Kinh tế địa phương

Ngành Công Thương (Kiên Giang) “tăng tốc” hỗ trợ doanh nghiệp

Nguyên Vũ 17/10/2024 21:31

Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang đã đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp DN tăng tốc SX KD, đảm bảo tăng trưởng CN và kim ngạch XK năm 2024.

cong thuong KG
Sở Công Thương họp tổ thẩm định 04 đề án khuyến công địa phương bổ sung năm 2024

Năm 2024 xác định là năm “tăng tốc” hoàn thành mục tiêu, kế hoạch 5 năm 2021-2025, Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang đã đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp doanh nghiệp tăng tốc sản xuất kinh doanh, đảm bảo tăng trưởng công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu năm 2024.

Sở Công Thương Kiên Giang cho biết, những tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế thế giới còn nhiều biến động, kinh tế trong nước đối mặt với nhiều thách thức, tuy nhiên, với sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nên hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực.

Nhiều ngành sản xuất đang trên đà phục hồi

Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng đạt 40.804,10 tỷ đồng, bằng 74,94% kế hoạch và tăng 12,92% so với cùng kỳ năm trước. Một số sản phẩm có sản lượng tăng cao so với tháng của cùng kỳ năm trước như: Giày da tăng 26,98%, bột cá tăng 13,71%, điện thương phẩm tăng 11,65%, khai thác đá tăng 11,65%...

Bên cạnh đó tình hình thị trường cung - cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh ổn định, hàng hóa cơ bản đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân, do thực hiện các biện pháp kích cầu tiêu dùng nội địa và xuất nhập khẩu hàng hóa.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu đều tăng so với tháng trước. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng năm 2024 đạt 114.736 tỷ đồng, đạt 68,41% kế hoạch năm và tăng 22,96% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt 686 triệu USD đạt 74,57% kế hoạch và tăng 6,77% so với cùng kỳ.

“Nhìn chung, tình hình hoạt động ngành công thương 9 tháng năm 2024 tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao so cùng kỳ năm trước, nhiều ngành tiếp tục trên đà phục hồi mạnh mẽ”, ông Trương Văn Minh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang nhận định.

Song bên cạnh bên cạnh những kết quả tích cực, ông Minh cho rằng, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn. Đó là những biến động kinh tế - chính trị trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; việc vận chuyển hàng hoá qua eo biển Đỏ gặp nhiều trở ngại làm tăng chi phí logistics và giá cả nhiên liệu đầu vào, dẫn đến chi phí sản xuất tăng, lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm.

Tình trạng suy thoái kinh tế đã và đang diễn ra ở một số nước lớn, cộng với tình trạng lạm phát còn ở mức cao, nhu cầu tiêu dùng tại một số thị trường chủ lực giảm,... làm cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp bị đình trệ.

Trong nước, thị trường bất động sản chưa có tín hiệu khả quan, chậm hồi phục, dư thừa nguồn cung; nguồn nguyên liệu thuỷ sản thiếu hụt cục bộ; việc tuyển dụng lao động tại một số doanh nghiệp sản xuất còn khó.

Ngoài ra, các rào cản thương mại tại một số thị trường ngày càng gay gắt, mặt bằng lãi suất cho vay tuy có giảm nhưng vẫn còn chậm... đã tác động không nhỏ đến sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp ngành công nghiệp chủ lực.

Không có tình trạng nhũng nhiễu, gây khó doanh nghiệp

Trước những khó khăn trên, Sở Công Thương đã đẩy mạnh phối kết hợp với các ngành có liên quan, tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời những vướng mắc của doanh nghiệp. Đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh giúp doanh nghiệp duy trì ổn định và hồi phục nhanh hơn.

Sở kịp thời triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển và quản lý hạ tầng thương mại. Thường xuyên rà soát các văn bản do tỉnh ban hành có liên quan đến phát triển hạ tầng thương mại để nhanh chóng sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những quy định chưa phù hợp. Cũng như ban hành mới các văn bản đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nhằm khuyến khích, thu hút mọi nguồn lực xã hội tham phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, Sở đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, như cập nhật nội dung thủ tục hành chính lên cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh; khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh để nộp hồ sơ...

“Chúng tôi tăng cường thực hiện tốt kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, quy chế làm việc; lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá sự phục vụ cơ quan. Không đùn đẩy, tránh né nhiệm vụ được giao; không nhũng nhiễu, trục lợi của người dân dưới mọi hình thức”, ông Minh nhấn mạnh.

Song song đó, Sở luôn rà soát, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn và hướng tới chính quyền điện tử, chính quyền số.

Bên cạnh sự nỗ lực của Sở, chính quyền tỉnh, ông Minh cho rằng: “Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phối hợp với Bộ Công Thương sớm tham mưu cấp thẩm quyền sửa đổi quy định pháp luật có liên quan về thủ tục đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, nhằm khắc phục những chồng chéo giữa Luật Đầu tư, Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư và quy định của Chính phủ về quản lý cụm công nghiệp, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đăng ký tham gia đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ngành Công Thương (Kiên Giang) “tăng tốc” hỗ trợ doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO