Với nhiều điểm mới sửa đổi, Luật Doanh nghiệp 2020 đã đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí và thời gian trong quá trình khởi sự kinh doanh.
Với mục tiêu tạo thuận lợi cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp; cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh, góp phần nâng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam, Luật Doanh nghiệp năm 2020 (LDN 2020) đã được Quốc hội khoá XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9 ngày 17/6/2020.
Luật này thay thế cho Luật Doanh nghiệp năm 2014 (LDN 2014) và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. LDN 2020 có nhiều điểm mới đáng kể, ảnh hưởng đến việc thành lập, hoạt động của doanh nghiệp khi Luật này chính thức có hiệu lực.
Bổ sung đối tượng không được thành lập và quản lý doanh nghiệp
Điều 17 LDN 2020 bổ sung các nhóm đối tượng sau đây không được thành lập và quản lý doanh nghiệp: công nhân công an; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người đang bị tạm giam; tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Về cơ bản, việc bổ sung các nhóm đối tượng trên vào diện không được thành lập và quản lý doanh nghiệp là để tương thích với các liên quan như Luật Phòng, chống tham nhũng (công nhân công an), Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự. Dù vậy, để xác định các nhóm đối tượng trên thì cần phải có căn cứ theo quy định của pháp luật, chẳng hạn như người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải có quyết định tuyên bố của Tòa án; pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh thì cũng phải thuộc trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội và có Bản án có hiệu lực của Tòa án.
Đối với quy định người đang bị tạm giam không được thành lập và đăng ký doanh nghiệp, mặc dù đây là quy định mới nhưng có vẻ như đã trùng lặp với nhóm đối tượng “đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự” được quy định trước đó. Bởi lẽ tạm giam là một biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự đối với người đang bị xem xét (truy cứu) trách nhiệm hình sự nên đã bị tạm giam thì đã đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự rồi. Do đó, bổ sung thêm nhóm đối tượng người đang bị tạm giam bên cạnh nhóm đối tượng đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự là không thật sự cần thiết.
Bên cạnh đó, dù người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, kể cả người bị giam thì vẫn chưa bị coi là có tội. Hiến pháp quy định rõ người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Vậy nên LDN 2020 cấm người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người đang bị tạm giam thành lập và quản lý doanh nghiệp thì có phù hợp với quyền công dân, quyền tự do kinh doanh mà Hiến pháp quy định hay không?
Quy định đa dạng các phương thức nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp
Theo quy định của LDN 2014 và Nghị định 78/2015/NĐ-CP, hiện nay, khi đăng ký doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ theo một trong hai phương thức là nộp trực tiếp và nộp qua mạng thông tin điện tử. Trên thực tế, tại nhiều địa phương, một số cơ quan đăng ký kinh doanh cũng đã thực hiện việc trả kết quả qua bưu điện. Theo Điều 26 LDN 2020, Luật chính thức ghi nhận các phương thức nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh, gồm: đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh; đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính và đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
Việc ghi nhận đa dạng các phương thức nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là sự tiến bộ đáng ghi nhận, là tiền đề thực hiện cải cách thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp khi LDN 2020 chính thức có hiệu lực, hướng đến sự thuận lợi về khởi sự kinh doanh cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu của doanh nghiệp
LDN 2014 đã có sửa đổi, bổ sung đáng kể về con dấu của doanh nghiệp so với trước đây, doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Luật vẫn quy định nội dung bắt buộc phải thể hiện trên con dấu gồm tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp. Đồng thời, LDN 2014 còn quy định trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
LDN 2020 tiếp tục thực hiện một bước cải cách đáng kể về con dấu của doanh nghiệp là bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu. Cụ thể, khoản 2 và khoản 3 Điều 43 LDN 2020 quy định doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp; việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật. LDN 2020 cũng không còn quy định nội dung bắt buộc phải thể hiện trên con dấu của doanh nghiệp.
Ngoài ra, LDN 2020 còn bổ sung doanh nghiệp có thể có “dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử” bên cạnh “dấu được làm tại cơ sở khắc dấu”. Việc bổ sung này mặc dù mới so với LDN 2014 nhưng không hẳn là nét mới mang tính đột phá bởi lẽ chữ ký điện tử vốn đã được doanh nghiệp sử dụng trên thực tế từ rất lâu; Luật Giao dịch điện tử được ban hành từ năm 2015 đã có quy định về chữ ký điện tử. Do đó, LDN 2020 ghi nhận “dấu dưới hình thức chữ ký số” là một bước ghi nhận cho phù hợp với tình hình thực tế và xu thế cách mạng công nghiệp hiện nay mà thôi.
Mặc dù đã có bước sửa đổi đáng kể nhưng LDN 2020 vẫn chưa minh thị doanh nghiệp có bắt buộc phải có con dấu hay không. Và như LDN 2014 trước đây và các quy định của pháp luật liên quan, thực tế doanh nghiệp vẫn bắt buộc phải có con dấu vì cần phải sử dụng dấu “trong các giao dịch theo quy định của pháp luật”.
Nhìn chung, LDN 2020 đã có một số sửa đổi, đáng kể về thủ tục thành lập doanh nghiệp, khởi sự kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người thành lập cho doanh nghiệp, cho doanh nghiệp. Hy vọng rằng những sửa đổi này sẽ là tín hiệu tích cực, giúp cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh, môi trường kinh doanh của Việt Nam trên bảng xếp hạng, đánh giá môi trường kinh doanh toàn cầu. (Báo cáo Doing Business của Ngân hàng Thế giới – World Bank).
(*) Giám đốc điều hành Công ty KAV Lawyers
Có thể bạn quan tâm
04:50, 14/09/2020
13:30, 10/07/2020
05:10, 23/06/2020