Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 và mùa du lịch hè đang đến gần, đây cũng là thời điểm các vụ lừa đảo trực tuyến nhắm vào khách du lịch có thể sẽ tăng cao.
Ngành du lịch Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút du khách trong và ngoài nước nhờ các điểm đến sôi động, lòng hiếu khách nồng hậu và trải nghiệm văn hóa phong phú. Tuy nhiên, ẩn sau câu chuyện thành công này là mối đe dọa kỹ thuật số - nạn lừa đảo du lịch trực tuyến đang gia tăng - có nguy cơ làm tổn hại danh tiếng của Việt Nam.
Trong kỳ nghỉ gần đây ở Mũi Né, tôi đã tận mắt chứng kiến một du khách người Anh bị lừa bởi một trang Facebook giả danh khách sạn. Tôi đã hỗ trợ họ giải quyết hậu quả, và trải nghiệm đó khiến tôi nhận ra mức độ tinh vi và nguy hại của những vụ lừa đảo này. Bị thu hút bởi những hình ảnh trau chuốt, những đánh giá, bình luận tích cực và phản hồi nhanh chóng từ nhóm quản lý khách sạn giả mạo, du khách người Anh đã đặt cọc phòng nhưng khi đến nơi thì phát hiện ra rằng khách sạn không có hồ sơ đặt phòng của họ. Tệ hơn nữa, trang lừa đảo này là bản sao gần như hoàn hảo của tài khoản Facebook thật của khách sạn. Đáng buồn thay, những sự vụ như trên không phải là trường hợp cá biệt.
Các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, đã trở thành mảnh đất màu mỡ của quảng cáo lưu trú giả mạo, đại lý du lịch không có thật và các ưu đãi “siêu hời” khó tin. Kẻ gian dụ dỗ nạn nhân bằng mức giá chiết khấu, nhận diện thương hiệu chuyên nghiệp và các bài đánh giá bịa đặt, làm lu mờ ranh giới giữa thật và giả. Đối với những du khách nhẹ dạ cả tin, các chiêu trò này không chỉ hủy hoại kế hoạch đi nghỉ mà còn khiến họ bị tổn thất về tài chính và mất lòng tin vào ngành du lịch Việt Nam.
Hậu quả đối với doanh nghiệp địa phương cũng nghiêm trọng không kém. Các khách sạn và công ty lữ hành uy tín có thể mất doanh thu tiềm năng, bị tổn hại danh tiếng và buộc phải đối phó với những khách hàng giận dữ sau khi bị kẻ xấu lừa. Hơn nữa, những sự việc như vậy phản ánh không tốt về ngành du lịch của Việt Nam vào thời điểm đất nước đang tích cực nới lỏng chính sách thị thực và tự quảng bá là điểm đến không thể bỏ qua.
Mặc dù nhận được phản ảnh liên tục từ các doanh nghiệp và du khách bị ảnh hưởng, Meta – công ty mẹ của Facebook – phản hồi khá chậm. Trong sự cố mà tôi chứng kiến, khách sạn bị mạo danh đã nhanh chóng báo cáo tài khoản giả cho Meta nhưng chỉ nhận được phản hồi chậm chạp và thờ ơ. Vì trang gian lận đang trả tiền cho quảng cáo nên họ không có nhiều động lực xóa trang.
Sự thiếu trách nhiệm của các nền tảng mạng xã hội thực sự đáng lo ngại. Mặc dù các công ty này cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, họ cũng có nghĩa vụ bảo vệ người dùng và hành động quyết liệt chống lại nội dung gian lận. Nếu không làm như vậy, du khách và hệ sinh thái đặt dịch vụ du lịch trực tuyến sẽ bị tổn hại.
Kỳ nghỉ lễ sắp tới và sự bùng nổ của mùa du lịch hè mang đến nhiều cơ hội mới để kẻ xấu hành động. Khi Việt Nam chuẩn bị đón lượng khách du lịch đổ về, việc tăng cường các biện pháp bảo vệ kỹ thuật số chưa bao giờ cấp thiết hơn.
Trước hết, du khách phải luôn cảnh giác khi đặt vé, đặt phòng trực tuyến. Cả du khách trong nước và quốc tế đều cần trang bị kiến thức để nhận diện các tài khoản đáng ngờ, tránh xa các yêu cầu thanh toán trực tiếp qua mạng xã hội và luôn xác minh thông tin đặt phòng qua các trang web chính thức hoặc nền tảng đáng tin cậy. Các cơ quan quản lý du lịch, hiệp hội ngành và cộng đồng du lịch trực tuyến đóng vai trò thiết yếu trong việc khuếch đại những thông điệp an toàn này. Đồng thời, những chiến dịch nâng cao nhận thức của công chúng nếu được xây dựng tốt cũng rất quan trọng để giúp bảo vệ du khách và ngành du lịch Việt Nam nói chung.
Các khách sạn và công ty lữ hành phải chủ động bảo vệ sự hiện diện kỹ thuật số của mình. Các bước thiết yếu bao gồm thường xuyên theo dõi các nền tảng trực tuyến để phát hiện hành vi lạm dụng thương hiệu, phát cảnh báo lừa đảo và tích cực khuyến khích đặt phòng trực tiếp qua các trang web chính thức. Một số doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp chủ động, nhưng sự phối hợp rộng rãi hơn trong ngành sẽ giúp những nỗ lực này hiệu quả hơn.
Cuối cùng, Việt Nam có cơ hội dẫn đầu thế giới bằng cách thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ hơn đối với các tài khoản mạng xã hội liên quan đến du lịch, đặc biệt là những tài khoản yêu cầu đặt cọc hoặc thanh toán bên ngoài các hệ thống đặt phòng được công nhận. Hệ thống huy hiệu đã xác minh (verified badge) dành cho các nhà cung cấp dịch vụ lưu trú và dịch vụ du lịch trên mạng xã hội có thể là giải pháp thiết thực, giúp du khách xác định được các doanh nghiệp hợp pháp. Chẳng hạn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể hợp tác với Meta để quản lý quá trình xác minh này, đảm bảo rằng chỉ những doanh nghiệp du lịch được cấp phép mới đủ điều kiện nhận huy hiệu. Điều này sẽ giúp du khách tự tin hơn khi đặt phòng trực tuyến, khiến các trang lừa đảo khó có thể mạo danh doanh nghiệp hợp pháp. Các công cụ phản ảnh đơn giản và dễ tiếp cận đối với người dùng cũng nên được ưu tiên.
Xét cho cùng, việc bảo vệ danh tiếng ngành du lịch của Việt Nam đòi hỏi nỗ lực tổng hợp. Các nền tảng công nghệ, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và du khách đều đóng vai trò nhất định. Mặc dù có thể không xóa bỏ hoàn toàn các vụ lừa đảo trực tuyến, nhưng với nỗ lực phối hợp hành động, quy định chặt chẽ hơn và hành xử có đạo đức từ phía doanh nghiệp, tần suất các vụ lừa đảo có thể giảm đáng kể.
Trong bối cảnh Việt Nam đang trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu Đông Nam Á, an toàn kỹ thuật số phải trở thành trụ cột chính trong chiến lược du lịch quốc gia. Du khách xứng đáng được tự do khám phá đất nước xinh đẹp này mà không sợ bị lừa đảo từ trước khi bắt đầu hành trình. Bằng cách nêu bật vấn đề này và yêu cầu trách nhiệm giải trình cao hơn, Việt Nam có thể tiếp tục là điểm đến trong mơ và đáng tin cậy với du khách bốn phương.