Các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp để ứng phó và hạn chế tác động ảnh hưởng từ thuế quan mới của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2, cùng với các giải pháp vĩ mô từ Chính phủ, các bộ, ngành và UBND TP. Hồ Chí Minh, đây là một trong những định hướng, mục tiêu ngành Ngân hàng TP Hồ Chí Minh hướng đến.
Theo đó, ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết, trước mắt, cần những hành động cụ thể, thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ mức thuế quan này, theo hướng tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi về môi trường kinh doanh và giao dịch vốn, dịch vụ ngân hàng.
Cụ thể, ngành ngân hàng TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tập trung một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện tốt cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng và lãi suất của ngân hàng trung ương (NHTW), đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, với lãi suất ổn định và thấp.
Trong đó đối với doanh nghiệp xuất khẩu, tiếp tục mở rộng và tăng trưởng tín dụng ngắn hạn bằng VND với lãi suất không quá 4%/năm theo quy định về cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực gồm: doanh nghiệp nhỏ và vừa; lĩnh vực xuất khẩu; lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ… nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp để duy trì và phát triển trong điều kiện chịu tác động bởi các yếu tố thị trường, yếu tố thuế quan mới của Mỹ.
Thứ hai, tổ chức và thực hiện tốt các chương trình tín dụng, các gói tín dụng ưu đãi. Trong đó, mở rộng và tăng trưởng tín dụng cho vay lâm sản thủy sản, thông qua giải ngân gói tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực này, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ: từ nuôi trồng, chế biến, đến xuất khẩu. Với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1-2%/năm, sẽ trực tiếp hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm bớt khó khăn do tác động từ các yếu tố khách quan phát sinh để tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh, tăng trưởng và phát triển.
Thứ ba, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong quan hệ giao dịch vốn và dịch vụ ngân hàng nhằm cung cấp tối đa lợi ích cho doanh nghiệp bằng sản phẩm dịch vụ chất lượng, song tiết giảm chi phí cũng như thời gian giao dịch cho khách hàng; tăng cường các hoạt động thông tin truyền thông; tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong đó tư vấn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu sử dụng hiệu quả các công cụ, sản phẩm phái sinh trong giao dịch ngoại hối để vừa đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu ngoại tệ hợp pháp cho doanh nghiệp kinh doanh, vừa đảm bảo hạn chế rủi ro do biến động của thị trường, mang lại lợi ích tốt nhất cho doanh nghiệp.
Thứ tư, làm tốt các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; thực thi chính sách hiệu quả; nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá và lãi suất, tiếp tục môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục tăng trưởng và phát triển.
"Trong quá trình này, ngành ngân hàng thành phố cần tiếp tục thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp. Trong đó thay đổi phương thức tổ chức thực hiện, chuyển sang phối hợp trực tiếp với hiệp hội doanh nghiệp, các hội doanh nghiệp tại các quận, huyện cũng như có sự tham gia tổ chức thực hiện chương trình trực tiếp từ các TCTD nhằm đưa cơ chế chính sách nhất là các chính sách về tín dụng, về lãi suất của NHTW tiếp tục phát huy hiệu quả.
Đồng thời các gói tín dụng ưu đãi sẽ được đẩy mạnh giải ngân và giải ngân đúng đối tượng, qua đó giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn, dịch vụ ngân hàng thuận lợi để phát triển. Việc thay đổi cách thức thực hiện này cũng phù hợp với xu hướng thay đổi và sắp xếp lại bộ máy chính quyền cấp quận, huyện để chủ động cho chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp tiếp tục được thực hiện tốt tại các địa phương trên địa bàn TP Hồ Chí Minh", ông Nguyễn Đức Lệnh chia.
Lãnh đạo NHNN chi nhánh Khu vực 2 cũng nhấn mạnh việc thực hiện các giải pháp này, không chỉ là trách nhiệm thực thi chính sách của NHTW trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, mà còn là trách nhiệm tổ chức và triển khai thực hiện nhiệm vụ địa phương, với tinh thần chia sẻ, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp để đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển, để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2025 của ngành ngân hàng và nền kinh tế.
Trong bối cảnh được nhận diện đầy thách thức phía trước của các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng, ngoài ra, còn có những tác động liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh chung. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN tiếp tục theo dõi, nếu lạm phát kiểm soát ở mức thấp có thể linh hoạt điều chỉnh tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Đối với vấn đề lãi suất, theo Thống đốc, hiện mặt bằng lãi suất huy động mới chỉ tăng 0,08%, trong khi lãi suất cho vay tiếp tục giảm 0,4% so với cuối năm 2024 cho thấy nỗ lực của hệ thống ngân hàng trong việc hỗ trợ nền kinh tế.
Đối với tỷ giá, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhận định, đây là vấn đề tất cả các doanh nghiệp rất quan tâm sau khi Tổng thống Donald Trump công bố sắc lệnh thuế. Về phía NHNN đã theo dõi sát sắc thuế của Tổng thống Trump và nhận thấy sự khác biệt so với những lần trước. Cụ thể, lần này sắc thuế dựa trên thặng dư thương mại của 57 quốc gia, không đề cập rõ đến vấn đề tiền tệ. NHNN nhận thấy các giải pháp thương mại đưa ra từ các cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất phù hợp với tinh thần của Tổng thống Trump.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá diễn biến tỷ giá phức tạp, khó lường thể hiện rõ sau khi Tổng thống Trump tuyên bố sắc thuế, ngày đầu tiên tỷ giá tăng lên thêm 0,6%. Nhất là khi đối tác thương mại áp dụng trả đũa chắc chắn thị trường tài chính tiền tệ diễn biến phức tạp hàng ngày hàng giờ.
Thống đốc NHNN chia sẻ định hướng điều hành: Sẽ theo dõi rất sát diễn biến thị trường để điều hành các công cụ, giải pháp với thời điều và liều lượng hợp lý, đặc biệt cân nhắc hài hoà sự đánh đổi tỷ giá với mục tiêu giảm lãi suất. Đây cũng là những định hướng mà doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp có hoạt động gắn với vốn tín dụng, lãi suất tác động đến chi phí vay và biến động tỷ giá sẽ tác động đến chi phí và nguồn cung vốn vay bằng đồ bạc xanh, nguồn vốn đầu tư, hoặc có thể lỗ - lãi do chênh lệch ngoại tệ... rất mong đợi. Tỷ giá biến động khó lường có thể khiến doanh nghiệp xuất khẩu không hoàn toàn hưởng lợi mà ngược lại tăng chi cho nhập khẩu nguyên liệu, cước phí vận tải, nợ vay USD...