Trong thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn lớn cho doanh nghiệp, song nếu không được kiểm soát đúng hướng, thì rủi ro sẽ rất lớn.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện Dự thảo luật chứng khoán, trong đó rà soát quy định phát hành trái phiếu riêng lẻ theo hướng chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp có năng lực phân tích tài chính và khả năng đánh giá rủi ro.
Thiếu cơ sở xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp
Vừa qua, F88- một doanh nghiệp chuyên cho vay cầm đồ cho biết đã phát hành trái phiếu huy động vốn trị giá 100 tỷ đồng thành công.
Được biết, Hoa hậu Mai Phương Thúy đã rót 10 tỷ đồng mua trái phiếu trong đợt phát hành nói trên của F88. Trước đó, trên một số trang thông tin mạng từng xuất hiện chia sẻ của Hoa hậu Mai Phương Thúy về các hoạt động đầu tư tài chính của mình, với các mã cổ phiếu Bluechips như VCB, MWG, HPG... Chưa biết các danh mục đầu tư thực tế của Hoa hậu Mai Phương Thúy ra sao; hay đầu tư vào F88 có là một lựa chọn hoặc truyền thông hay không, song rõ ràng với phương thức phát hành và trị giá vốn đầu tư mà F88 công bố, Mai Phương Thúy có lẽ được xem như nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
10:00, 08/08/2019
05:30, 02/08/2019
11:04, 15/07/2019
10:00, 23/05/2019
10:33, 25/04/2019
Nói có lẽ là bởi Nghị định 163/2018/NÐ-CP có quy định phân biệt giữa phát hành TPDN riêng lẻ và phát hành TPDN ra công chúng; Nhà đầu tư mua TPDN phát hành riêng lẻ phải tự đánh giá mức độ rủi ro trong việc đầu tư trái phiếu, hạn chế về giao dịch trái phiếu và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư. Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi cũng đã định hướng việc phát hành riêng lẻ TPDN chỉ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp, bao gồm các tổ chức và cá nhân đầu tư chuyên nghiệp (có kinh nghiệm và kiến thức đầu tư hoặc có năng lực về tài chính).
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Tài chính sửa đổi các quy định để rút ngắn quy trình phát hành TPDN ra công chúng, gắn phát hành ra công chúng bắt buộc với xếp hạng tín nhiệm.
Tuy nhiên, dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi mới chỉ dừng lại ở phạm vi xác định chung chung về “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp”. Vậy tổ chức nào, hay tiêu chí nào sẽ xác định thế nào là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp? Điểm mở này hẳn đang rất cần được bổ sung chi tiết để tránh các hệ lụy rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân “gà mờ” hoặc là những người được đại diện ủy thác vốn đầu tư vì mục đích khác.
Tránh ảnh hưởng tới thị trường tín dụng
Hiện tại, việc phát hành TPDN của các doanh nghiệp và TCTD mà các NHTMCP tham gia mua theo hình thức tài trợ, thu xếp vốn, đầu tư chứng khoán nợ, đang có dấu hiệu tăng. Bản thân nhiều ngân hàng lớn có nguồn vốn dồi dào cũng chuyển hướng từ cho vay trên thị trường liên ngân hàng sang đầu tư trái phiếu của ngân hàng khác. Lãi suất trái phiếu hấp dẫn, chứng khoán nợ có thanh khoản và có thể giao dịch, cầm cố như tài sản đảm bảo khoản vay- đã và đang giúp ngân hàng “giải phóng” được nguồn tiền nhàn rỗi, và tăng nguồn thu nhập. Nhưng chính vì điểm này, nếu không có kiểm soát tốt, có thể dòng vốn đầu tư chứng khoán nợ không đúng địa chỉ cần đến và sẽ gián tiếp tăng tín dụng thực trong nền kinh tế, tạo áp lực gia tăng lạm phát.
NHNN đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó có bổ sung nội dung quy định về việc ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng để khách hàng đầu tư TPDN trong trường hợp đầu tư, kinh doanh TPDN của doanh nghiệp là công ty con của chính ngân hàng đó.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính ngân hàng đánh giá, quy định bổ sung trong Dự thảo Thông tư nói trên là rất cần thiết, giúp giảm rủi ro đối với giao dịch của các bên liên quan, qua đó làm minh bạch hóa hơn giao dịch, giảm bớt sở hữu chéo, giảm bớt hiện tượng mâu thuẫn lợi ích.