Du lịch

Phát triển xanh là định hướng xuyên suốt của ngành du lịch Việt Nam

Minh Châu 18/04/2025 06:47

Việc áp dụng công nghệ vào chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu mà các địa phương, doanh nghiệp cần lưu ý.

Nằm trong 6 giải pháp trọng tâm nhằm tăng tốc phát triển du lịch, đạt được các mục tiêu đề ra năm 2025 đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế và đạt 120-130 triệu lượt khách nội địa theo tinh thần Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 05/02/2025 của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam khẳng định: Doanh nghiệp cần chú trọng bảo vệ môi trường và bảo tồn giá trị văn hóa trong phát triển du lịch. Các mô hình du lịch bền vững như du lịch xanh, cộng đồng và nông nghiệp cần được áp dụng, ưu tiên sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa và hạn chế tác động tiêu cực đến cảnh quan tự nhiên.

khach-du-lich-tham-gia-hoat-3716.jpg
Doanh nghiệp cần chú trọng bảo vệ môi trường và bảo tồn giá trị văn hóa trong phát triển du lịch.

Du lịch không chỉ là ngành kinh tế có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP, tạo việc làm và thúc đẩy giao lưu văn hóa mà còn là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển bền vững quốc gia. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức chưa từng có như biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường và tài nguyên cạn kiệt, ngành du lịch cũng buộc phải chuyển mình mạnh mẽ.

Nhiều thách thức ở giai đoạn khởi đầu

Theo ông Vũ Quốc Trí - Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các doanh nghiệp đã bước đầu có những thí điểm để giảm thiểu tác động tới môi trường, trong đó có việc kiểm soát rác thải nhựa. “Chúng tôi đã có những tiêu chí để doanh nghiệp du lịch đồng hành trong việc hạn chế nhựa, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân, du khách. Trong thời gian qua, nhiều địa điểm du lịch như Tràng An, Tam Cốc Bích Động, Hội An... đã giảm được khoảng 30% khối lượng rác thải nhựa trong 6 tháng”, ông Vũ Quốc Trí cho biết.

Cũng theo ông Trí, cốt lõi của các điểm đến xanh không chỉ dừng ở rác thải nhựa, mà còn nhiều việc phải làm như sử dụng năng lượng sạch; hoạt động bảo vệ môi trường; giữ gìn văn hóa bản địa; khai thác tối đa những lợi thế của địa phương...

Từ phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty Chua me đất (Oxalis) - doanh nghiệp chuyên tổ chức các tour du lịch mạo hiểm - cho biết, trung bình mỗi năm, Việt Nam phát thải 900 triệu tấn CO2, trong khi những cánh rừng trên cả nước chỉ hấp thụ được khoảng 110 triệu tấn.

“Oxalis giới hạn đón 1.000 khách tham gia tour khám phá hang Sơn Đoòng một năm, nhưng hoạt động này cũng phát thải 1.009 tấn CO2, dù chỉ là đi bộ. Điều đáng nói là, lượng khí thải phát sinh trong rừng chỉ chiếm khoảng 20,8 kg; còn các hoạt động bên ngoài, từ nhà cung cấp, đối tác chiếm phần lớn lượng phát thải, với hơn 600 kg”, ông Nguyễn Châu Á dẫn chứng.

Ông Nguyễn Châu Á nhấn mạnh, để đạt được Net Zero, doanh nghiệp phải bắt đầu từ việc đo lường chính xác mức độ phát thải, sau đó đưa ra các biện pháp giảm phát thải trong nội tại doanh nghiệp, rồi tiến hành làm việc với các đối tác, nhà cung ứng để có giải pháp giảm thiểu lượng khí thải. Việc này không chỉ nhằm đạt mục tiêu mà Chính phủ đề ra (đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050), mà còn góp phần tạo sức hút cho các sản phẩm du lịch bền vững.

Chia sẻ thêm ý kiến về nội dung này, ông Vũ Quốc Trí - Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam - cho biết, vẫn còn nhiều thách thức cản trở chuyển đổi xanh trong phát triển du lịch. Hiện nay vẫn có nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, gặp tương đối nhiều khó khăn tài chính khi thực hiện chuyển đổi, cũng khó tồn tại trong môi trường cạnh tranh. Nguồn lực phát triển kiến thức kỹ thuật còn hạn chế.

dulichxanh.jpg
Du khách nước ngoài trải nghiệm tour du lịch dọn sạch bãi biển tại Vân Đồn (Quảng Ninh).

Cần cơ chế chính sách phù hợp

Ông Trí khẳng định, cơ chế chính sách phù hợp là điều đa phần các doanh nghiệp du lịch mong muốn. Cần có sự hỗ trợ, quản lý trên một điểm đến để tạo được sự công bằng, tránh trường hợp một doanh nghiệp nỗ lực chuyển đổi xanh sẽ bị thụt lùi so với một doanh nghiệp không chuyển đổi. Nếu giải quyết được các vấn đề này, chúng ta có thể tiến tới ghi dấu ấn với bản đồ du lịch xanh Việt Nam.

Mặt khác, theo ông Phùng Quang Thắng - Chủ tịch Liên chi hội Du lịch xanh Việt Nam, ngoài đưa ra các tiêu chí xanh để địa phương doanh nghiệp tiếp cận, cũng cần có sự đào tạo phù hợp với từng hoàn cảnh. Việc áp dụng công nghệ vào chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu mà các địa phương, doanh nghiệp cần lưu ý.

Cũng theo ông Thắng, cần phát triển du lịch cộng đồng và kinh tế tuần hoàn, trong đó hỗ trợ người dân địa phương ưu tiên các sản phẩm, thực phẩm hữu cơ, nâng cao nhận thức và trách nhiệm du lịch theo hướng giáo dục du khách về du lịch bền vững; khuyến khích khách du lịch tham gia các hoạt động bảo vệ thiên nhiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phát triển xanh là định hướng xuyên suốt của ngành du lịch Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO