất hiện nhiều thông tin rao bán các dự án, trong đó có cả những dự án đã hoàn thành xây dựng cũng có những dự án mới chỉ hoàn thiện cơ bản về pháp lý.
Một điều khá đặc biệt là các thông tin rao bán các dự án bất động sản với giá trị lên đến nhiều nghìn tỷ đồng lại xuất hiện trên các nền tảng môi giới bất động sản trực tuyến. Đơn cử trên trang batdongsan.com.vn một dự án được giới thiệu là có công năng hỗn hợp, pháp lý đầy đủ, diện tích 5.400m2 vơi 2 tòa tháp đang được rao bán giá 5.700 tỷ đồng.
Ngay tại trung tâm Hà Nội, một tòa nhà văn phòng mặt phố Tông Đản và Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm) với diện tích hơn 3.500m2 cũng được rao bán với giá lên đến 4.650 tỷ đồng. Bên cạnh những dự án đã “thành hình” cũng có lô đất 1.500m2 trên phố Lý Thường Kiệt, mặt tiền 40m được rao bán với giá 1.220 tỷ đồng.
Để xác minh những thông tin rao bán các dự án nghìn tỷ nói trên, PV trong vai người mua khi trao đổi về nhu cầu, anh T (người rao bán) cho biết sau khi hết giãn cách tại Hà Nội sẽ sắp xếp gặp trực tiếp người của bên bán và yêu cầu làm hợp đồng trích thưởng trước khi ký hợp đồng nếu hai bên đạt được thỏa thuận.
Không chỉ ở phân khúc nhà ở, bất động sản công nghiệp cũng xuất hiện nhiều thương vụ M&A với giá trị hàng triệu USD. Đơn cử, liên doanh SEA Logistics Partners (SLP) và GLP - đơn vị quản lý vận hành kho bãi lớn nhất Trung Quốc đã mua được 5 dự án đất công nghiệp tại Việt Nam.
Sau đó 1 tháng, Tập đoàn Boustead Projects (Singapore) đã mua lại 49% cổ phần của Công ty cổ phần phát triển Công nghiệp KTG Bắc Ninh với giá khoảng 7 triệu USD.
Theo tìm hiểu của PV, ngay từ đầu năm 2021, nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch M&A với giá trị thương vụ hàng tỷ đồng. An Gia dự kiến chi 3.000 - 5.000 tỷ đồng để tìm kiếm quỹ đất làm dự án trong 3 năm tới thông qua M&A, ưu tiên quỹ đất sạch, có pháp lý rõ ràng, thời gian triển khai nhanh. Nam Long (HoSE: NLG) dự kiến mỗi năm sẽ dành khoảng 2.000 tỷ đồng cho việc mở rộng quỹ đất.
Những vị trí chiến lược mà Nam Long hướng đến ngoài mảng lõi ở TP HCM và vùng ven thì còn đẩy mạnh tại các thành phố khác như Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ. Hay như Novaland, doanh nghiệp đặt mục tiêu bổ sung quỹ đất thêm 10.000 ha trong 10 năm tới, hiện tại đang sở hữu khoảng 5.400 ha...
Bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao thị trường Việt Nam của JLL cho rằng dù chịu ảnh hưởng từ Covid-19 nhưng các hoạt động M&A vẫn diễn ra sôi động, đặc biệt từ các chủ đầu tư lớn trong nước. Họ tập trung thu gom quỹ đất phát triển trong tương lai, ở nhiều phân khúc như nhà ở, khu dân cư, bất động sản thương mại.
Ghi nhận thực tế cũng đã có một số thương vụ mua bán chuyển nhượng thành công trên thị trường như Mitsubishi và Nomura (Nhật Bản) đã mua lại một phần dự án Vinhomes Grand Park có quy mô 10.000 căn hộ.
Cơ hội cho những “cá mập”
Ông Nguyến Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Reenco Sông nhận định trong giai đoạn hiện nay rất nhiều doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn và việc mua bán, sáp nhập dự án là đương nhiên, đó cũng là quy luật thị trường. Điều này cũng mở ra cánh cửa để các doanh nghiệp lớn, mạnh về tài chính có cơ hội mua, hợp tác, cùng đầu tư với các doanh nghiệp có dự án nhưng gặp khó.
Ông Điệp dự báo, dịch COVID-19 dự kiến còn diễn biến phức tạp, M&A các dự án bất động sản sẽ xuất hiện ngày càng nhiều trong thời gian tới như là một giải pháp tốt cho cả 2 bên.
"Trong làn sóng M&A các dự án bất động sản ưu thế “chốt deal” sẽ thuộc về những dự án đã cơ bản hoàn thiện về pháp lý và đây sẽ là yếu tố quyết định thành công. Do đó, các doanh nghiệp có dự án M&A việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý nên được xem là ưu tiên trong lúc này" - ông Điệp cho biết.
Theo quan sát của đại diện JLL, Việt Nam vẫn là thị trường chiến lược đầy tiềm năng tăng trưởng cho các hạng mục đầu tư. Một số quỹ, chủ đầu tư đang đầu tư ở Việt Nam như Keppel Land, Capital Land hay Gamuda... vẫn tiếp tục cam kết đầu tư và tìm kiếm các hạng mục mới.
Bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao thị trường Việt Nam của JLL dự báo nửa cuối năm, mảng khu công nghiệp, nhà xưởng, kho bãi tiếp tục có những thương vụ M&A lớn.
Bà Trang cũng lưu ý do ảnh hưởng của dịch bệnh với chính sách giãn cách, hạn chế đi lại, việc thực hiện các thương vụ M&A với các quỹ nước ngoài có thể mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành, thay vì 3 - 6 tháng đàm phán như trước đây.
Có thể bạn quan tâm
M&A bất động sản công nghiệp và sự thắng thế của khối ngoại
14:20, 05/06/2021
Lộ diện các thương vụ M&A đình đám vào bất động sản công nghiệp
04:00, 05/06/2021
M&A bất động sản mở rộng ra đô thị vệ tinh
17:09, 01/05/2021
Sóng ngầm M&A khách sạn
05:00, 17/04/2021
VCSC: M&A và huy động vốn sẽ bắt đầu "nóng" trở lại
16:00, 12/04/2021
M&A dưới góc nhìn Luật Cạnh tranh
04:55, 06/04/2021