Nghiên cứu - Trao đổi

Luật hóa việc bảo vệ dữ liệu cá nhân

Gia Nguyễn 05/10/2024 03:30

Trước những đòi hỏi phát sinh trong thực tiễn, theo chuyên gia, đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân lúc này rất cần thiết…

Theo đó, Bộ Công an đã đưa Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân ra lấy ý kiến rộng rãi, Dự thảo Luật gồm 07 Chương, 68 Điều quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

can-thiet-xay-dung-luat-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-24.1.1.1.jpg
Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân được đưa ra lấy ý kiến gồm 07 Chương, 68 Điều quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan - Ảnh minh họa: ITN

Cụ thể, Dự thảo Luật quy định về các nội dung về nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân; xử lý vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân; quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu; các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình xử lý dữ liệu cá nhân; sử dụng dữ liệu cá nhân trong hoạt động kinh doanh; biện pháp, điều kiện bảo đảm bảo vệ dữ liệu cá nhân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo vệ dữ liệu cá nhân,...

Chia sẻ về Dự thảo Luật đưa ra lấy ý kiến, Bộ Công an cho biết, hiện nay, trong hệ thống pháp luật Việt Nam chỉ có 01 văn bản là Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2024 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân (Nghị định số 13/2023/NĐ-CP) đưa ra định nghĩa về dữ liệu cá nhân và bảo vệ dữ liệu cá nhân, chưa có văn bản Luật nào quy định về vấn đề này. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của Nghị định chưa bao quát hết các lĩnh vực, quan hệ của đời sống, xã hội, chưa tương thích với các quy định về quyền bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được nêu trong Hiến pháp năm 2013, cùng các quy định liên quan tới “thông tin cá nhân”, “thông tin riêng”, “thông tin số”; “thông tin cá nhân trên môi trường mạng”; “thông tin bí mật đời tư”... được nêu trong một số văn bản Luật hiện hành.

Theo Bộ Công an, quy định của Hiến pháp năm 2013, chỉ có văn bản luật được quyền quy định các nội dung liên quan tới hạn chế quyền con người, quyền công dân. Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân dự kiến quy định một số trường hợp liên quan tới tiết lộ, xử lý dữ liệu cá nhân khi chưa được sự đồng ý của chủ thể dữ liệu, có khả năng ảnh hưởng tới quyền con người.

“Mặc dù đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân quy định một số trường hợp tại Điều 17, tuy nhiên, về mặt pháp lý và để bảo đảm quy phạm đầy đủ các trường hợp khác trong thực tiễn, cần ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để quy định các nội dung nêu trên”, Bộ Công an nhận định.

can-thiet-xay-dung-luat-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-24.1.1.2.jpg
Theo chuyên gia, đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân lúc này rất cần thiết - Ảnh minh họa: ITN

Thực tế cho thấy, Việt Nam thuộc TOP các quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng internet cao nhất thế giới (tính đến hết năm 2023, có 78,59% người dân sử dụng internet). Đi cùng với đó, tình trạng lộ dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến, vì vậy, các biện pháp bảo vệ an toàn cho mỗi cá nhân, doanh nghiệp trên không gian mạng là nhiệm vụ vô cùng cấp bách.

Theo thống kê của Công ty An ninh mạng Viettel, tình trạng lọt dữ liệu, lỗ hổng bảo mật và tấn công mã hóa tống tiền… đã gia tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây. Chỉ tính riêng trong quý I/2024, số lượng vụ việc liên quan đã tăng tới 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Các dữ liệu của nhiều tổ chức bị đánh cắp dẫn đến rò rỉ, lộ lọt dữ liệu nhạy cảm, quan trọng ra bên ngoài. Mã hóa hạ tầng ảo hóa của tổ chức cũng dẫn đến gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Việc gián đoạn dịch vụ hoặc bị tấn công còn khiến cho đối tác, khách hàng mất niềm tin, nghi ngờ, đánh giá thấp khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.

Trước thực tế đã nêu, nhìn nhận về đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhiều ý kiến cho hay, đây là giải pháp cần thiết trong bối cảnh hiện nay, bởi bảo vệ dữ liệu cá nhân không chỉ là trách nhiệm của cá nhân, mà còn là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, của doanh nghiệp, Nhà nước và cả xã hội. Bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng chính là bảo vệ tài sản, bảo vệ quyền riêng tư, quyền tự do, danh dự, uy tín của mỗi người và của cộng đồng. Qua đó góp phần xây dựng một xã hội văn minh, an toàn và phát triển.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân lúc này rất cần thiết. Bởi, dữ liệu cá nhân là bí mật riêng tư, là tài sản trên không gian số, là quyền cơ bản của người dân.

“Việc xây dựng quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng cần lưu ý đến vấn đề văn hóa tôn trọng quyền riêng tư về dữ liệu trên môi trường số. Giờ hầu hết mọi thứ đều liên quan đến điện thoại thông minh, không gian mạng nên việc mua bán dữ liệu, xâm phạm quyền riêng tư hiện khá phổ biến”, Luật sư Bình chia sẻ.

Được biết, về Đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, ngày 02/10 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 174/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9/2024. Trong đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Công an tiếp tục rà soát bảo đảm thuật ngữ dữ liệu cá nhân được hiểu và áp dụng thống nhất, đồng thời quy định cụ thể nguyên tắc áp dụng luật này với các luật liên quan nhằm tránh xung đột pháp luật, gây vướng mắc khi luật được ban hành... tiếp tục làm rõ về khái niệm dữ liệu cá nhân, thông tin cá nhân, đối tượng, phạm vi quản lý; nghiên cứu, xác định rõ dữ liệu cá nhân là tài sản hay tài nguyên để có quy định phù hợp…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Luật hóa việc bảo vệ dữ liệu cá nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO