Trao đổi với Doanh Nhân, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam kỳ vọng du lịch xanh sẽ trở thành “đôi cánh” giúp ngành công nghiệp không khói Việt Nam "cất cánh”.
Ông Vũ Thế Bình khẳng định chuyển đổi xanh trong ngành du lịch bao gồm rất nhiều hoạt động, từ xây dựng các sản phẩm xanh, dịch vụ xanh, con đường du lịch xanh… để phát triển sản phẩm du lịch của Việt Nam hấp dẫn hơn, đổi mới hơn.
- Ông đánh giá ra sao về tiềm năng phát triển của du lịch xanh tại Việt Nam?
Khảo sát của TripAdvisor cho thấy, 34% du khách sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để ở những khách sạn thân thiện với môi trường và các hoạt động du lịch bền vững; 50% du khách chi thêm cho những công ty mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và hoạt động bảo tồn. Sự thay đổi về khí hậu, ô nhiễm môi trường và đại dịch Covid-19 càng làm nổi bật sự cần thiết của việc thay đổi và thích nghi trong ngành du lịch.
Theo nghiên cứu của tổ chức Green Destination, có trên 60% lượng khách sẵn sàng chi trả nhiều hơn để được trải nghiệm du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm. Điều này đặt ra cơ hội và tiềm năng phát triển du lịch xanh ở Việt Nam và đáp ứng nhu cầu du lịch của khách hàng trong tình hình mới.
- Trước đây, du lịch xanh thường được thấy như là một khẩu hiệu nhiều hơn, thì nay buộc phải trở thành hành động cụ thể từ sản phẩm, dịch vụ, đến hệ sinh thái vận hành, thưa ông?
Người dân ở châu Âu hay Mỹ đã thay đổi từ rất sớm. Giờ đây vào các khách sạn, bạn sẽ không còn thấy cốc nhựa, thìa nhựa. Mọi thứ được tái chế, thân thiện môi trường. Không cần nói nhiều, họ đã hành động. Còn ở Việt Nam, nhiều khi chúng ta vẫn có tâm lý có gì dùng nấy, dẫn đến lãng phí và làm chậm quá trình chuyển đổi.
Trước thực tế cần phải thay đổi và thích nghi để bắt kịp thế giới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xác định rõ, cần chuyển đổi xanh càng sớm, càng mạnh mẽ càng tốt. Mục tiêu là để các doanh nghiệp du lịch Việt Nam sớm đạt các tiêu chuẩn xanh, được công nhận bằng các nhãn chứng nhận uy tín, để khẳng định chất lượng dịch vụ và nâng tầm thương hiệu quốc gia.
Để tạo sự chuyển mình thực sự mạnh mẽ và thể hiện quyết tâm chuyển đổi xanh không phải là một chiến dịch ngắn hạn mà là cả quá trình lâu dài, gian nan và đòi hỏi sự bền bỉ, năm nay, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tiếp tục lấy chủ đề “Phát triển điểm đến du lịch xanh - Nâng tầm du lịch Việt Nam” cho VITM Hà Nội 2025.
Việc tập trung vào điểm đến xanh không chỉ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn giúp các doanh nghiệp khai thác, kinh doanh hiệu quả hơn, có lợi thế cạnh tranh trong dài hạn. Muốn tư duy xanh, hành động xanh thực sự thấm vào từng người lao động, từng doanh nghiệp thì toàn ngành cần phải lặp đi lặp lại, cần làm sâu và làm thật.
Điểm đến chính là “linh hồn” của ngành du lịch. Cũng vì thế, các chuyên gia cho rằng muốn có sản phẩm du lịch chất lượng, thu hút và níu chân du khách thì trước hết điểm đến phải đủ hấp dẫn, đủ thân thiện và đủ bền vững.
- Nhiều chuyên gia cho rằng để phát triển du lịch xanh cần chiến lược đồng bộ và sự chung tay của công đồng, đặc biệt là các doanh nghiệp, thưa ông?
Đúng vậy, để phát triển nhanh, bền vững và khai thác được tốt nhất những gì thiên nhiên đã ban tặng cho Việt Nam rất cần có chiến lược đồng bộ. Trong thời gian qua sự chuyển đổi sang du lịch xanh của nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch cũng là một bước quan trọng. Việc xây dựng các tour du lịch xanh và đạt chứng chỉ xanh cho khách sạn đảm bảo rằng các hoạt động du lịch được thực hiện một cách có trách nhiệm và tôn trọng nguyên tắc bền vững. Chứng chỉ xanh không chỉ tạo niềm tin và lòng tin tưởng từ phía khách hàng mà còn là một công cụ quảng cáo mạnh mẽ giúp thu hút du khách quan tâm đến doanh nghiệp.
Những phát triển này là bước đi quan trọng và đáng khích lệ trong việc thúc đẩy du lịch xanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp và quy định du lịch bền vững cần được đảm bảo và kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo tính công bằng, an toàn và bền vững trong quá trình phát triển du lịch.
Chính phủ Việt Nam nên đưa ra các chính sách và quy định cụ thể để khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trong việc chuyển đổi sang mô hình du lịch xanh. Điều này có thể bao gồm ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính, và các chương trình đào tạo về du lịch bền vững.
Để khách hàng và cộng đồng có ý thức về du lịch xanh, cần tăng cường giáo dục và nhận thức thông qua các chiến dịch thông tin, truyền thông và chương trình đào tạo. Việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường, tài nguyên, đầu tư vào hạ tầng và công nghệ xanh để phát triển du lịch xanh.
Cần xây dựng một mạng lưới du lịch xanh, kết nối các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có cùng mục tiêu và cam kết về du lịch bền vững. Mạng lưới này có thể cung cấp cơ hội cho việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và tài nguyên, đồng thời tạo ra một nền tảng để phát triển và thúc đẩy du lịch xanh trong cả nước.
- Trân trọng cảm ơn ông!